ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 05:18:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Báo Cà Mau Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Trong cảm xúc vừa bất ngờ, vừa bồi hồi, chúng tôi đứng quanh ngôi mộ, nhìn nhau không nói một câu nào. Bằng niềm biết ơn chân thành, mỗi người một việc, người lặng lẽ thắp hương, người lấy điện thoại chụp tấm ảnh lưu niệm, người thì ngồi trầm tư, đốt một điếu thuốc cắm lên lư hương mộ phần. Khung cảnh ấy ngỡ như một cuộc hội ngộ của những người đồng hương lâu ngày gặp lại dù đôi đường âm dương cách biệt.

Tuổi xuân gửi lại nơi chiến trường

Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh xuất thân từ gia đình nông dân yêu nước, là con trai một, căm hận trước cảnh giặc Pháp giết cha, chiến tranh loạn lạc, nợ nước thù nhà đã thôi thúc ông lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Theo lời gia đình kể lại, năm 1945, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Xinh dẫn theo 4 đứa con rời xa quê hương ra Thủ đô Hà Nội học tập, chiến đấu. Ban đầu, chuyến đi dự định chỉ 8 tháng sẽ về lại miền Nam, nơi quê nhà vợ ông cùng người con gái út mòn mỏi chờ đợi. Mãi đến năm 1975, chỉ còn 3 người con trở về, ông Xinh và người con trai thứ 4 đã ra đi mãi mãi.

Hơn 70 năm trôi qua, bà Nguyễn Kim Dung vẫn chưa một lần gặp mặt cha mình.

Hơn 30 năm, người chiến sĩ cách mạng ấy đã hoạt động khắp các chiến trường từ Nam chí Bắc; vào tháng 4/1975, trong không khí sục sôi khí thế thống nhất đất nước thì ông đã hy sinh tại Ðường 9 Nam Lào. Tiếp bước truyền thống cách mạng của gia đình, 4 người con theo ông (gồm 3 trai, 1 gái) tích cực tham gia kháng chiến. Trong đó, người con trai thứ 4 - Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Vinh cũng đã nằm lại nơi đất mẹ, được chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Cần Thơ.

Hạnh phúc khi cha nằm ở vùng đất thiêng

Khi biết tôi đã có dịp đến viếng mộ Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh tại Quảng Trị, bà Nguyễn Kim Dung (ngụ Ấp 8, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình), người con gái út trong gia đình, đã vô cùng mừng rỡ, liên tục hỏi tôi về nơi cha mình đã yên nghỉ ra sao. Sâu thẳm trong cõi lòng, khát khao lớn nhất của bà là được một lần thăm lại mộ phần của đấng sinh thành dù giờ đây mái tóc đã pha sương.

Mộ phần Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị).

“Năm cha đi, tôi vẫn còn trong bụng mẹ, những câu chuyện về cha cũng chỉ được nghe qua lời mẹ kể. Vì là gia đình cách mạng, thời điểm đó giặc vào nhà bắt bớ, bỏ tù mẹ tôi suốt 1 năm trời. Bọn chúng dùng nhiều cách tra tấn dã man nhằm để mẹ tôi thừa nhận là nhà có Việt cộng, nhưng bà nhất quyết không khai một lời. Ðường sá xa xôi cách trở, đến giờ tôi vẫn chưa một lần ra thăm mộ cha. Bây giờ tuổi cao sức yếu, nếu đi được tôi cũng không đi nổi nữa, nhưng gia đình cũng yên tâm khi ông được chôn cất ở nghĩa trang lớn của đất nước. Nhiều năm trước, có mấy anh cán bộ ở huyện Thới Bình đi ra ngoài đó cũng tới thắp hương, chụp hình kỷ niệm gửi cho gia đình xem”, bà Dung xúc động.

Theo bà Dung, những ngày ở mặt trận ông luôn gửi thư về nhà để hỏi thăm vợ con, nhưng rồi cuộc chiến càng ác liệt, những lá thư cứ thế càng ít đi, khi đất nước giải phóng gia đình nuốt nước mắt nhận được lá thư báo tử.

“Khi cha tôi hy sinh, do không có thân nhân nên khi chôn cất trên bia mộ ghi là Liệt sĩ Nguyễn Văn Xinh, nhưng tên thật của ông là Nguyễn Ngọc Xinh, nếu có thể sửa lại đúng tên thì gia đình mừng lắm. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chính quyền địa phương đều đến thăm hỏi, tặng quà gia đình”, bà Dung bày tỏ.

Căn nhà nhỏ nằm bên dòng kênh xanh thẳm của quê hương Tân Lộc, ở nơi đó hằng ngày các thế hệ con cháu vẫn hương khói ấm cúng cho 2 liệt sĩ và 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ghi nhận những đóng góp to lớn, hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mẹ Trần Kim Hoa (vợ Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2014.

Những hành trình dài hơn ngàn cây số dẫu không đến được, những cuộc đoàn tụ giờ chỉ còn là nỗi khát khao. Cất lại nỗi nhớ thương sâu trong trái tim, gia đình bà Dung cũng như hàng triệu gia đình có người thân đi kháng chiến trên dải đất hình chữ S vẫn luôn tự hào khi thế hệ cha, anh của mình đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và hậu thế mai sau vẫn mãi tưởng nhớ, tri ân công lao những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc./.

 

Hữu Nghĩa

 

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ánh thép U Minh

Tôi thực sự ngỡ ngàng, xúc động và cảm phục khi lần đầu tiên đến Khu Du lịch sinh thái Làng rừng Cà Mau (ECO), ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Làng rừng là sự kiện độc đáo của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau trước ngày Ðồng khởi 1960, thế kỷ XX. Làng rừng thể hiện tinh thần quật khởi, là thái độ bất khuất trước quân thù tàn bạo với ý chí “Thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”. Nơi đây đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Dọc chiều dài kinh Chống Mỹ

Kinh Chống Mỹ ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, được đào bằng sức người, phục vụ kháng chiến từ thời chống Pháp vào năm 1949-1950, chiều dài gần 6 km, từ kinh Ðòn Dong, qua cuối Kinh Tư, qua đầu kênh Sáu Thước, xuyên qua Hào Sai, Ðộc Lập, Trảng Cò, Kinh Cũ, xuyên bờ Bắc Kinh Cũ ra tới xóm Kinh Cùng...

Nơi thành lập lực lượng TNXP Cà Mau

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Cà Mau với gần 800 nam, nữ thanh niên đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất, bền gan vững chí, sẵn sàng hy sinh, vượt qua gian khổ, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.