ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 6-12-23 01:30:35

Chăm bồi thế hệ kế thừa

Báo Cà Mau (CMO) Trước thực tế phát triển ồ ạt của các loại hình giải trí, nghệ thuật dân tộc nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng đang đứng trước khó khăn, thách thức không nhỏ. Một trong những khó khăn lớn hiện nay là bồi dưỡng và đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế thừa. Làm sao để đào tạo được thế hệ nghệ sĩ kế thừa vừa tài năng, vừa tâm huyết với nghề là bài toán mà tất cả những ai đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống phải lo nghĩ.

Năm 2018, Ðoàn Cải lương Hương Tràm tổ chức tuyển sinh và đào tạo bằng hình thức truyền nghề, đến nay các thí sinh đã được học nhiều về kỹ năng biểu diễn trên sân khấu, đó là hành trang để các em bước tiếp vào con đường nghệ thuật. Mới đây, đoàn tổ chức đêm diễn báo cáo kết quả đào tạo thí sinh năng khiếu, đồng thời triển khai kế hoạch tuyển sinh năng khiếu cho những năm tiếp theo. 

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tín, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, phấn khởi: “Là thế hệ đi trước, tôi thật sự thấy rất hạnh phúc và vui mừng khi nhìn thấy sự truyền lửa và tiếp lửa của thế hệ cô chú, anh chị truyền lại cho thế hệ kế thừa. Nói trước thì còn quá sớm nên chúng tôi tạm gọi các bé là thế hệ đồng ấu kế thừa bộ môn nghệ thuật truyền thống, để khẳng định cải lương vẫn còn sống mãi qua nhiều thế hệ”.

3 thí sinh được tuyển chọn đợt này gồm: Hồng Giang, Hạ Hương và Phương Anh, trong đó có 2 bé là con của các nghệ sĩ ở đoàn. Từ nhỏ, các bé được theo ba mẹ xem tập dượt, biểu diễn, hàng ngày nghe cha mẹ hát, nên cải lương dường như thấm trong máu và trở thành niềm đam mê lúc nào không hay, nên khi tiếp xúc với sân khấu, các bé không quá ngỡ ngàng và tiếp thu tương đối nhanh.

Ba đồng ấu được Ðoàn Cải lương Hương Tràm đào tạo truyền nghề gồm: Hạ Hương (bìa phải), Phương Anh (bìa trái) và Hồng Giang, cùng thể hiện trích đoạn “Rạng ngời trang sử Việt Nam”.

Nghệ sĩ Nhất Phương, cha bé Hạ Hương, chia sẻ: “Cháu đã sớm bộc lộ năng khiếu ca, diễn, ở trường có tổ chức thi văn nghệ là xông xáo tham gia, nên dạn dĩ sân khấu. Tôi và vợ (Nghệ sĩ Kim Hiền) không có ý định ép con phải theo nghề mình. Bé năn nỉ tham gia cuộc thi tuyển chọn của đoàn, tôi nghĩ để bé thi cho vui vậy thôi, ai ngờ được Ban lãnh đạo và cô chú chuyên môn nhắm tới và rèn luyện cho đến nay”.

Hai bên gia đình Nghệ sĩ Nhất Phương và Nghệ sĩ Kim Hiền không ai theo nghiệp hát, nay coi như có thế hệ kế thừa, họ rất hạnh phúc. Nghệ sĩ Kim Hiền tiết lộ, con gái nhỏ của chị năm nay 9 tuổi cũng mê cải lương không kém con gái lớn. Hôm diễn báo cáo, mặc dù chỉ thủ vai nông dân và múa, mà cũng lo lắng, tập cả ngày để tối đó diễn cùng chị gái.

Khi được nhận đào tạo, các bé hoàn toàn chưa biết gì về kỹ năng sân khấu, từ ca, diễn, vũ đạo… nên việc chăm bồi đòi hỏi nhiều thời gian và đội ngũ đào tạo phải dày dặn kinh nghiệm, chịu khó. Thêm nữa, các bé vẫn đang học văn hoá, việc đào tạo năng khiếu phải đảm bảo việc học tập của các bé không bị gián đoạn.

Ở đoàn có một lực lượng đào tạo chuyên môn khá vững vàng, các nghệ sĩ gạo cội, nghệ sĩ ưu tú và các nghệ sĩ tốt nghiệp từ trường sân khấu điện ảnh… đều tâm huyết với thế hệ kế thừa, đã thống nhất cùng nhau đưa ra phương pháp đào tạo sao cho chất lượng nhất, hiệu quả nhất.

Nghệ sĩ Hùng Vương và Nghệ sĩ Hoàng Thái Hùng được phân công nhiệm vụ dạy vũ đạo, ca diễn cho các bé.

Nghệ sĩ Hùng Vương được đào tạo từ Trường Ðại học Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh, nên thuận lợi hướng dẫn các bé từ những bước cơ bản nhất của nghề.

Nghệ sĩ Hùng Vương bộc bạch: “Tôi chưa dám khẳng định các bé đã giỏi nhưng các bé thật sự tiến bộ so với sức của mình. Nhớ lại khi tập các trích đoạn, nhất là về nhân vật lịch sử, chúng tôi có khi ngồi với nhau cả ngày để phân tích nhân vật, giúp các em có cảm xúc, hoá thân vào nhân vật tốt hơn. Tất cả là nền tảng để các em phát triển hơn nữa, động lực để rèn luyện, học tập, trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp”.

Chỉ sau 2 năm đào tạo, sự tiến bộ rõ rệt của các bé đã được đánh giá qua cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020 tổ chức tại Cà Mau. Khi đó, với sự phụ diễn của Nghệ sĩ Hùng Vương, bé Hạ Hương và Phương Anh, bé Hồng Giang (thi chính vai bé Hiếu, trích đoạn "Tình phụ tử") đã đoạt Huy chương Bạc và giải Diễn viên trẻ nhất.

Mới đây, trong đêm diễn báo cáo, các bé thể hiện trích đoạn "Rạng ngời trang sử Việt Nam" và trích đoạn "Võ Thị Sáu", được giới chuyên môn đánh giá cao. Qua livestream đã nhận được nhiều lượt chia sẻ, bình luận ngợi khen, thể hiện niềm tin về thế hệ kế thừa của cải lương ở đất Cà Mau.

Nhắc đến cô bé Hồng Giang, Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tín vẫn chưa quên đêm giỗ Tổ sân khấu cách nay 4 năm. Hồng Giang cùng ông ngoại đến đoàn và lên hát một câu vọng cổ nghe quá… được, thế là ông Tín ngỏ ý cho bé tham gia thi tuyển và nhận về đào tạo, đồng thời tạo điều kiện để em học tiếp văn hoá.

Hồng Giang quê ở huyện U Minh, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cha mẹ chia tay khi em còn nhỏ, nhà nghèo nên em nghỉ học khi vừa hết lớp 4, sống với người mẹ bị câm điếc và ông bà ngoại lớn tuổi.

Hồng Giang xúc động: “Thời gian ở đoàn, con được học tập, rèn luyện trong môi trường thân thiện, các cô chú ai cũng thương và nhiệt tình chỉ dạy từ chuyên môn đến cuộc sống. Bây giờ, con tập trung học văn hoá và tham gia vai đào con trong các trích đoạn cải lương, chương trình an toàn giao thông… Con sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu hết mình để có hành trang vững vàng hơn, theo đuổi niềm đam mê cải lương chuyên nghiệp”.

Ông Nguyễn Quốc Tín thông tin thêm, trong đợt diễn báo cáo, ngoài 3 thí sinh được đoàn chọn đào tạo bằng hình thức truyền nghề còn có sự góp mặt của hơn 10 diễn viên nhí, là con của nghệ sĩ, diễn viên và nhân viên trong đoàn. Từ đây, đoàn đã phát hiện và có kế hoạch chọn lựa năng khiếu, tiếp tục đào tạo những năm tiếp theo.

“Qua đây tôi bày tỏ cảm ơn quý khán giả luôn theo dõi, yêu mến nghệ sĩ của Ðoàn Cải lương Hương Tràm và rất mong mọi người tiếp tục yêu mến thế hệ kế thừa, tiếp nối của đơn vị”, ông Nguyễn Quốc Tín bày tỏ./.

 

Mộng Thường

 

Giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Nằm trong các hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là (23/11/1963-23/11/2023), tối 21/11, tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, Đoàn Cải lương Hương Tràm phối hợp với Đoàn Văn công Quân khu 9 tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật phục vụ hơn 400 khán giả.

Văn hoá Bắc Bộ đậm nét trong "Người vợ cuối cùng"

Sau hơn 10 ngày chính thức khởi chiếu, bộ phim "Người vợ cuối cùng" của Ðạo diễn Victor Vũ cán mốc doanh thu 70 tỷ đồng. Tác phẩm này được công bố sẽ phát hành tại Mỹ, Úc và New Zealand vào tháng 12.

Lưu lại vẻ đẹp quê hương

Nguyễn Ðình Quang sinh năm 1978, tại tỉnh Bình Ðịnh, hiện là giảng viên Trường Ðại học Gia Ðịnh; sinh hoạt tại Chi hội Nhiếp ảnh Chân Trời Mới (TP Hồ Chí Minh).

Hơn 300 diễn viên, vận động viên tham gia Liên hoan Văn hoá - Thể thao 3 dân tộc

Từ ngày 10-12/11, tại huyện Đầm Dơi, Liên hoan Văn hoá - Thể thao 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer tỉnh Cà Mau lần thứ V năm 2023 sẽ diễn ra với sự tham gia của trên 300 diễn viên, vận động viên.

Cảnh sắc vùng biên

Tác giả Lâm Trọng Tây sinh ra và lớn lên ở An Giang. Với công việc chính là kinh doanh, thường xuyên đi đây đó, anh bắt gặp nhiều cảnh đẹp, nét văn hoá tâm linh độc đáo cùng những khoảnh khắc đẹp của người dân trong lao động sản xuất miền biên viễn, nơi có dòng Sông Tiền, Sông Hậu chảy qua, rừng tràm Trà Sư xanh mát, cánh đồng lúa Tà Pạ mênh mông, Thất Sơn hùng vĩ, có lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, lễ hội đua bò Bảy Núi... Ðể lưu giữ lại những hình ảnh đó, ban đầu anh chụp bằng điện thoại, rồi dần dần thích thú, bén duyên với nhiếp ảnh vào khoảng năm 2015. Ðề tài chính là phong cảnh và đời thường, đa phần tác phẩm của anh thể hiện nét đẹp yên bình cảnh sắc vùng biên tỉnh An Giang.

Cần tiếp sức cho cải lương về sử Việt

Trước đây, cải lương tuồng cổ thường diễn các tuồng tích từ Trung Quốc (cải lương Hồ Quảng). Sau năm 1975, Ðoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ mới dàn dựng các vở diễn từ lịch sử Việt Nam như: "Tô Hiến Thành xử án", "Câu thơ yên ngựa", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Mặt trời đêm thế kỷ", "Bức ngôn đồ Ðại Việt"... càng khẳng định sức hút của cải lương tuồng cổ. Từ đó, hình tượng những nhân vật lừng lẫy trong lịch sử như: Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ... được khắc hoạ trên sân khấu, thổi hồn cho nhân vật gần gũi hơn với nhiều đối tượng khán giả.

"Ðiểm cộng"quảng bá du lịch

Trương Phú Quốc sinh năm 1999, là hướng dẫn viên tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

“Bức tranh quê”- Tưởng nhớ NSNA Hoàng Thạch Vân

Sinh thời, NSNA Hoàng Thạch Vân ấp ủ mong muốn ra mắt tập sách ảnh và tổ chức triển lãm vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, ông đột ngột ra đi khi dự định và nhiều kế hoạch, dự án NA vẫn chưa hoàn thành, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, giới nhiếp ảnh và những người yêu quý ông.

Tạo sự sinh động, thu hút trong thông tin lưu động

Tối 25/10. Liên hoan Thông tin lưu động tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau năm 2023 đã khép lại với 3 giải A tập thể thuộc về huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi và U Minh.

Trao giải Cuộc thi "Ảnh đẹp Cà Mau"

Chiều 23/10, Ban tổ chức Cuộc thi "Ảnh đẹp Cà Mau năm 2023" tổ chức tổng kết và trao giải cho các tác giả có tác phẩm đạt giải.