Các chuyên gia của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) cho biết, thông thường tình trạng ung thư chỉ xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào một cách không kiểm soát được, sau đó thì các tế bào này sẽ tập hợp lại thành một khối u. Theo thời gian, các khối u bất thường đó sẽ tiếp tục có xu hướng di căn và xâm lấn sang các bộ phận khác trong cơ thể con người. Lúc này thì căn bệnh ung thư được xem như đã hình thành.
Đến nay, khoa học phát hiện và đã chứng minh cho thấy, có ít nhất khoảng 200 loại ung thư khác nhau được hình thành và phát triển trên tất cả các bộ phận cơ thể con người. Trong đó nhóm ung thư có tỷ lệ mắc nhiều nhất như: ung thư gan; tuyến giáp; cổ tử cung (nữ); dạ dày; phổi và tuyến vú (phổ biến là nữ giới).
Một bệnh nhân ung thư máu đang được truyền máu thay thế tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.
Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Minh Nghị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, chia sẻ, phần lớn các bệnh lý ung thư ở giai đoạn đầu thường không có các triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Vì thế, việc phát hiện ung thư bằng các cảm nhận chủ quan hoặc bằng các biện pháp lâm sàng thông thường sẽ rất khó phát hiện. Để có thể phát hiện sớm và có giải pháp điều trị kịp thời, tốt nhất là nên chủ động trong tầm soát, thực hiện thăm khám định kỳ tại những nơi có chuyên khoa, có đủ điều kiện.
Nói về nguyên nhân chủ yếu có thể gây ra căn bệnh ung thư phổ biến hiện nay Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Minh Nghị cho biết: “Ung thư có thể là do di truyền, do ảnh hưởng từ lối sống, do các chế độ ăn uống không hợp lý, do ít có chế độ vận động hoặc do tác động từ môi trường xung quanh. Trong đó, những người có thói quan nghiện rượu, nghiện thuốc lá… chính là những đối tượng sẽ dễ mắc phải căn bệnh ung thư phổi, gan và dạ dày nhất”.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Phú Tân thăm khám phổi cho bệnh nhân.
Để phát hiện sớm căn bệnh ung thư, hiện nay khoa học đã có nhiều phương pháp để tầm soát có hiệu quả; trong đó phương pháp sinh thiết đối với những tế bào có khối u nghi ngờ được xem là phổ biến nhất thuộc nhiều dạng ung thư khác nhau, với kết quả có độ chính xác cao. Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như: xét nghiệm máu, xét nghiệm gen di truyền hoặc chẩn đoán bằng hình ảnh… Nhìn chung, hiện có rất nhiều phương pháp tầm soát có thể bao gồm cả những phương pháp không xâm lấn như: chụp X-quang, siêu âm cho đến các biện pháp xâm lấn khi cần thiết khác nhằm kết luận chính xác các dấu hiệu ung thư của bệnh nhân như nội soi dạ dày, nội soi đại trực tràng…
Giải pháp này chính là quá trình sàng lọc có sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, để có thể phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư hoặc tổn thương ung thư ở vào giai đoạn sớm đối với người khoẻ mạnh, nhưng chưa có các triệu chứng về ung thư. Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cho biết, việc thực hiện tầm soát đối với người khoẻ mạnh là để kịp thời phát hiện những nguy cơ bất thường tiềm ẩn trong giai đoạn khơi mào. Bởi ở vào giai đoạn này, việc điều trị sẽ rất có hiệu quả và cũng ít tốn kém hơn nhiều cho bệnh nhân.
Ung thư khi ở vào giai đoạn cuối còn được gọi là giai đoạn “di căn”. Lúc này các tế bào ung thư đã lan xa so với khối u ban đầu và các hạch bạch huyết xung quanh, di căn đến xương, phổi, gan và thậm chí là não… Sau giai đoạn này, diễn biến của bệnh thường rất nhanh và thời gian sống của bệnh nhân cũng rất khó tiên lượng chính xác được. Vì thế, khi phát hiện có bất cứ dấu hiệu nào bất thường trên cơ thể, người bệnh tốt nhất nên đi tầm soát càng sớm càng tốt, vì nó sẽ có tác dụng trong việc phòng ngừa và điều trị hiệu quả trước khi tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn.
Phương Vũ