(CMO) Hôm qua (25/3), Báo Cà Mau online thông tin về hiện tượng cua chết bất thường lan rộng trên các địa bàn huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân. Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Châu Công Bằng cho biết: Chi cục Thuỷ sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau phối hợp với Phân viện nghiên cứu thuỷ sản Nam sông Hậu và các địa phương đã kiểm tra, nắm tình hình, thu mẫu bệnh phẩm cua để phân tích, xét nghiệm.
Theo kết quả xét nghiệm, phân tích ban đầu, các mẫu cua chết nghi ngờ tại các huyện chỉ do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina.sp (không phát hiện virus đốm trắng) nên không nằm trong danh mục bệnh động vật thuỷ sản phải công bố dịch.
Các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT phối hợp Viện nghiên cứu thuỷ sản Nam sông Hậu nắm tình hình cua chết tại huyện Ngọc Hiển Ảnh: Hoàng Trường
Ông Châu Công Bằng cho hay: Đối chiếu các trường hợp dịch bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch quy định tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản quy định: Danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch bao gồm các bệnh được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Theo đó chỉ có bệnh đốm trắng (White Spot Disease) trên cua biển mới phải công bố.
Theo ghi nhận thực tế tại huyện Năm Căn, cua chết tập trung nhiều ở xã Hiệp Tùng, Lâm Hải và Hàm Rồng, về tình hình cua chết xuất hiện trước tết Nguyên đán 2020, cua chết có biểu hiện vỏ mềm, thịt ốp và có ký sinh trùng bám.
Tổ công tác Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau tìm hiểu nguyên nhân cua chết tại xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân.Ảnh: Quốc Rin
Còn tại huyện Ngọc Hiển, cua chết xuất hiện trước tết Nguyên đán 2020, cua có biểu hiện: Sùi bọt, các cơ chân co giật, run run rồi chết. Cua chết có biểu hiện khác như: Màu sắc bị sậm, thân mình đen, đóng rong rêu, trong ao nuôi xuất hiện xác cua chết nổi lên mặt nước.
Tương tự tại huyện Ngọc Hiển, tình hình cua chết ở huyện Phú Tân tập trung ở các ấp Xẻo Sâu, Gò Công Đông, Sào Lưới, Tân Quảng A, Cái Đôi Nhỏ B, Sào Lưới Tây xã Nguyễn Việt Khái, cua có biểu hiện: Ở yếm có màu đen hoặc hồng, khi tách mai cua, gạch màu trắng sữa bất bình thường, sau khi bắt lên để vài giờ cua chết, cua ốp, ít thịt. Còn ở huyện Đầm Dơi tình hình cua chết có biểu hiện: Sau thi bắt lên khoảng vài giờ cua chết, có màu hơi đỏ và ốp,... Xảy ra chủ yếu ở xã Tân Thuận, Tân Đức, Ngọc Chánh, các xã còn lại ít xảy ra.
Theo ghi nhận tình hình thực tế của người dân, đa phần các hộ dân đều nhận định, chất lượng nguồn nước giảm (nguyên nhân được ghi nhận, phản ảnh là do nhiều cơ sở sản xuất giống, chế biến, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh quy mô lớn, lượng nước thải ra môi trường nhiều,...), dinh dưỡng trong đất không còn so với những năm trước. Đặc biệt, thời tiết thay đổi thất thường, nắng gay gắt, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm khá cao, đây được xem là yếu tố bất lợi cho động vật thuỷ sản phát triển và cũng được xem là một trong những tác nhân có lợi cho các vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh lên đối tượng thủy sản nuôi (tôm, cua). Cụ thể trên địa bàn xã Hiệp Tùng, khi kiểm tra trên mẫu cua chết có phát hiện ký sinh trùng.
Lấy mẫu bệnh phẩm cua chết để xét nghiệm. Ảnh: Hoàng Trường
Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước, đất trên địa bàn xã Tân Ân Tây, Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển; xã Lâm Hải, huyện Năm Căn của Phân Viện nghiên cứu thuỷ sản Nam Sông Hậu thì: Mẫu môi trường nước phù hợp cho động vật thuỷ sản (cua) phát triển. Tuy nhiên, mẫu bùn mật độ vi khuẩn có khả năng gây bệnh (Vibro parahaemolyticus) khá cao 2,3 x 104 (cfu/gram). Đây là một trong những tác nhân cơ hội có khả năng gây bệnh cho cua nuôi.
Trên mẫu cua, phân tích các tác nhân gây bệnh: Tất cả các mẫu phân tích đều phát hiện ký sinh trùng (giáp xác chân tơ Sacculina sp) trên mang, gan, mô, buồng trúng (Khi nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina sp, chúng làm thay đổi nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động, sinh sản, sinh trưởng chậm. Nếu cua, ghẹ nhiễm ký sinh trùng cao gây sự suy kiệt quần đàn dẫn đến cua có dấu hiệu bị run chân). Một số mẫu xuất hiện ký sinh bên ngoài như: Giun tròn, zoothamium sp, 2 loại ký sinh này là tác nhân cơ hội, thường xuyên hiện diện trên mang và bám ngoài vỏ cua nuôi khi môi trường nuôi bị ô nhiễm và cua bị yếu, ít vận động.
Ký sinh trùng (ấu trùng cypris của giáp xác chân tơ Sacculina sp) qua soi tươi
Để khắc phục, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân. Ông Bằng khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
Có thể sử dụng 1 trong các loại sản phẩm: Praziquantel là thuốc trị sán; Mebendazole là dẫn xuất Benzimidazol; CuS04; Glutaldehyt; BKC; Iodine; các hợp chất chứa Chlorine. Đặc biệt, với môi trường ao/vuông nuôi quảng canh (tôm - rừng), quảng canh cải tiến là môi trường hở, việc sử dụng thuốc, hoá chất điều trị bệnh tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại không cao, do động vật thuỷ sản là động vật bật thấp, hệ thống miễn dịch trên cơ thể gần như không có. Do đó, hiệu quả điều trị bệnh gần như không có tác dụng lâu dài (chỉ xử lý mầm bệnh tại thời điểm sử dụng thuốc, hóa chất, cơ thể động vật thuỷ sản không tự tạo hệ miễn dịch đế chống lại dịch bệnh ở những giai đoạn tiếp theo, chu kỳ lột xác liền kề), đặc biệt đổi mới mô hình nuôi không kiểm soát được các yếu tố môi trường.
Trên thị trường nhiều nhóm sản phẩm có chứa nhiều hợp chất, thành phần khác nhau, để sử dụng các sản phấm đúng theo quy định (trong thành phần thuốc không chứa các sản phẩm cấm), trước khi lựa chọn, người dân cần xem nhãn bao bì, hạn sử dụng, tem chống hàng giả và các quy định liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá./.
Trung Đỉnh - Hoàng Trường