ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 22:12:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Học sinh miền Nam trên đất Bắc

Câu chuyện về những tấm lòng

Báo Cà Mau Những năm chống Mỹ cứu nước, Nhân dân miền Bắc đã từng chắt chiu từng hạt muối, hạt gạo..., đóng góp máu xương cùng Nhân dân miền Nam chiến đấu chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước như thế nào, đó là chuyện to tát tôi không có tham vọng kể tới. Tôi chỉ kể lại những câu chuyện nhỏ trong phạm vi học sinh miền Nam (HSMN) mà lúc ra Bắc, dẫu còn rất nhỏ, chúng tôi đã biết cảm nhận, biết ơn và trân quý suốt cuộc đời mình.

Bảy mươi năm không phải là thời gian ngắn, nhưng những ân tình của đồng bào miền Bắc, của thầy cô giáo người Bắc vẫn hằn sâu trong ký ức của mỗi HSMN chúng tôi. Nó luôn là ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời những cậu bé, cô bé xa nhà không hẹn được ngày về. Nó là những biểu tượng cao đẹp khiến chúng tôi luôn thao thức và dặn lòng phải làm việc không mệt mỏi, phải sống cho thật đẹp để đền ơn đáp nghĩa những người đã xây dựng nền móng, cho ta cái nghĩa làm người.

Còn nhớ những ngày đầu con tàu tập kết cặp bến Sầm Sơn, chúng tôi được bà con Thanh Hoá, già trẻ, bé lớn xếp hàng đông nghẹt vẫy cờ, hoa, vẫy tay đón tiếp vô cùng nồng hậu. Chúng tôi lập tức được đưa về các lán trại có những sạp dài lót sẵn những lớp rơm dầy cho khỏi rét - tháng 11, 12, tháng 1 miền Bắc đang giữa những ngày đông lạnh. Chúng tôi được ăn uống bồi dưỡng sau những ngày trên biển, bình yên và ấm cúng. Ðến sau khoảng một tuần, chúng tôi được bố trí tới ở tạm các nhà dân, chờ xe đưa về khu trường nội trú dưới Hải Phòng, phải nhường lán trại đón chuyến tàu sau.

Hải Phòng tập trung gần hết các trường HSMN. Biểu tượng hai bàn tay mẹ Hải Phòng che chở những “hạt giống đỏ” HSMN trên đất Bắc, được đặt tại Vườn hoa Nguyễn Du, TP Hải Phòng. (Ảnh Ban Liên lạc HSMN cung cấp)

Những ngày ở tạm nhà dân, là những ngày mà cho đến bây giờ chỉ nghĩ tới thôi mắt tôi đã cay xè, ứa lệ. Ðó là cảnh, tuy ở rải rác nhưng chúng tôi ăn cơm chung một chỗ. Chỗ ăn là một ngôi nhà lá cọ nhỏ, có bếp nấu và bàn ăn, bên ngoài là hàng rào bao bọc. Khi chúng tôi ăn cơm, nhiều trẻ em miền Bắc đứng bên ngoài nhìn vào thèm thuồng, nhưng chúng tôi không được phép chia sẻ, vì có các cô chú canh giữ.

Sau chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, miền Bắc chưa kịp bắt tay làm kinh tế, Nhân dân một số nơi thu hoạch mùa màng không đủ trang trải cuộc sống. Một số nơi còn đói. Thanh Hoá trong diện đói. Nhưng cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vẫn đảm bảo được no, vì đó còn là vấn đề đấu tranh chính trị với chính quyền miền Nam.

Những ngày sau đó, chúng tôi được đưa về các trường nội trú ở Hải Phòng, mọi hoạt động đi vào nền nếp, quy củ của một ngôi trường nội trú hiện đại theo các nước tiên tiến. Có điều HSMN không phải giống nhau, đa số các bạn có cha mẹ, anh chị em, chú bác, dì dượng thân thuộc ra cùng. Những bạn ấy ngày nghỉ nếu ở gần, được người thân đón về; còn người thân ở xa thì về cùng gia đình dịp hè, Tết. Bộ phận “chỉ một mình” không người đón, ở lại trường, tiếp tục ăn cơm tập thể cũng không ít. Số này, chúng tôi đã có những cái Tết và hè cũng rất đáng nhớ...

Thường khi Tết đến, thầy cô, nhà trường chú tâm tổ chức Tết thật “quê hương” để an ủi chúng tôi. Như tổ chức gói bánh tét, bánh ít, làm các loại mứt miền Nam. Tổ chức đón Giao thừa... Sáng mùng 1 Tết, chúng tôi được chia nhau về các gia đình ở gần trường ăn Tết, để cảm nhận không khí quê hương, tình cảm ấm áp của gia đình. Những thầy cô giáo người miền Nam ở lại trường không nói, còn có những thầy cô người miền Bắc cũng ở lại ăn Tết với chúng tôi. Những tấm lòng đó của đồng bào, thầy cô người miền Bắc có thể nào quên...

Những mùa hè, nhóm “mồ côi” của chúng tôi được một số địa phương đón về nuôi dưỡng, cho nghỉ ngơi. Có khi nửa tháng, có khi một tháng hơn... Thường là những nơi có điểm nghỉ, có bãi tắm như ở Quảng Ninh (Bãi Cháy), Ðồ Sơn.

Có thể nói, trong quãng đời HSMN đó cho đến hết đại học, Bác Hồ, Ðảng lo hết; Nhân dân miền Bắc nhường cơm sẻ áo, lo hết; thầy cô chăm sóc, lo lắng hết. Chúng tôi không phải lo và không thiếu thốn gì.

Vậy mà..., không phải cứ HSMN là tất cả đều ngoan; HSMN là không biết quậy phá. Cánh trường nữ không nói tới, chắc vì không có cái gan to. Còn cánh con trai ở các trường HSMN khỏi phải nói. Thỉnh thoảng vào vườn nhà dân nhổ trộm khoai, chặt trộm mía, đốn trộm chuối, nhổ cải, nhổ hành về ăn. Lần mò, lén lút, thầy cô không biết. Dân cũng chỉ phản ánh qua loa, cũng không nặng nhẹ gì. Có lần, đêm vào trộm gà, dân bắt giữ. Bạn khác mặc đồ “vía”, xách cặp, đeo kính giả làm thầy tới giải thoát cho bạn.

Rồi cũng xong. Không phải dân không biết làm hung làm dữ, nhưng vì thương các cháu HSMN xa nhà đang độ tuổi ăn tuổi lớn...

Thương nhất những thầy giáo, cô giáo người miền Bắc dạy trường HSMN chúng tôi. Ở những ngôi trường đó, thầy cô chính là cha mẹ. Chúng tôi xa nhà, mọi tâm tư, tình cảm có vấn đề gì, chúng tôi đều bấu víu vào thầy cô, như bấu víu vào cha mẹ mình. Thầy cô lắng nghe, giải toả và gắn bó... Có rất nhiều thầy cô cứ đeo bám học trò, chăm sóc từng li từng tí, yêu thương như con ruột đẻ ra, dù chưa có vợ con.

Rồi thầy cô quên cả chuyện lấy vợ, lấy chồng. Giải phóng rồi, HSMN ai về quê nấy, quý thầy cô tuổi đã ngấp nghé 50. Quý thầy còn tìm được vợ, còn các cô, có người ở vậy cho đến già. Thử hỏi có tình cảm, sự hy sinh nào cao quý vậy, như thầy cô dạy trường HSMN.

Sau giải phóng, HSMN trưởng thành về quê miền Nam phục vụ. Còn một số học chưa xong, các em tiếp tục học tập, trưởng thành. Ðội ngũ đó giữ nhiều nhiệm vụ và chức danh quan trọng từ Trung ương tới địa phương. Họ đều có chung một điểm là hướng lòng mình về miền Bắc, về những đùm bọc, hy sinh dành cho mình. Lần lượt họ về các địa phương trường đóng hoặc trường ở lúc sơ tán, xây ở đó những biểu tượng ghi dấu nghĩa tình, những ngôi trường, những con đường, những nếp nhà tình nghĩa. Họ trang bị máy móc thiết bị cho các trường phổ thông. Họ hỗ trợ học bổng và phương tiện cho các em học sinh các nơi họ đã đi qua...

Ðiều chắc chắn tôi muốn nói là, dẫu có bù đắp bao nhiêu đi chăng nữa cũng không sao đền đáp được công ơn của đồng bào, của thầy cô miền Bắc hy sinh cho HSMN chúng tôi trong những ngày tháng túng khó đó.

Tôi nghĩ, câu chuyện tôi kể lại hôm nay, dẫu rất sơ sài, nhưng cũng là một ký ức đẹp trong cuộc đời chúng tôi, một nét riêng của trang sử đất nước những ngày chống Mỹ...


Ðàm Thị Ngọc Thơ

 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.

Bến tập kết năm xưa

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định, cùng với Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận) và Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh (Ðồng Tháp), thì Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời là bến tập kết để đưa cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, tạo nguồn cán bộ phục vụ cách mạng miền Nam.

Xúc cảm vẹn nguyên

Từ những ngày đầu tháng 11, cao điểm các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) được diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Ðối với những người trong cuộc - chứng nhân của dấu mốc lịch sử ấy lại ùa về bao cảm xúc bồi hồi, nôn nao ngày họp mặt để sống lại hồi ức cách nay 70 năm, ngày lên tàu rời quê hương với niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn.

Từ Sông Ðốc các anh đi

Vào khoảng cuối năm 1954, mấy chục căn nhà dọc theo sông Cái Bát (xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi ngày nay) đều có bộ đội đóng quân, riêng căn nhà 3 gian của tôi đủ chứa cả tiểu đội. Các anh di chuyển bằng những chiếc xuồng năm lá, từ Cần Thơ, Vĩnh Long... xuống. Chỉ ít hôm là các anh đi, về đâu tôi chẳng hề biết, chỉ để lại tình cảm quân - dân như cá với nước. Cho đến khi lớn lên, đi làm cách mạng, tôi mới biết Cà Mau là vùng tập kết 200 ngày, vậy là chắc các anh đi về Sông Ðốc để lên tàu tập kết ra Bắc.

Bác Ba Lê Duẩn và Nghị quyết 15

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam Bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Sông Đốc sẵn sàng cho sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc (1954-2024)

Chỉ còn 2 ngày nữa tại thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, ghi nhớ sự kiện các chuyến tàu chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam.

Nói chuyện chuyên đề vai trò phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (14/11), Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau tổ chức buổi chuyên đề Vai trò đóng góp của phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc và hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. 

Lịch sử vọng vang

Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ðông Dương được ký kết (20/7/1954), Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ với thời hạn 200 ngày. Sau 70 năm, với độ lùi của thời gian, sự kiện tập kết ở Cà Mau đã được đánh giá, khẳng định ngày càng toàn diện, thấu đáo về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử cách mạng của địa phương, Nam Bộ và đất nước.