(CMO) Trước tình hình dịch bệnh phức tạp khiến hàng loạt hoạt động nghệ thuật sân khấu của cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng phải dừng lại. Lướt trên newfeed thấy nhiều status của anh chị em nghệ sĩ thể hiện sự tiếc nuối khi không thể biểu diễn, thậm chí mới hôm qua Trung tâm Văn hoá tỉnh còn háo hức với sân khấu dàn dựng công phu thì ngay hôm sau phải tháo dỡ trong ngậm ngùi... Cũng như bao người trẻ yêu nghệ thuật, tôi cứ nghe xót xa hoài.
Cách đây không lâu, nhìn những chương trình nghệ thuật chỉn chu của Ðoàn Cải lương Hương Tràm được phát trực tuyến trên trang Fanfage, lòng bồi hồi vui. Ðúng rồi, phải đến lúc nhìn lại cách tổ chức hoạt động của đoàn nghệ thuật địa phương để đi kịp với những bước xê dịch của xã hội nữa chớ!
Poster những chương trình nghệ thuật trực tuyến của Ðoàn Cải lương Hương Tràm. |
Từ sân khấu truyền thống qua biểu diễn trực tuyến có nhận được sự tiếp nhận không? Câu trả lời là có, bằng chứng là sự ủng hộ, theo dõi, chia sẻ của đông đảo khán giả với hàng ngàn lượt truy cập Fanpage.
Nghệ sĩ Quốc Tín, Trưởng Ðoàn Cải lương Hương Tràm, phấn khởi cho biết: “Sau những suất trực tuyến, thống kê lại lượt truy cập cho thấy, số lượng khán giả theo dõi gấp 10 lần so với biểu diễn trực tiếp ở những sân bãi nông thôn. Ai cũng phấn khởi bởi điều này góp phần làm nên độ lan toả của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, cũng như những suất biểu diễn đã lưu lại bằng video sẽ được đến gần hơn và tồn tại trong lòng công chúng lâu hơn”.
Có lẽ cũng lâu rồi, các đoàn cải lương phía Nam vẫn miệt mài từng bước đi tìm khán giả. Việc biểu diễn bằng hình thức trực tuyến hiện tại chỉ có Nhà hát Cải lương Ðồng Nai và Ðoàn Cải lương Hương Tràm thực hiện. Nhưng so với người anh em, Hương Tràm nhanh chóng có được thành quả đẹp bước đầu. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng chu đáo vốn dĩ dành cho sân khấu, nay đưa lên mạng xã hội, không có phương tiện chuyên nghiệp thì thực hiện theo tiêu chí “Cây nhà lá vườn”, các khâu quay, dựng phim được tận dụng tối đa nguồn nhân lực của đoàn.
NSƯT Hoa Phượng trong một buổi biểu diễn Online. |
Có trực tiếp chứng kiến những buổi sản xuất chương trình Online mới thấy thương những người trẻ hết lòng với sân khấu. Ca sĩ Phạm Hoàng Công giữ vai trò quay chính, không có chuyên môn quay phim nên hầu hết các thao tác kỹ thuật đều được anh tự mày mò, học hỏi trên mạng, rồi trong lúc nghệ sĩ ca diễn hết mình trên sân khấu, anh lại tất tả với những máy quay cũ, cố gắng bắt những góc cận đẹp máy này, canh góc toàn cảnh máy kia.
Bạn trẻ Quốc Huy vốn là kỹ thuật viên ánh sáng, nay cũng tham gia quay phim rồi đôi bạn cùng phối hợp với đạo diễn kỳ công nhiều giờ dựng lại thành video hoàn chỉnh gửi đến công chúng. Tất cả đều tự nguyện, không có nguồn phí hỗ trợ nào nhưng lửa nhiệt tình cứ hừng hực. Khi khán giả đã quen với việc thưởng thức Online, lãnh đạo đoàn lại chú ý điều chỉnh thời lượng sao cho phù hợp với tiêu chí: ngắn gọn, cô đọng nhưng mang giá trị nghệ thuật cao.
Vở cải lương dài “Bến đợi” được chia thành 2 tập, cùng với những suất diễn trực tuyến mang nội dung mừng Ðảng mừng xuân; tuyên truyền bầu cử; phòng, chống dịch Covid-19; an toàn giao thông... nối tiếp nhau được trình làng với mức độ hoàn chỉnh tăng dần. Mùa dịch không thể biểu diễn sân khấu trực tiếp, hỏi các cô đào, chàng kép thấy thế nào khi đoàn chuyển sang biểu diễn Online? Hầu như ai cũng thoáng không giấu được cái mới mẻ khi chỉ có "mắt" máy quay nhìn mình, nhưng rồi đều nở nụ cười chung lòng bởi “được ca diễn phục vụ là hạnh phúc rồi!”.
Nghệ sĩ Nhất Phương và Nghệ sĩ Kim Hiền trong một buổi biểu diễn Online. |
Mải miết bên những câu chuyện bảo tồn và phát triển nghệ thuật, thấy những thành quả bước đầu, tôi và Ðạo diễn Quốc Tín cứ len lỏi hy vọng đây như bước chuyển mở ra hướng nhìn mới trong tư duy quản lý nghệ thuật, cũng như để người nghệ sĩ cải lương tập quen với hình thức biểu diễn phục vụ mới phù hợp với thời đại 4.0. Bởi, với nhịp sống hối hả khó thể đòi hỏi khán giả đến sân bãi thưởng thức nghệ thuật đông đảo hoài, đặc biệt khi smartphone với quá nhiều kênh Online đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng.
Tuy nhiên, theo “ông bầu” Quốc Tín, để mang lại hiệu quả cao thì bước chuyển này không thể làm theo kiểu mì ăn liền mà đòi hỏi tự trong nội tại người nghệ sĩ sân khấu phải năng động, linh hoạt và mở rộng trao đổi nghiệp vụ chuyên môn mang tính tương đồng. Ðặc biệt, người làm công tác đạo diễn sân khấu phải cập nhật liên tục và vận dụng hợp lý những kiến thức dàn dựng, đạo diễn của truyền hình để có những sản phẩm ngày càng đẹp hơn, chỉn chu hơn, từng bước đi tìm và chinh phục khán giả hiện đại./.
Hoàng Phúc