Đến ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời hỏi thăm gia đình chị Dư Mỹ Hạnh, ai cũng rành. Hơn 30 năm qua, gia đình chị luôn tiên phong với mô hình trồng màu, nuôi cá đồng và chị trở thành tấm gương đầy nghị lực vượt qua mọi khó khăn, vất vả, nuôi dạy các con trưởng thành.
Đến ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời hỏi thăm gia đình chị Dư Mỹ Hạnh, ai cũng rành. Hơn 30 năm qua, gia đình chị luôn tiên phong với mô hình trồng màu, nuôi cá đồng và chị trở thành tấm gương đầy nghị lực vượt qua mọi khó khăn, vất vả, nuôi dạy các con trưởng thành.
Trong căn nhà khang trang, rộng rãi, chị Hạnh không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại quãng thời gian đầy khó nhọc đã qua. Sau khi lập gia đình ra ở riêng, chị được cha mẹ cho 10 công đất ruộng. Tuy có đất nhưng đây là vùng đất nhiễm phèn nên mỗi năm làm được 1 vụ lúa mùa chỉ đủ ăn đến khi giáp hạt. Cuộc sống với bao bộn bề, thiếu thốn, nên để có tiền lo cho 3 đứa con đi học, vợ chồng chị Hạnh quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất ruộng sang trồng màu - điều mà những nông dân ở đây chưa từng làm. Với quyết định “táo bạo” nhưng không kém phần mạo hiểm này, vợ chồng chị luôn động viên nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống vươn lên làm kinh tế giỏi.
Những luống cải bắp xen canh củ cải trắng của gia đình chị Dư Mỹ Hạnh chuẩn bị thu hoạch bán dịp Tết Ất Mùi. |
Ban đầu, với nguồn vốn ít ỏi, chị tiết kiệm chi tiêu trong gia đình để lên liếp trồng xen canh các loại rau ngắn ngày như: bầu, dưa leo, cà chua. Những tháng cận Tết, chị trồng xen canh bắp cải, củ cải trắng, dưa hấu, hành lá… Chị Hạnh chia sẻ: “Xác định trồng hoa màu mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy, vợ chồng tôi dồn hết công sức và tâm huyết vào đó”.
Chị không ngừng học tập kinh nghiệm qua đọc sách báo, nghe đài, xem ti-vi tăng thêm kiến thức về việc chọn giống phù hợp, chăm sóc tốt, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Từ kinh nghiệm tích luỹ và hiệu quả kinh tế, những năm sau đó, với số vốn tích cóp được, chị tiếp tục đầu tư lên liếp trồng màu hết diện tích 10 công đất ruộng. Dưới ao, chị thả các loại cá đồng như: cá lóc, cá sặt rằn, cá trê, điêu hồng, tai tượng…. Ngoài nuôi cá đồng, vợ chồng chị còn trồng thêm bông súng Ðà Lạt. Mỗi năm, mô hình trồng hoa màu, nuôi cá nước ngọt đã mang lại cho gia đình chị hàng trăm triệu đồng.
Theo chị Hạnh, nhờ trồng xen canh các loại hoa màu nên ngày nào gia đình chị cũng xuất bán hàng trăm ký rau, củ, bầu bí các loại cho các thương lái trong và ngoài huyện. Ði thăm ruộng rau của gia đình chị Hạnh mới thấy được công sức và ý chí của đôi vợ chồng này. Những luống hành đến ngày thu hoạch, bắp cải đã được các thương lái đến tận vườn thu mua, hàng tấn củ cải trắng cũng chuẩn bị xuất bán dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi…
Chị Hạnh cho biết, tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi sau khi trừ chi phí trên 100 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, gia đình chị đã xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm được nhiều đồ dùng, phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Con trai lớn của chị đã tốt nghiệp Ðại học Kinh tế và có việc làm ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Con trai thứ ba cũng có việc làm ổn định tại Khách sạn Cà Mau. Con trai út thì ở nhà phụ vợ chồng chị làm kinh tế.
Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Hưng Trương Thanh Bình tấm tắc: “Không chỉ giỏi phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mà chị Hạnh luôn phát huy vai trò Tổ trưởng Tổ Phụ nữ ấp Nhà Máy A. Chị không ngại hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều chị em hội viên trong tổ, trong ấp trồng rau màu, chăn nuôi đạt hiệu quả, đồng thời tham gia các hoạt động hội ở địa phương”./.
Bài và ảnh: Phương Lài