ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-4-25 21:45:51
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dọc chiều dài kinh Chống Mỹ

Báo Cà Mau Kinh Chống Mỹ ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, được đào bằng sức người, phục vụ kháng chiến từ thời chống Pháp vào năm 1949-1950, chiều dài gần 6 km, từ kinh Ðòn Dong, qua cuối Kinh Tư, qua đầu kênh Sáu Thước, xuyên qua Hào Sai, Ðộc Lập, Trảng Cò, Kinh Cũ, xuyên bờ Bắc Kinh Cũ ra tới xóm Kinh Cùng...

Giữa năm 1974, trong một chuyến đi xuồng chèo từ ngã tư Giáp Nước qua Nghĩa trang Cầu Ván, ra kinh Chống Mỹ ở xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, Nhà thơ Nguyễn Bá nói vui: "Hễ đi hết kinh Chống Mỹ, thì về nghĩa trang...".

Ai cũng biết, không có cuộc kháng chiến nào tránh khỏi sự hy sinh, mất mát. Kinh Chống Mỹ ở đây, tới Kinh Cũ chèo thẳng trở ra là tới Rạch Ráng, còn trở vô hơn một cây số là tới Nghĩa trang xã Trần Hợi, góc ngã tư Quảng Hảo.

Suốt những năm kháng chiến, từ khó khăn, gian khổ cho đến lúc cực kỳ ác liệt, tôi vẫn lau lách hết con kinh này qua con kinh khác; từng cơ động tránh giặc ngày đêm lên xuống dọc dài kinh Chống Mỹ không biết bao nhiêu lần, qua khắp các dòng kinh quen thuộc, bám trụ sống ở quê hương Trần Hợi thời chiến tranh...

Kinh Chống Mỹ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời hôm nay. Ảnh: NHẬT MINH

Năm 2015, tôi về tìm những kỷ niệm, thôi thúc đôi chân muốn thử sức đi bộ dọc chiều dài kinh Chống Mỹ. Thời chiến đi xuồng, thời bình cuốc bộ... Tôi đi dài theo con lộ bê tông giao thông nông thôn từ xóm cuối Kinh Tư - giáp xóm đầu kinh Ðòn Dong, qua chiếc cầu bê tông cao nghệu cuối Kinh Tư, xuống dốc là con lộ bê tông 1 mét bên bờ Bắc kinh Chống Mỹ, qua ngang đầu kinh Sáu Thước, đi tới ngã tư Hào Sai... Tôi bước qua cầu, ghé nhà chị Ba Nhủ. Tôi nói, tính đi nữa mà hết lộ bê tông rồi. Tôi nhờ cháu Minh con trai của chị Ba đưa tôi giang xuồng qua kinh Ðộc Lập. Cháu Minh sẵn sàng giúp cậu ngay.

Tôi xuống chiếc xuồng be bảy, ngồi trước, cháu Minh ngồi sau cầm cây dầm bơi, chiếc xuồng lướt nhẹ khá nhanh. Hai bờ kinh Chống Mỹ đoạn Hào Sai qua Ðộc Lập vẫn còn hai hàng cây trâm bầu, dâm bụt như cảnh thời chiến. Dây đất ruộng của chị Ba ở góc bờ ngã tư Hào Sai cặp bờ kinh Chống Mỹ ra tới hậu đất giáp với dây đất ruộng của bác Mười Tân ngay hậu kinh Ðộc Lập giáp hậu kinh Hào Sai.

Cháu Minh cặp xuồng vào bến. Tôi bước lên bờ kinh Ðộc Lập, phía trước nhà bác Mười Tân trong khu vườn dừa. Vợ chồng bác Mười là người Bến Tre, sống ở đây suốt thời kháng chiến, không có con. Bác trai sinh năm 1916, quê An Hoá, Châu Thành, Bến Tre; tham gia cách mạng tháng 8/1945, vào Ðảng ngày 19/8/1948. Kháng chiến chống Pháp ở Bến Tre, vào đây tiếp tục công tác ở xã Trần Hợi thời đánh Mỹ. Sau giải phóng (30/4/1975) hàng chục năm, bác Mười trai trở về quê cũ và qua đời ở An Hoá. Bác Mười gái sống trong này, đã qua đời, nằm lại đất nhà ở đầu kinh Ðộc Lập, bên hông kinh Chống Mỹ này.

Cháu Minh cho tôi biết, ngôi nhà của bác Mười bây giờ do một đứa con của anh Tám Vững - nhà đối diện bên bờ kinh Chống Mỹ, quản lý, chăm sóc phần mộ và thờ cúng bác Mười gái. Hoàn cảnh hai bác, cuối đời mỗi người một ngã mà buồn!

Tôi bước qua cầu bê tông bắc ngang kinh Ðộc Lập, xuống dốc bên tay trái bước tới là bờ kinh Chống Mỹ. Ðây là bờ kinh, bờ dừa cao vọi, thành vườn lâu năm. Khi đến trước ngôi nhà, tôi dừng lại, không còn đường mòn nữa. Tôi nhìn vào ngôi nhà. Cô chủ nhà chỉ tay ra dấu cho tôi bước qua cầu trước nhà, sang bờ phải. Qua bên này, tôi lội vào cụm tràm rậm, sậy cỏ phủ bịt bùng...

Tôi lội vòng vô, rồi lại tìm hướng tạt ra bên trái, ra khỏi cụm tràm. Kinh Chống Mỹ đoạn này, người ta san lấp bằng phẳng, lên liếp trồng hoa màu, ớt sừng, các loại rau thơm, húng quế xanh tốt...

Tận mắt đoạn kinh Chống Mỹ này, khi về, tôi có ra Cà Mau, gặp anh Mười - Nhà văn Nguyễn Thanh, tôi kể cho anh nghe sốt dẻo:

- Bây giờ bà con Trần Hợi đã lấp gần hết kinh Chống Mỹ rồi... Người ta không cần chống Mỹ nữa, anh Mười ơi!

Nghe chuyện lạ, anh Mười bật cười “khặc khặc”...

Cái miếu giữa đồng

Qua chiếc cầu bê tông nhỏ bắc ngang kinh Trảng Cò, bước xuống bờ đất kinh Chống Mỹ, đi dài ra ruộng trống, tới hậu đất kinh Trảng Cò, giáp hậu đất Kinh Cũ, gặp cái miếu ngay góc cánh chỏ kinh Chống Mỹ, phía Kinh Cũ ra giữa đồng này.

Cái miếu nhỏ ở giữa đồng này là để nhớ một vụ 4 người bị thiệt mạng đã xảy ra kinh hoàng vào ban đêm tại đây!

Sau tết Mậu Thân 1968, thằng Ðởm ở Kinh Cũ, đoạn gần kinh Chống Mỹ, bị phân hoá, dao động... Hôm ấy, vào buổi tối ngày 24, tháng Giêng, năm Mậu Thân, sau khi lớn tiếng gây sự với Tư A trong xóm, thằng Ðởm đi xuồng ra gặp anh Sáu Quý, cán bộ Ấp đội Kinh Cũ, đang ở căn chòi trên bờ chuối phủ kín - ngay cánh chỏ bờ kinh Chống Mỹ phía Trảng Cò qua. Thấy thằng Ðởm có vẻ hung hăng, anh Bảy Luông, anh Ba Chí, cán bộ An ninh ấp Kinh Cũ, bơi xuồng theo Ðởm. Ra tới chòi, thằng Ðởm lè nhè kêu anh Sáu Quý ra nói chuyện.

Lúc này, anh Bảy Luông, anh Ba Chí cũng vừa bơi xuồng tới, cặp vào bờ, không ai biết trong tay thằng Ðởm đang cầm trái lựu đạn MK6 của Mỹ. Nó sân si, lớn tiếng, chờ đủ mặt anh em tập trung lại, nó rút chốt, trái lựu đạn xoè ra nổ, làm chết một lượt cả 4 người, kể cả thủ phạm là thằng Ðởm - con ông Tám Tháo ở Kinh Cũ.

Nơi đây, bây giờ mọc lên ngôi nhà lớn trên miếng ruộng hậu Kinh Cũ, quay cửa ra hậu Trảng Cò - nơi xảy ra vụ án mạng chết 4 người. Cái miếu nhỏ dời qua góc bờ kinh Chống Mỹ, phía Kinh Cũ ra.

Tôi đi trên bờ kinh Chống Mỹ bên phải, đã san lấp, lòng kinh nhỏ như con mương ranh trên ruộng. Gặp khúc đứt ngang bờ, không nhảy qua được, tôi phải bước xuống, nước sâu tới háng mà lội qua...

Xóm kinh cùng

Từ ngoài ruộng lội vào, lên con lộ bờ Nam Kinh Cũ ở góc bờ kinh Chống Mỹ - nhà ông Tư Năng cũ, nhìn đối diện bên kia bờ Bắc Kinh Cũ là con kinh nhỏ - kinh Chống Mỹ. Thấy một cô gái dáng nhỏ người đang bơi xuồng bên đó, tôi réo nhờ cho tôi quá giang qua Kinh Cũ và đưa tôi vào xóm Kinh Cùng. Ngọn kinh Chống Mỹ vô tới đây là cùng, không trổ qua kinh Chủ Kịch.

Thời chiến, mùa thu 1969, gian khổ, ác liệt, chúng tôi bám trụ ở đây, hậu đất ông Trần Phinh, bên Kinh Cũ, giáp ranh đất ông Ba Gà Mổ, ông Ba Lúa hậu kinh Chủ Kịch, nay là Kinh Chùa; dựa vào địa hình cây cối, là nơi tiếp giáp vùng đất trấp. Hai căn chòi nhỏ tạm dựng lên có nhà vợ chồng anh Sáu Quang, tôi với anh Ba Hùng, Phó ban Tuyên huấn xã Trần Hợi, ở nhà anh Tư Lộc, người Bến Tre, đi tập kết trở về địa phương này.

Suốt mấy ngày ở đây, sáng, trưa nghe tiếng tàu sắt ngoài Sông Ðốc rền rú không ngớt... Lại cứ nhìn chiếc “cần cẩu” tha pháo, tha đạn kình kình xuống Rạch Ráng liên hồi. Tình hình giặc diễn biến nhanh chóng. Cảm giác hụt hẫng, tôi réo anh Sáu Quang ra coi:

- Giặc bắt đầu tái chiếm Rạch Ráng, chúng lập chi khu - quận lỵ Sông Ðốc một lần nữa, anh Sáu ơi!

Chúng tôi cơ động, chỉ còn anh Tư Lộc và vợ chồng anh Sáu Quang ở đây. Sau chú Tư Nhỏ, anh Tư Lộc làm Bí thư Chi bộ ấp Kinh Cũ. Năm 1970, vợ chồng anh Sáu Quang tản xuống kinh Hào Sai và đã chạy ra thành... Năm 1971, giặc lấn chiếm đóng đồn kinh Chống Mỹ - Kinh Cũ, ngay góc đất ông Tư Năng...

Sau giải phóng 30/4/1975, anh Tư Lộc có vợ miệt dưới ngã tư Chín Bộ và đã qua đời ở Kinh Tám, xã Khánh Bình Tây.

Từ hai căn nhà nhỏ mọc lên đây thời chiến, sau giải phóng, bắt đầu từ năm 1976, Nhà nước, địa phương đã cấp đất cho nhiều hộ dân vào đây sinh sống.

Mùa thu 1969, xóm Kinh Cùng là đồng trống, nhìn ra Rạch Ráng lồng lộng. Một bờ trâm bầu lưa thưa. Một dây đìa lưa thưa trâm bầu. Ðồng ruộng mênh mông... Hồi ấy, tôi có nghĩ, nếu máy bay trực thăng Mỹ, loại vũ trang hoặc “cá nhái” nhảy cóc xuống đây, là không có một lùm cây, không một chỗ ẩn núp, con người chỉ có chết hoặc bị bắt, chứ không phương nào thoát khỏi tay giặc.

Và, gần 50 năm sau ngày giải phóng, tôi trở về mảnh đất Trần Hợi anh hùng, tìm trong ký ức kỷ niệm, bằng thử sức chuyến cuốc bộ dọc chiều dài kinh Chống Mỹ trên quê hương thứ hai này./.

 

Nguyễn Minh

 

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.