(CMO) Năm 2017 là điểm mốc đánh dấu nhiều đổi thay về sản xuất và quy hoạch sản xuất hiệu quả ở huyện Thới Bình. Từ việc triển khai thí điểm nhiều mô hình của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã mở ra hướng đi mới cho nông dân. Đó là những nghiên cứu ứng dụng thiết thực như: nuôi tôm xen canh lúa, nuôi tôm sú chuyên canh ít thay nước, nuôi tôm càng xanh trái vụ, nuôi dê…
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, đến nay sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ. Việc chuyển đổi giống lúa mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" đã được nông dân áp dụng mạnh mẽ.
Đến nay, giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao được sử dụng trên 95% diện tích. Năng suất lúa năm 2017 ước đạt 3,866 tấn/ha. Nuôi trồng thuỷ sản có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là năng suất và sản lượng tôm không ngừng tăng lên. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2017 đạt 38.500 tấn, tăng 1.863 tấn so với năm 2014 (khi chưa ứng dụng).
Nông dân Thới Bình thu hoạch tôm càng xanh. |
Trên cơ sở kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, đến thời điểm này, huyện Thới Bình đã xác định và phê duyệt kế hoạch phát triển 2 ngành hàng chủ lực của địa phương là ngành hàng lúa, gạo (theo Quyết định số 1259/QĐ-UBND, ngày 24/4/2017) và ngành hàng tôm (theo Quyết định số 1260/QĐ-UBND, ngày 24/4/2017). Đồng thời, đang tiến hành rà soát đánh giá ngành hàng cua biển và du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho hay: Việc thực hiện đề án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như mô hình ứng dụng chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất lúa trên đất nuôi tôm với quy mô 670 ha ở xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Trí Phải, Tân Phú và thị trấn Thới Bình, cho năng suất lúa đạt từ 4,5-5,5 tấn/ha. Riêng diện tích lúa ST 20 thực hiện tại xã Trí Lực đã có doanh nghiệp ký bao tiêu thu mua lúa thương phẩm (lúa tươi) với giá 6.500 đồng/kg.
Ngay sau khi kiểm tra thực tế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể để huyện cùng với các ngành tỉnh phối hợp thực hiện hiệu quả hơn trong vụ mùa năm 2018 và những năm tiếp theo. Bởi qua thời gian thí điểm, đến nay các dự án trên đang trong quá trình phát triển và dự kiến cho kết quả rất khả quan.
Cụ thể như mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước. Theo đánh giá chuyên môn, mô hình này phù hợp với đa số các hộ đang nuôi tôm quảng canh truyền thống, tôm - lúa, các hộ ít đất, chi phí đầu tư ít, không đòi hỏi kỹ thuật cao, tỷ lệ rủi ro thấp (khoảng 30%). Đây là mô hình có khả năng đột phá về năng suất và sản lượng. Vì nuôi hạn chế thay nước, việc lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào vuông nuôi cũng hạn chế triệt để.
Mặt khác, trên đồng đất Thới Bình, bà con nông dân còn mạnh dạn ứng dụng thành công mô hình nuôi cua bán thâm canh. Với mô hình này, chi phí đầu tư thấp, dễ áp dụng, kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ tiêu thụ, lợi nhuận cao, mỗi năm có thể nuôi 2 vụ.
Bên cạnh ứng dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, Hội Nông dân huyện còn phối hợp triển khai thành công mô hình nuôi dê ở xã Tân Lộc Đông; mô hình trồng hoa màu... mang lại lợi nhuận, tăng thu nhập cho người dân.
Từ thực tế những mô hình trên, huyện đang bắt tay thực hiện nhân rộng trong năm 2018. Mục tiêu đề ra là tổng giá trị sản xuất ngư - nông nghiệp 85.129 tỷ đồng, tăng trưởng 7,28% so với năm 2017. Đảm bảo cơ cấu kinh tế huyện theo giá trị sản xuất ngư - nông nghiệp đạt 60,62%, thu nhập bình quân đầu người từ 39,50 triệu đồng trở lên./.
Phong Phú