Xứ sở U Minh với những cánh rừng tràm bạt ngàn từng là căn cứ chở che cho cách mạng, viết nên những trang sử vẻ vang của đất và người U Minh anh hùng trong công cuộc cùng cả nước đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Và kể từ sau ngày giải phóng, Ðảng bộ và Nhân dân U Minh đã và đang chung sức, đồng lòng, dệt chiếc áo mới cho quê hương từ nền tảng phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, trong đó có lợi thế “rừng vàng”. Ðể rồi, về U Minh hôm nay, bức tranh tươi sáng xứ rừng hiện hữu với nhiều thành quả phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, đời sống cư dân gắn bó dưới tán rừng tràm ngày càng khởi sắc.
Những năm qua, U Minh tận dụng nhiều nguồn lực để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Từ đó, tạo động lực giúp người dân dưới tán rừng ngày càng mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế rừng và làm giàu từ rừng.
U Minh hiện đang quản lý rừng tập trung trên 32.000 ha và diện tích rừng phòng hộ biển Tây, đưa tỷ lệ che phủ của rừng và cây phân tán đạt 45,78%, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát triển các loài động thực vật dưới tán rừng. Hằng năm, diện tích rừng đưa vào khai thác từ 20.000-20.500 ha, khối lượng lâm sản cung cấp cho thị trường từ 195.000-250.000 m3 gỗ, củi. Trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, huyện đã triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Ðảng và Nhà nước, triển khai kịp thời đến các hộ dân cư sống trong lâm phần.
Dưới tán rừng, nhiều doanh nghiệp, hộ dân phát triển kinh tế theo hướng du lịch sinh thái. (Ảnh chụp tại Ðiểm Du lịch sinh thái Hương Tràm, xã Khánh An, huyện U Minh).
Không chỉ cây tràm, mà từ năm 2009, tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép bổ sung thêm cây keo lai trồng trong vùng rừng sản xuất lâm phần rừng tràm. Ngay sau đó, một số đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đất lâm phần đi đầu trong trồng keo lai, rút ngắn chu kỳ thu hoạch và tăng hiệu quả kinh tế.
Qua rồi cái thời xứ rừng U Minh “mệnh danh” là vùng đất nghèo của tỉnh khi vài năm trở lại đây, đời sống kinh tế người dân đang ngày càng khấm khá. Về U Minh, qua những cung đường khang trang len lỏi nơi những cánh rừng, những ngôi nhà lá xập xệ ngày nào giờ được thay thế bằng nhà kiên cố, khang trang. Ðời sống của người dân dưới tán rừng từng bước nâng cao.
Về Khánh Thuận, nhìn ngôi nhà khang trang giấu mình dưới tán rừng của hộ ông Ðỗ Hoàng Thạch, Ấp 21, mới thấy hết sự đổi thay của đời sống người dân nơi đây. Cơ ngơi đồ sộ, ít ai biết rằng trước đây hộ ông Thạch cũng thuộc diện khó khăn. Nhưng nhờ chủ trương của Nhà nước giao khoán đất rừng và sự nỗ lực bám trụ của gia đình, nhất là từ khi có chủ trương cho trồng keo lai, ông Thạch xung phong chuyển sang trồng keo lai, đời sống gia đình thay đổi từ đó.
Cây keo lai đang là cây trồng có giá thành cao, giúp người dân dưới tán rừng nâng cao đời sống. (Trong ảnh: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ).
“Tôi trồng tràm nhiều năm, nếu được mùa thì lại mất giá. Nhưng keo lai thì khác, giá cả ổn định. Tuy nhiên, tôi không chuyển sang trồng keo lai hết, mà vẫn chừa diện tích trồng tràm truyền thống”, ông Thạch tâm tình.
Ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận, chia sẻ, hiện nay trên địa bàn xã có hơn 80% hộ dân chuyển sang trồng keo lai vì rút ngắn được chu kỳ và hiệu quả kinh tế cao. “Giờ mỗi héc-ta trồng keo lai có giá trị từ 150-160 triệu đồng, bà con vô cùng phấn khởi. Bình quân mỗi hộ được giao khoán khoảng 7 ha đất rừng, nếu trồng hết keo lai thì sau 5 năm mỗi hộ thu hoạch trên 1 tỷ đồng”, ông Rô Y nhẩm tính.
Xã Khánh Thuận có 20 ấp nhưng có đến 15 ấp thuộc đất lâm phần với tổng diện tích trên 17.148 ha. Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã, bộc bạch: “Khánh Thuận là xã được tách ra từ xã Khánh Hoà năm 2009, thời điểm này tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 50%, tương đương trên 1 ngàn hộ. Thế nhưng, bằng chủ trương, nghị quyết của tỉnh, của huyện, giúp người dân dưới tán rừng từng bước thay da đổi thịt. Nếu trước đây, cây tràm 10 năm mới có thể thu hoạch thì nay người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đào liếp, khoanh mương để trồng, rút ngắn được thời gian khai thác từ 10 năm xuống còn 5 năm. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân tách diện tích trồng xen canh giữa cây tràm và cây keo lai, nên khai thác xoay vòng, có nguồn thu nhập ổn định. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống rõ rệt. Qua 15 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 6,46%, tương đương 190 hộ”.
Những hố bom đạn trong chiến tranh đã được người dân lắp đầy bằng những mảng xanh của rừng.
Phát triển kinh tế dưới tán rừng đang được huyện xác định là hướng đi phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện chú trọng. Mới đây, để giúp người dân phát triển ổn định dưới tán rừng và duy trì, phát huy nguồn lợi cá đồng, theo chương trình ký kết của UBND huyện với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện U Minh đã ra mắt Chi hội Nghề nghiệp nuôi cá đồng ở Ấp 12, xã Khánh Thuận, với 15 thành viên, tổng diện tích trên 105 ha.
Chi hội nghề nghiệp “nuôi cá đồng” ở Ấp 12, xã Khánh Thuận mới vừa ra mắt với 15 hộ dân tham gia, tổng diện tích trên 105 ha.
Hiện Hội Nông dân xã đã giải ngân nguồn vốn hỗ trợ các hộ dân để đào ao, khoanh bờ để chuẩn bị khi mưa xuống là có thể thả nuôi và duy trì nguồn lợi cá đồng. Chương trình phối hợp này đang đi vào thực tế, hứa hẹn tạo động lực mới cho người dân cải thiện cuộc sống, từ đó gắn bó với rừng, chung tay bảo vệ và phát huy tiềm năng đất lâm phần.
Ông Ðoàn Việt Khoa, Bí thư Huyện uỷ U Minh, tâm huyết: “U Minh mà không có cá đồng thì không còn là U Minh nữa. Nguồn lợi cá đồng dưới tán rừng đang dần bị cạn kiệt nên việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi cá đồng dưới tán rừng tràm là cần thiết cho hiện tại và tương lai”.
Hiện các hộ dân Chi hội Nghề nghiệp nuôi cá đồng đã được giải ngân vốn để đào ao, khoanh bờ bao chuẩn bị thả cá giống.
Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện, phấn khởi: “Nói đến U Minh, người ta thường nghĩ đến rừng tràm, cây tràm không chỉ là cây đặc trưng cho địa danh U Minh mà còn có những giá trị lớn lao khác. Ðất rừng U Minh có trữ lượng lớn gỗ tràm, các loài động thực vật và khoáng sản quý hiếm dưới tán rừng. Ðể bảo vệ tài nguyên rừng, huyện đã phối hợp với ngành chủ quản, cùng với chủ rừng triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách bảo vệ và phát triển rừng như: hoàn thành hệ thống đê bao, hệ thống kênh đào phân khu phục vụ việc bảo vệ, khai thác và phòng, chống cháy rừng. Bên cạnh đó, từ lợi thế đặc trưng, địa phương đang tập trung phát triển du lịch sinh thái. Hiện trên địa bàn có các điểm du lịch: Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, Ðiểm Du lịch Hương Rừng U Minh, Ðiểm du lịch Hương Tràm, bước đầu thu hút được một lượng khách du lịch đáng kể. Ðặc biệt, ngày 26/5/2009, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Hiện nay, dưới tán rừng, nhiều hộ dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch nhằm quảng bá vùng đất và con người U Minh với du khách trong và ngoài tỉnh”.
Trải qua nhiều thập kỷ, cây tràm vẫn kiên trung bám trụ với vùng đất nhiễm phèn, giống như người dân U Minh, dù khó khăn, gian khổ cũng không chùn bước, luôn phấn đấu vươn lên để cùng với Ðảng bộ, chính quyền đưa quê hương U Minh phát triển lên tầm cao mới./.
Kim Cương