(CMO) Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau sáng nay, 31/7, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, cho rằng tỉnh đã chậm sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp.
Việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của Cà Mau được triển khai rất chậm.
Ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, ngay từ khi có chủ trương, 2 công ty lâm nghiệp của Cà Mau (Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hiển và Cty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ) đã xây dựng đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở đó, ngày 30/9/2015, UBND tỉnh đã hoàn thiện phương án, trình Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 6/11/2015, Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương sắp xếp đổi thành công ty cổ phần nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần.
Trong quá trình chuyển đổi, cả 2 công ty đề xuất thay đổi mô hình sắp xếp, từ cổ phần hóa nhà nước nắm giữ 51% sang công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.
Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các công ty lâm nghiệp có địa bàn quản lý trên địa giới hành chính của nhiều huyện, diện tích phân tán và phần lớn giao khoán cho hộ gia đình nên việc kiểm đếm, xác định giá trị rừng, tài sản trên đất rừng để làm cơ sở xây dựng phương án, xác định giá trị doanh nghiệp mất nhiều thời gian.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, để tháo gỡ những khó khăn này, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh mô hình sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương và đề nghị tỉnh Cà Mau xây dựng phương án điều chỉnh, gửi Bộ NN&PTNT thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo, tỉnh đã xây dựng phương án tổng thể điều chỉnh, được Bộ NN&PTNT đồng ý. Theo đó, diện tích chuyển giao đất rừng từ 2 công ty về địa phương quản lý để giao cho hộ gia đình theo Luật đất đai và Luật lâm nghiệp 35.638 ha. Dự kiến vào vào năm 2024 hoàn tất giao đất về địa phương.
Do diện tích giao về địa phương rất lớn, chính quyền cấp huyện, cấp xã còn thiếu cán bộ chuyên môn nên để quản lý cũng là một vấn đề khó.
Hiện toàn tỉnh còn 3.872 hộ chưa được bố trí tái định cư. Trong đó, số hộ dân di cư tự do thiếu đất sinh sống ven sông, ven biển là 2.081 hộ. Đến nay tỉnh đã bố trí tái định cư 246 hộ, còn 1.871 hộ chưa bố trí. Mặc dù tỉnh đã bố trí sinh kế nơi ở mới cho người dân nhưng không đáp ứng yêu cầu đời sống.
Trước tình hình trên, Ban thường vụ Tỉnh ủy chủ trương sử dụng diện tích đất của 2 công ty để sắp xếp tái định cư, định canh cho người dân. Tuy nhiên, trong quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt tại Nghị quyết 10/NQ- CP ngày 9/10/2013 lại không có nội dung trên. Hiện diện tích đất bố trí cho tái định cư đã có nhưng không sắp xếp được cho các hộ dân và 2 công ty lại chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên, trong đó có 1 thành viên ngoài Nhà nước nên việc bố trí tái định cư sắp tới còn khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Hồng Long nhận định, việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp được coi là một trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, cần được triển khai nhanh. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện ở một số đơn vị, địa phương còn rất chậm. Việc này đang cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong sắp xếp, tỉnh cần xác định đúng giá trị thực của doanh nghiệp trước khi sắp xếp. Trong chọn thành viên thứ 2 phải đủ năng lực tài chính, ngoài đầu tư hạ tầng, đầu tư cây giống trồng rừng phải gắn kết đầu tư nhà máy chế biến để khép kín chuỗi giá trị, nâng cao giá trị cây rừng.
Trung Đỉnh