(CMO) Với bờ biển dài hơn 254 km trải dài từ Đông sang Tây cùng với hơn 80 cửa biển, cửa sông lớn nhỏ thông ra biển, từ lâu đã hình thành nhiều nghề khai thác ven bờ sát hại nguồn lợi thuỷ sản. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc thành lập mô hình HTX, tổ đồng quản lý khai thác ven bờ.
Lợi thế về ngư trường và điều kiện tự nhiên đã tạo ra nhiều sinh kế cho người dân, trong đó có hoạt động khai thác thuỷ sản ven bờ. Theo đó, hàng ngàn hộ dân trong và ngoài tỉnh nhiều năm qua sống dựa vào nguồn lợi này. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 phương tiện khai thác ven bờ. Tuy nhiên, con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều tại các cửa biển, cửa sông nhỏ, bởi không ít phương tiện thuỷ gia dụng được người dân cải hoán tham gia đánh bắt.
Tỉnh Cà Mau kiên quyết không cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thuỷ sản nếu chủ tàu cá không đánh dấu tàu theo đúng quy định. |
Các phương tiện nhỏ khai thác nguồn lợi ven bờ chủ yếu tập trung vào nghề te, đẩy xiệp, lú bát quái, lưới... với mắt lưới nhỏ và nhiều loại nằm trong danh sách nghề cấm, đặc biệt là lú bát quái, vì mang tính tận diệt. Nhiều năm qua, ngành chức năng luôn áp dụng nhiều giải pháp để hạn chế loại hình này. Tuy nhiên, vì cuộc sống không ít hộ dân bất chấp việc xử phạt và lén lút khai thác.
Sau nhiều năm nỗ lực cùng với hàng loạt những giải pháp, mô hình được triển khai thực hiện trong thực tế, việc thành lập HTX và tổ đồng quản lý khai thác ven bờ đang mang lại hiệu ứng tích cực. Mô hình HTX khai thác ven bờ tại xã Khánh Bình Tây Bắc là một trong những hướng đi đầy triển vọng cho sinh kế của người dân và cả nguồn lợi thuỷ sản.
Các thành viên tham gia vào HTX được thuê diện tích mặt nước để khai thác với các nghề và mắt lưới đúng theo quy định và phù hợp với điều kiện của vùng biển cũng như ngư dân. Bỏ tiền ra thuê nên việc khai thác của ngư dân luôn đi kèm với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để khai thác được lâu dài hơn, hiệu quả hơn. Không chỉ bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các thành viên HTX còn trở thành những tuyên truyền viên tham gia vận động bà con ngư dân cùng tuân thủ các quy định của pháp luật, các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu.
Có quyền lợi và đảm bảo được sinh kế lâu dài là cách tốt nhất để vận động người dân trong chống khai thác IUU. Và việc thành lập HTX, tổ đồng quản lý nghề khai thác là hướng đi bảo đảm tốt nhất hai mục tiêu trên. “Cộng đồng cùng quản lý đang là hướng đi tất yếu trong thời gian tới, không chỉ trong hoạt động khai thác mà kể cả nhiều lĩnh vực khác”, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau Nguyễn Việt Triều nhận định.
Qua kết quả rà soát, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 4.399 tàu cá. Trong đó, tàu có chiều dài dưới 12 m là 1.531 tàu, từ 12 m đến dưới 15 m là 1.366 tàu và từ 15 m trở lên là 1.502 tàu. Đối với nhóm tàu từ 15 m trở lên được Bộ NN&PTNT giao hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản là 1.757 tàu. Ngoài ra, đến nay các ngành chức năng tỉnh đã tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 m trở lên thuộc diện đăng kiểm là 2.278 tàu.
Thông qua công tác kiểm tra cũng đã có 2.780 tàu cá đã được đánh dấu theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh xác định, công khai hạn ngạch khai thác cho hơn 3.400 tàu cá. Trong đó, khai thác thuỷ sản vùng lộng có 1.648 phương tiện và hơn 2.000 phương tiện khai thác vùng ven bờ được cấp phép hoạt động. Nhằm góp phần cho công tác quản lý tàu cá cũng như để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ đạt hiệu quả cao nhất, trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT mới đây, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho biết, sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sẽ kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thuỷ sản nếu chủ tàu cá không đánh dấu tàu theo đúng quy định./.
Nguyễn Phú