ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:49:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chim bay về núi...

Báo Cà Mau Bình minh, những chú chim bay từ núi về đậu đầy trước hiên nhà. Chúng cất lên tiếng hót lanh lảnh, trong veo nghe như tiếng suối, tiếng gió đang chảy tràn trong lồng ngực cô giáo và người dân buôn làng. Một ngày mới đã bắt đầu, những giọt nắng đầu tiên rẽ mây, rẽ lá chiếu xuống mảnh sân chênh vênh. Cô giáo Hạnh cố nằm thêm, lòng bề bộn nghĩ suy mệt mỏi không muốn dậy. Ðã mười năm rồi có bao giờ cô giáo dậy muộn thế này đâu. Ðám học trò được cha mẹ dắt đến trường sớm hơn, đứng đầy ngoài sân, ngóng vào bậc cửa. “Ở hay đi?”, câu hỏi ấy cứ vang lên trong lồng ngực.

Bình minh, những chú chim bay từ núi về đậu đầy trước hiên nhà. Chúng cất lên tiếng hót lanh lảnh, trong veo nghe như tiếng suối, tiếng gió đang chảy tràn trong lồng ngực cô giáo và người dân buôn làng. Một ngày mới đã bắt đầu, những giọt nắng đầu tiên rẽ mây, rẽ lá chiếu xuống mảnh sân chênh vênh. Cô giáo Hạnh cố nằm thêm, lòng bề bộn nghĩ suy mệt mỏi không muốn dậy. Ðã mười năm rồi có bao giờ cô giáo dậy muộn thế này đâu. Ðám học trò được cha mẹ dắt đến trường sớm hơn, đứng đầy ngoài sân, ngóng vào bậc cửa. “Ở hay đi?”, câu hỏi ấy cứ vang lên trong lồng ngực.

Cái bậc cửa đã cũ mòn. Phải! Ðã mười năm rồi còn gì nữa. Tuprông Nim thở dài. Nhớ hôm đầu tiên cô giáo bụng mang dạ chửa từ xuôi về với buôn làng. Mùa ấy ban nở trắng rừng, nhà nhà ngô lúa đầy bồ. Tết năm ấy cô giáo trở dạ phải ở nhờ nhà già làng, nhà Tuprông Nim. Ở gần có con suối, nước lên lưng chừng, bầy chim rừng thi nhau tắm gội bộ lông đủ sắc màu. Cả buôn nghe tin cô giáo sắp đẻ nhốn nháo cả lên, người thì đi gọi bà đỡ, người đi gọi thầy cúng, mổ con gà, người vội vã đi khâu tã lót, người leo dốc kiếm cây thuốc lành cho cô giáo… Cả buôn đón đứa trẻ ra đời, mắt đen lay láy, hai bàn tay nắm chặt, khóc thé lên một tiếng rồi im bặt.

Minh hoạ: M.T

- Uống nước buôn làng Cơ Ho, ăn gạo người Cơ Ho trồng, lớn lên thành người Cơ Ho con nhé!

- Lớn nhanh tao dạy đi săn con thú, đi bẫy con chim rừng nhưng phải sống thật bụng, không được làm điều ác.

- Ây dà! Mắt mầy thế này, lớn lên chết gái buôn thôi.

Cô giáo mới đẻ, dù chưa được học chữ nào nhưng lũ trẻ vẫn quấn quýt bên cô, thương đứa trẻ mắt đen lay láy. Chúng giặt giũ, thổi cơm, trông em cho cô ra suối chải mái tóc dài vương cánh hoa rừng đầu nguồn chảy xuống. Vì người lớn bảo phải thương cô không chồng, đứa bé không có cha “mồ côi mồ cút”.

Sinh con được một tháng, cô giáo đã đến lớp. Tuprông Nim cùng thanh niên trong buôn đẵn gỗ làm lớp, trẻ con thì cắt gianh, đàn bà chẻ lạt. Lớp học ngăn đôi. Một bên đóng mấy bộ bàn ghế làm bàn học cho lũ trẻ, một bên làm chỗ cho cô giáo ở. Ðể cô khỏi phải địu con đến lớp, sương núi độc lắm, lại sợ đi không quen cái chân, cái đầu lại nản. Cô giáo mà bỏ về xuôi  thì khổ lũ trẻ, khổ cả người già. Báo Nhà nước phát về buôn, chỉ nhìn tranh không ai biết đọc, chẳng biết Chính phủ nói những gì.               

***

Hạnh đang dạy lũ nhỏ vẽ tranh, tô màu thì Tuprông Nim lách cửa lớp học vào, mặt hầm hầm, quăng con dao phát rẫy:

- Có người tìm cô giáo đấy. Không phải người của buôn.

Hạnh chột dạ, đã mười năm nay, ngoài người dân buôn làng ra cô làm gì đi đâu mà quen ai chứ, chẳng lẽ Tuprông Nim lại đùa mình.

- Ai mà thèm lừa cô giáo, người ta bảo lên đón hai mẹ con về nhận con, nhận cháu. Cô giáo mà bỏ đi thì cũng chỉ là người xấu bụng mà thôi.

Hạnh ù tai. Người xuôi lên ư? Ðã lâu lắm rồi cô không còn nghĩ mình là người xuôi nữa, chẳng ràng buộc gì với ai cả. Hạnh mồ côi, con Hạnh cũng mồ côi cha, không họ hàng thân thích với ai cả. Thằng Phướn lớn lên từ núi rừng, là con của núi rừng này. Không đi đâu hết. Nước mắt Hạnh chảy thành dòng. Mấy đứa học trò không hiểu chuyện gì, sợ quá bám váy cô, có đứa thấy Hạnh khóc cũng  khóc theo.

Vừa lúc ấy có người đàn bà lấp ló ngoài hiên lớp, tay vân vê tà áo, ôm một bọc quần áo và lỉnh kỉnh đồ đạc đặt cạnh gốc bương lấy nước của lũ học trò. Dù đã mười năm nhưng Hạnh vẫn nhận ra đấy là Nhi, em gái Thuận. Chính là người đã lấy đòn gánh đuổi đánh Hạnh ngã sấp ngã ngửa khi cô ôm bụng bầu về nhận cha mẹ chồng. Lúc ấy, Thuận mới mất, Hạnh nghĩ đến đứa con trong bụng mà “vì cây dây cuốn”. Nhưng cả nhà Nhi dựng đứng lên, mắng té tát vào mặt cô:

- Mầy ăn nằm với thằng nào, bây giờ nó ruồng rẫy, mầy thấy con tao vừa nằm yên dưới mộ, mầy vác đến đây ăn vạ à?

Nhi ngày ấy dữ tợn, còn bây giờ thì trông tiều tuỵ quá. Hai hốc mắt trũng sâu, thâm quầng, mặt đầy tàn nhang, đôi bàn tay gầy gò, nổi những đường gân xanh như vừa qua một trận sốt rét. Dù còn giận nhưng Hạnh thấy thương thương “làm gì mà ra nông nổi này không biết…”.

* * *

Hai người đàn bà dắt nhau xuống suối gội đầu, thằng Phướn nghe bọn trẻ con trong buôn bảo “người xuôi lên đón mầy” thì lầm lì không nói, không cười, đến bữa giục mãi chẳng chịu ăn. Thấy mẹ và người lạ ra suối nó cũng lén theo ra, trốn trong bụi mần tang cách đó không xa. Hạnh dắt Nhi lội ra giữa suối, làn nước trong veo quấn lấy hai bắp chân, mát lạnh. Ánh nắng trưa hè chiếu xuống những viên đá cuội, lấp lánh như sao đêm quang mây. Hạnh vốc nước lên tóc Nhi, mái tóc cũng đã già đi quá nhiều rồi, nghĩ xót xa cho số kiếp đàn bà.

- Sao chồng lại bỏ Nhi đi, mà đi đâu mới được chứ?

- Ði làm công nhân dưới tỉnh, nghe nói gặp con chủ cửa hàng ngay sát bên cạnh chỗ làm, mới bị chồng bỏ, thế là quấn lấy nhau.

- Không giữ được à? - Hạnh thở dài.

- Không giữ, mà muốn giữ cũng không được. Nhà chồng em bạc lắm, chửi bới suốt. Con nhỏ kia thấy giàu có sáng mắt vào. Em tủi phận bỏ về nhà. Dù gì thì anh Thuận mất rồi, nhà chỉ còn cha mẹ, em về ở cùng, cũng chẳng thiết gì chồng con nữa nhưng mà buồn lắm chị Hạnh ạ.

Hạnh định nói một câu gì cay nghiệt nhưng lại thôi, để mà làm gì nữa, ai cũng đi gần hết nửa cuộc đời, mỗi người một con đường, “âu cũng là cái số”.

Khi hai người đàn bà ngẩng lên ra về, thì đã thấy thằng Phướn đứng trước mặt:

- Con không về xuôi đâu, cô đừng có dụ dỗ.

Hạnh quay sang Nhi, bắt gặp ánh mắt tội nghiệp đang cúi gầm xuống đất. Hạnh nhẹ nhàng kéo con vào lòng, chẳng biết phải nói gì. Ấy thế mà chiều đã buông xuống lúc nào không biết nữa. Chiều trên xứ sở heo hút núi rừng này càng thêm ảm đạm. Ba người ngược dốc về nhà thì mặt trời cũng đang  xuống núi, nằm cuộn tròn ngủ yên như con rắn lục.

***

Hạnh đã ngồi hẳn dậy, cũng không thể để lũ học trò ngồi ngoài kia chờ mãi. Ðêm qua cả buôn kéo nhau ngồi quây quần ở nhà già làng để bàn việc cô giáo sắp bỏ buôn về miền xuôi rồi, lấy ai dạy con chữ cho người già, người trẻ bây giờ. Già làng cho gọi Hạnh đến nhưng cô lại chạy về phía suối ngồi khóc một mình. Cô bỗng nhớ lại cuộc đời mình với một chuỗi ngày buồn vô định. Sinh ra, lớn lên vốn đã không còn mẹ, cha thì ốm yếu nhưng cô vẫn quyết học hành. Vừa học xong trường cao đẳng ở tỉnh, cô về nhà giúp cha thu hoạch mùa thì lại đem lòng yêu Thuận, người con trai chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng. Ðã trót trao cả đời con gái cho người ta rồi mà vẫn chưa một lần ra mắt gia đình. Cha mất rồi ông trời cũng cướp cả Thuận đi, bỏ lại Hạnh bụng mang dạ chửa bơ vơ giữa cuộc đời này. Cứ nghĩ đến những ngày đớn đau tủi nhục, cơ cực ấy cô chỉ muốn chết quách đi chứ nói gì đến việc ôm con về xuôi nữa. Còn ai để mà về, có lẽ cũng phải đưa mộ cha mẹ lên đây thôi. Dù gì thằng Phướn cũng thành con của buôn làng mất rồi.

Ngày đầu khi chuyển công tác về đây, toàn ăn nhờ người trong buôn. Ðến cả ngọn rau, miếng thịt nấu cháo cho con cũng hết nhà này đến nhà khác sai con xách cho. Mùa đói nhất Hạnh cũng được buôn làng bao bọc. Mà nếu không có những mùa đói ấy chắc gì cô đã yêu buôn làng này nhiều đến thế. Năm ấy không có một giọt mưa nào đổ xuống ruộng đồng. Hạt chưa kịp gieo xuống đất đã thối vì nóng quá. Bao hạt giống gieo khắp cánh đồng mà không một chiếc mầm nào nhú lên khỏi tầng đất khô cằn, nóng bỏng. Ngô lúa trong bồ cũng đã hết, tháng Ba, tháng Tư năm nào cũng khổ, nhưng năm ấy cái đói dài dài khiến cả buôn buồn như có đám quanh năm. Trẻ con không đến trường nữa, bàn ghế, lớp học trống không. Sáng sáng chỉ có con chim bay vào bậc cửa réo rắt đến não gan, não ruột. Hạnh phải đến từng nhà mang học trò về lớp. Rồi nhờ sự hỗ trợ của huyện và sở giáo dục mà mùa đói ấy cũng đi qua…

Hạnh cột lại tóc gọn gàng, vén màn cho Nhi và con trai, rồi mở cửa bước ra ngoài. Phía bên ngoài bậu cửa là lũ trẻ, có đứa cha mẹ thức dậy sớm quá, vẫn còn buồn ngủ nên ngồi ngủ gật. Già làng cũng đến, Tuprông Nim nhìn Hạnh chằm chằm. Phía xa xa thấy bóng một cụ già đang cõng cháu leo dốc về phía lớp.

- Sao hôm qua cô giáo không đến họp? Xem ra cái bụng cô giáo muốn đi thật rồi.

Hạnh vẫn im lặng, chạy lại đỡ thằng nhỏ trên vai bà cụ. Làm sao cô có thể dứt bỏ nơi này mà đi được, làm sao mà nói với mọi người rằng hôm nay cô sẽ xuống núi đây. Nhưng còn Nhi, còn thằng Phướn, còn ông bà nội nó thì sao… Ðánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại, dù gì cũng là con cháu người ta. Lúc già người ta muốn được nhìn mặt đứa cháu, chẳng lẽ mình lại…

Tối qua Nhi có than:

- Cha mẹ chắc cũng chẳng sống được bao lâu, ông bà cũng ân hận vì ngày xưa đã đối xử với hai mẹ con chị thế. Nay sắp về thế giới bên kia cũng chỉ mong gặp mặt chị và cháu cho đỡ tủi.

Sao Tuprông Nim cứ nhìn Hạnh thế này, sao mọi người cứ nhìn Hạnh mãi thế… Bỗng từ trong nhà Nhi rũ rượi bước ra:

- Chị Hạnh đừng khổ tâm nhiều, em biết mọi người ở đây đã cưu mang hai mẹ con chị lúc khó khăn nhất. Xem chừng thằng Phướn cũng giống lũ trẻ của buôn làng Cơ Ho rồi, thôi thì… Hay chị cứ đưa cháu về thăm ông bà ít bữa rồi lại lên đây dạy học. Lúc ấy chị đi đâu em cũng không giữ, mà có muốn cũng không giữ nổi.

Nghe Nhi nói Hạnh chỉ khóc, thằng Phướn đã dậy tự lúc nào cũng ôm cột khóc. Già làng thở dài:

- Thế cô giáo định thế nào để người dân trong buôn còn biết. Thôi thằng Tuprông Nim còn đứng đấy làm gì, về nhà dặn đàn bà thổi xôi, đàn ông bắt con gà, chặt ống măng làm quà cho cô giáo để mấy hôm nữa cô giáo còn biết mùi mà tìm đường lên với buôn làng.

 Con đường xuống núi hôm nay sao mà nặng như ngược dốc thế này. Dù Hạnh không quay lại thì vẫn biết phía sau là tiếng thút thít khóc của mấy đứa học trò, là người già tựa cột nhìn, và chắc chắn Tuprông Nim đang ngồi trên đỉnh núi mà tâm hồn thì đi theo Hạnh mãi. Thằng Phướn túm áo mẹ vừa đi vừa ngoảnh lại. Hạnh cứ thắc thỏm mãi là chưa chào được con chim núi, mỗi bình minh lại bay vào bậc cửa, líu lo gọi con chữ về với buôn làng

Truyện ngắn của Bùi Quang Dũng

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.