ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 9-7-24 00:48:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bí thư chi bộ giúp dân thoát nghèo - Bài 2: Lặng thầm làm việc nghĩa

Báo Cà Mau Chắc hẳn cái tên Nguyễn Quốc Việt (Tư Việt), thương binh 2/4, ở ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi đã quen thuộc với nhiều người, bởi nghị lực “tàn nhưng không phế”. Bẵng đi một thời gian, nay gặp lại, ở tuổi 74, ông Việt vẫn đảm nhận vai trò bí thư chi bộ, vẫn y nguyên cách sống tích cực và tiêu biểu.

Dành tiền hưởng chế độ để giúp dân

“Cơm no áo ấm nhờ ơn Ðảng - Ðộc lập tự do nhớ Bác Hồ”, câu đối được ghi ngay cổng nhà ông Tư Việt từ năm 1995, cùng với căn nhà khang trang được dựng lên bởi nghị lực phi thường của người thương binh 2/4. Ðối với ông Tư Việt, câu đối ý nghĩa đó là nguồn động viên to lớn khi đường đời gặp khó khăn, trở ngại để ông thêm sức mạnh vượt qua. Và ông muốn nhắc nhở con cháu, xóm giềng phải luôn tri ân những người ngã xuống cho đất nước, học tập và làm theo gương Bác Hồ, cùng góp sức cho những điều tốt đẹp.

Trong nhà mình, ông Tư Việt dành riêng căn phòng để thờ ảnh Bác Hồ, lưu giữ hình ảnh kỷ niệm, bằng khen, giấy khen.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Tư Việt đã gửi lại một chân nơi chiến trường đầy ác liệt. Sau giải phóng, ông vừa công tác, vừa chiến đấu chống đói nghèo, lạc hậu và thành công với mô hình đa cây, con. Ở vùng đất mặn, vậy mà nhà ông Việt quanh năm xanh mát vườn cây trái, rau màu, ao cá nước ngọt, đảm bảo tự sản tự tiêu. Tiết kiệm là thế, nhưng khi làm việc có ích cho cộng đồng thì ông Tư Việt không hề suy tính.

Trên xe gắn máy tự chế, ông Tư Việt qua những cây cầu nhỏ, cống vuông tôm một cách thuần thục.

Năm nay ấp Hải An có 7 điểm sạt lở, mỗi nơi Bí thư Tư Việt đều có mặt cùng chi bộ và Nhân dân khắc phục kịp thời. Cá nhân ông Việt tiên phong góp hơn 16 triệu đồng, rồi đi vận động Nhân dân được 150 triệu đồng, để có kinh phí cùng địa phương sửa chữa. Suốt 2 năm qua, ông Tư Việt duy trì hỗ trợ bếp ăn từ thiện và xe cấp cứu của Bệnh viện Ða khoa Ðầm Dơi, mỗi tháng 1 triệu đồng.

Ðiện thoại cắt ngang cuộc trò chuyện: “Anh Tư ơi, mạnh thường quân định hỗ trợ cho ấp cây cầu, giờ cần thêm vốn đối ứng, anh tiếp chúng tôi với”. Ông Tư Việt không hề đắn đo: “Ðược rồi, anh yên tâm, tôi góp 5 triệu đồng, để sớm xây cầu mới, bà con và học sinh thuận tiện đi lại”. Quay sang tôi, ông Tư Việt kể: “Ðó là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của ấp Hoà Hiệp. Ấp này còn nhiều khó khăn, hôm trước tôi cũng mới ủng hộ cho ấp này 22 triệu đồng để sửa cầu, sửa trụ sở văn hoá và thành lập câu lạc bộ liên thế hệ”.

Tôi tò mò, ông lấy nguồn tiền từ đâu để làm việc ý nghĩa này? Ông Tư Việt vừa cười vừa tính: “Tiền thương binh, hưu trí, mức phụ cấp bí thư chi bộ... cộng lại cũng gần chục triệu mỗi tháng. Tôi không xài gì nhiều nên để dành, làm việc gì có lợi cho dân, cho quê hương thì làm”.

 “Cha anh Tư hy sinh khi anh Tư mới 5 tuổi. Anh Tư cùng mẹ từ miền Trung vào Nam tránh lùng sục của kẻ thù. Gia đình liệt sĩ, thương binh nặng nhưng chưa bao giờ ảnh có suy nghĩ mình là công thần, hay trông chờ chính sách, mà luôn tự vươn lên bằng nghị lực. Anh Tư còn xuất tiền xây cầu, giúp đỡ bà con bằng mọi hình thức”, ông Nguyễn Văn Ðương, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Hải An, chia sẻ.

Nhìn cách ông Tư Việt lao động, điều khiển chiếc xe gắn máy tự chế qua những cây cầu nhỏ, cống vuông tôm một cách thuần thục, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng và nể phục...

Ấp trắng hộ nghèo, cận nghèo

Ðối với Bí thư Chi bộ Nguyễn Quốc Việt, quá khứ đánh đổi bằng xương máu, hiện tại tạo dựng từ mồ hôi, nước mắt và khát vọng xây dựng tương lai tươi sáng.

Ấp Hải An có 222 hộ dân, năm 2018 đã xoá trắng hộ nghèo, hộ cận nghèo và duy trì kết quả ấy cho đến nay. Nhân dân trong ấp không xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn hay tệ nạn xã hội. Nơi đây, xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau, mà ông Tư Việt là trung tâm gắn kết. 

Bí thư Chi bộ Nguyễn Quốc Việt luôn hoà nhã, chân tình với chòm xóm.

Trước đây gia đình bà Trần Thị Nhạc là hộ nghèo, ông Tư Việt bàn tính giúp bà Nhạc làm giá bán xoay xở gia đình. Gần 1 tháng đầu, ngày nào ông Việt cũng xuất tiền hỗ trợ bà 10 kg đậu, vận động chòm xóm mua tiếp, rồi giới thiệu con trai bà Nhạc làm công cho những hộ nuôi tôm công nghiệp, tạo điều kiện để gia đình vươn lên. Bà Trần Thị Nhạc bộc bạch: “Mới đây nhà tôi bị sạt lở, hư hại nặng, địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn thiên tai, anh Tư đứng ra vận động xóm giềng, mỗi người góp vài trăm ngàn, bỏ công làm phụ nên căn nhà nhanh chóng hoàn thành, nghĩa tình này tôi mãi mang ơn”.

Trong khi nhiều người tính toán với nhau từng tấc đất, đồng tiền thì ông Tư Việt sẵn sàng chuyển nhượng 2 ha đất cho gia đình anh Kiều Minh Phụng, với giao kèo chừng nào có tiền thì trả. Từ vuông tôm này, đến nay vợ chồng anh đã có 10 ha đất, giàu có tiếng xứ này. Noi gương ông Việt làm việc nghĩa, anh Phụng cũng xuất gần 200 triệu đồng xây cầu. Anh Kiều Minh Phụng chia sẻ: “Lúc ấy gia đình tôi không có đất sản xuất, cậu Tư thương tình chia lại đất, qua năm sau tôi mới có tiền trả. Ðược như hôm nay tôi rất biết ơn cậu Tư và xóm giềng đã động viên, san sẻ lúc khó khăn!”.

 Ở vùng đất mặn, vậy mà nhà ông Việt quanh năm xanh mát vườn cây trái, rau màu, ao cá nước ngọt, đảm bảo tự sản tự tiêu.

Thật khó kể hết những đóng góp của người thương binh Nguyễn Quốc Việt trong hành trình giúp dân thoát nghèo. Anh Hùng, anh Công ở Vàm Ðầm được ông Tư Việt tặng nhà; anh Tài, anh Phương, anh Triệu, những người láng giềng có hoàn cảnh khó khăn được ông Việt cho mượn tiền mua xuồng máy, sắm máy khoan đất, hoặc cho mượn tôm, cua giống, khi nào có thì trả. Ai cũng cảm kích và biết ơn ông.

Ðiều đó cũng lý giải vì sao ông Tư Việt nhiều lần được Ðảng, Nhà nước tôn vinh bằng nhiều danh hiệu xứng đáng: Huân chương Lao động hạng Ba; Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Ðại biểu người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương; Ðiển hình thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn quốc; Ðại biểu Ðại hội thi đua yêu nước toàn quốc; Người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi toàn quốc...

Như cái kết có hậu, những đảng viên trẻ trong chi bộ được ông Tư Việt phát hiện, rèn luyện, giờ đã trưởng thành, đủ sức thay thế ông đảm nhận vai trò bí thư chi bộ cho đại hội tới. Con trai út của ông Tư Việt, anh Nguyễn Trung Kiên, từng đạt giải thưởng Lương Ðịnh Của, hiện giữ vai trò chi hội trưởng nông dân, tiếp nối thực hiện hiệu quả mô hình đa cây, con, vận động hội viên, Nhân dân thi đua lao động sản xuất. Anh luôn ghi nhớ lời dạy của cha: “Có chung sức, chung lòng mới tạo thành sức mạnh”./.

 

Mộng Thường

Bài cuối: Nặng lòng với ngư dân

 

Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình: Những ký ức không phai

Cuối tháng 3/1972, ở đây chưa có mưa, còn là mùa hạn. Thầy Lê Châu, Hiệu trưởng và thầy Năm Thuật, Hiệu phó Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình, khoá 3, đến Xóm Dừa, Ấp 6A. Cô Mười Mỳ là Bí thư Chi bộ xã Quách Văn Phẩm “B”, huyện Tư Kháng (huyện Ðầm Dơi ngày nay). Các thầy tìm chỗ để cất trường học và chọn vườn cô Út Ngươn để đặt lớp học. Xa ngoài kia, chọn vườn Biện Ðài, Lung Chim và 1 điểm nữa ở Thanh Tùng.

Chuyện chữ “T” của Nhà báo Trần Ngọc Hy

Nhà báo Trần Ngọc Hy, người Cà Mau, tham gia kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Bạc Liêu xưa. Ông viết chuyện vui chữ “T” đăng báo “RÙM”, tức rừng U Minh - tờ báo tường nội bộ cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đóng ở Chiến khu U Minh trên đất Cà Mau thời 9 năm kháng Pháp, khoảng 1949-1950.

Báo Minh Hải - Niềm tự hào chưa cạn tỏ

Báo Minh Hải là tiền thân của Báo Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay. Hơn 20 năm hoạt động, tờ báo này đã trở thành chiếc nôi rèn luyện cho thế hệ báo chí sau ngày thống nhất đất nước. Từ đây, đã có nhiều nhà báo trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo của báo chí, văn học nghệ thuật 2 tỉnh và Trung ương, nhiều nhà báo trở thành những tài danh báo chí, văn chương. Hướng tới kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi trân trọng giới thiệu tâm tình của một nhà báo, nhà văn, người đã sống trọn vẹn suốt thời gian măng sét Báo Minh Hải tồn tại trong lòng độc giả, cùng bạn đọc hôm nay.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài cuối: Ðiểm sáng xoá nghèo

Trên cơ sở trợ lực từ nhiều chương trình, chính sách, sự chung tay góp sức của cộng đồng; các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã sâu sát trong dân, nắm chặt hoàn cảnh hộ nghèo để triển khai đồng loạt biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; đồng thời giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi gợi ý chí phấn đấu thoát nghèo, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài 2: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Cùng với triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, Cà Mau thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào đã lan toả giá trị nhân văn trong cộng đồng, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo, người gặp hoạn nạn sớm ổn định cuộc sống, giúp các địa phương hiện thực hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo

Cùng với phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Cà Mau luôn đặt mục tiêu giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Bằng những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý thức vươn lên của hộ nghèo, cuối năm 2023 Cà Mau còn 1,6% hộ nghèo (giảm 2.507 hộ nghèo), 1,56% hộ cận nghèo (giảm 922 hộ). Ðặc biệt, tỉnh có 170 ấp, khóm và 5 xã, phường, thị trấn xoá trắng hộ nghèo. Ðó là những điểm sáng, lan toả kinh nghiệm, cách làm hay và là động lực trong hành trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Ðảng tăng cường sức mạnh, dân đồng thuận làm theo - Bài cuối: Phải thật sự gần dân, sát cơ sở

Đến thời điểm này, có thể khẳng định chủ trương trước đây của Huyện uỷ Phú Tân về cải tạo vườn tạp, trồng hoa màu, mang lại hiệu quả kinh tế hộ; hay như việc tận dụng trồng cây xanh ven sông để ngăn chặn sạt lở... đã mang lại kết quả đáng tự hào, được Nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng tham gia, lan toả. Nhìn từ Phú Tân, các địa phương khác có điều kiện tương tự, học tập làm theo và cũng đạt kết quả đáng phấn khởi. Bài học rút ra là cái gì mang lại lợi ích thiết thực vì việc chung sẽ được người dân tích cực đồng lòng chung tay, góp sức.

Ðảng tăng cường sức mạnh, dân đồng thuận làm theo - Bài 2: ...Ðến chỉ thị cấp bách

Trước những biến đổi khó lường của thời tiết, ngày 16/2/2024, Huyện uỷ Trần Văn Thời đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/HU (Chỉ thị 09) về tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, nhằm huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị để ứng phó, giảm thiểu tác động. Ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời, cho biết, Chỉ thị 09 ban hành phù hợp thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... vì việc chung.

Ðảng tăng cường sức mạnh, dân đồng thuận làm theo

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành bộ máy chính trị của Ðảng và Nhà nước, có những việc cần định hướng với tầm nhìn chiến lược dài hơi, có quá trình thực hiện mang tính giai đoạn; có những việc mang tính cấp bách, cần tập trung xử lý ngay, dứt điểm trong thời khắc nhất định. Song, tất cả đều hướng đến mục tiêu là nhằm lan toả chủ trương hợp lòng dân, sát thực tế, được cụ thể hoá đi vào đời sống Nhân dân, nâng cao nhận thức đúng đắn để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ chính trị với quyết tâm cao nhất vì sự an toàn, phát triển nhanh và bền vững của xã hội… Ðảng tăng cường sức mạnh, dân tin tưởng làm theo sẽ tạo nên nội lực vững chãi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Biển có vững, bờ mới yên - Bài cuối: Quân - dân nghĩa tình

“Trường Sa vì Tổ quốc”, “Cả nước vì Trường Sa”, những tiếng hô đồng thanh vang vọng giữa trùng khơi khi tàu rời cảng Trường Sa đã nói lên phần nào sự gắn bó máu thịt của tình quân - dân. Nghĩa tình ấy chính là sức mạnh để Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, luôn luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.