(CMO) Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng thuỷ sản trong thời gian tới là rất cao nếu không có biện pháp chủ động kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi.
Đó là nhận định của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tại hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản năm 2022, được tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào sáng nay 7/5. Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cùng sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các nhà khoa học và các doanh nghiệp.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại khoảng 11.000 ha, tăng 2,14 lần so với cùng kỳ. Thiệt hại xảy ra chủ yếu trên tôm nuôi nước lợ với diện tích bị thiệt hại 10.814 ha, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ, chiếm 2,1% tổng diện tích nuôi tôm trong cả nước.
Các bệnh chủ yếu là đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp tính và EHP, xảy ra ở những ao nuôi quảng canh theo hình thức tận dụng ao, đầm và nguồn nước tự nhiên, nuôi lẫn nhiều loài thuỷ sản khác như cá, cua biển, nhuyễn thể… ít được đầu tư cải tạo, không cho ăn thức ăn bổ sung, thả con giống lưu truyền quanh năm.
Riêng tại Cà Mau, trong 4 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh và quảng canh cải tiến bị thiệt hại do dịch bệnh là 9.300 ha. Tôm nuôi phát hiện bệnh, tập trung ở giai đoạn thả nuôi từ 20-60 ngày tuổi, bị thiệt hại từ 80-100% con giống và diện tích. Ngoài ra, có khoảng 30.000 ha diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp cua, cá, nhuyễn thể tại các huyện vùng Nam Cà Mau như: Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, Ngọc Hiển và Phú Tân bị thiệt hại với hiện tượng cua bị chết, vỏ ốp, ít thịt do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ, chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả, do chưa kiểm soát được môi trường nước và các loài thuỷ sản khác nuôi lẫn trong ao.
Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau tỉnh hiện có 9.300 ha tôm nuôi bị thiệt hại ở giai đoạn thả nuôi từ 20-60 ngày tuổi, thiệt hại từ 80-100% con giống và diện tích. (Ảnh minh hoạ) |
Tại hội nghị, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp đưa ra các giải pháp khắc phục như: cải thiện điều kiện hạ tầng vùng nuôi; thường xuyên thực hiện quan trắc môi trường, lấy mẫu đối với những diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, thực hiện kế hoạch giám sát chủ động để đưa ra dự báo, cảnh báo và áp dụng các biện pháp tổng hợp trong phòng, chống dịch bệnh; chỉ thả giống khi đảm bảo điều kiện nuôi, trong quá trình nuôi phái xử lý chất thải, nước thải theo quy định. Về lâu dài, các cơ sở ương dưỡng, sản xuất giống phải xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở nuôi thương phẩm xây dựng chuỗi sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, thời gian tới, ngành nông nghiệp và các tỉnh, thành phố cần chủ động bố trí nguồn lực để tổ chức hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt tại các vùng nuôi thuỷ sản trọng điểm, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, chính xác thực trạng dịch bệnh, hiện tượng thủy sản chết bất thường; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân; hướng dẫn các giải pháp xử lý cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các địa phương phải tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát chủ động dịch bệnh, quan trắc môi trường để kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp xử lý hiệu quả. Tăng cường quản lý chất lượng nguồn nước, hướng dẫn xử lý nước thải, chất thải, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh kịp thời, không làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thuỷ sản an toàn dịch bệnh, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản và cơ sở, chuỗi sản xuất thuỷ sản để xuất khẩu. Tổ chức kiểm dịch chặt chẽ việc vận chuyển động vật thuỷ sản sử dụng làm giống theo quy định hiện hành; đảm bảo cung cấp thuỷ sản giống đạt chất lượng cho các thị trường trong và ngoài tỉnh; xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm./.
Trung Đỉnh