Nhà nông cần cảnh giác cao độ trước những chiêu trò thu mua kỳ lạ, nhằm bảo vệ công việc sản xuất của gia đình và địa phương.
Nhớ những năm trước đây, nhiều thương lái đi lùng sục các làng quê để thu mua đỉa, móng trâu, lá điều, lá mì, tắc kè, gốc sả... để trị bệnh. Có người còn bảo, họ tung tin lùng mua tắc kè để trị bệnh HIV/AIDS, ung thư(?). Sau một thời gian thu gom, những kẻ lạ mặt này bặt vô âm tín, làm cho người dân điêu đứng. Hậu quả để lại hết sức đau lòng. Trâu mất móng mất luôn cả mạng, không có công cụ để cày cấy ở vùng cao; người người đi lùng sục tìm tắc kè với giá cao chót vót bỏ cả công ăn chuyện làm; cây điều mất lá khiến thân gầy guộc, mất nguồn dinh dưỡng hữu cơ và có nguy cơ xói mòn đất; thậm chí chỉ vì gom đỉa mà có nơi biến các vũng nước thành địa bàn cho đỉa sinh sôi phát triển.
Gần đây lại rộ lên việc thu gom lá mãng cầu xiêm với giá 40.000-50.000 đồng/kg. Nhiều thương lái mập mờ cho biết, lá được phơi khô để pha chế thuốc chữa bệnh nhưng không rõ bệnh gì. Chữa bệnh thì chưa biết thực hư, nhưng theo một số nhà chuyên môn thì việc vặt trụi lá sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây, cây sẽ yếu sức đề kháng, kéo theo sâu bệnh và năng suất ra trái ở những mùa sau sẽ thấp.
Rõ ràng đây là hành vi phá hoại kinh tế, vì chiêu thức cũng giống như những lần thu mua trước. Tức thu gom sản phẩm nông nghiệp được 1-2 tháng rồi mất tích. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà nông thật đáng trách vì đã rất nhiều vụ xảy ra tương tự nhưng vẫn không cảnh giác, cứ hám tiền mà bán những thứ ngay cả bản thân không biết rõ để sử dụng vào mục đích gì. Xin thưa, đừng vội trách nhà nông. Bởi ai trong chúng ta đều muốn có thu nhập chính đáng từ những sản phẩm do mình tạo ra. Dù biết rằng đã có nhiều vụ thu mua kỳ lạ diễn ra trong vài năm gần đây được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng cần phải hiểu, không phải ai cũng xem báo, đài thường xuyên hoặc có ý thức cảnh giác cao độ. Nhiều nhà nông nghèo rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nên không thể tránh khỏi việc bị đưa vào tròng.
Ðáng trách các cơ quan chức năng ở địa phương luôn phản ứng chậm, lơ là trước những hành động kỳ lạ nêu trên nên dẫn đến nhiều hệ quả không tốt, bất lợi cho nền kinh tế nước nhà. Mà suy cho cùng, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là nhà nông.
Thật ra, những hành động lạ này không có gì là khó dập tắt triệt để nếu như các cơ quan chức năng địa phương quyết tâm và có tinh thần trách nhiệm cao. Chỉ cần cho người theo dõi các thương lái, rồi tìm đối tượng thu mua gốc là ra nguyên nhân. Từ đó có thể biết được việc thu mua kỳ lạ này bắt nguồn từ đâu, ai là người đứng sau vụ này và mục đích để làm gì. Nếu cần thiết, cần truy tố trước pháp luật vì tội phá hoại kinh tế.
Ngoài việc điều tra, quyết liệt ngăn chặn hành động kỳ lạ thì cơ quan chức năng địa phương cũng cần ra sức tuyên truyền bằng các băng rôn, các biển cảnh báo hoặc cho cán bộ đến từng nhà khuyến cáo để người dân hiểu rõ hành vi phá hoại kinh tế này.
Riêng các nhà nông, cần cảnh giác cao độ trước những chiêu trò thu mua kỳ lạ, nhằm bảo vệ công việc sản xuất của gia đình và địa phương. Ðồng thời cũng là để góp phần giúp nền kinh tế nước nhà trụ vững, phát triển trước những âm mưu phá hoại./.
Đặng Trung Thành