(CMO) "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm bún lưỡi lừa cá xương". Tôi ở lầu sáu của một toà nhà trên Sài Gòn. Cứ hừng đông là mở cửa bước ra sân thượng hít thở khí trời. Dù có nhìn tám phương bốn hướng thế nào thì mắt cũng nhướng về khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất. Ở nơi đó, máy bay cất, hạ cánh liên hồi đưa người ta đi muôn nơi. Riêng lòng tôi chỉ nhung nhớ một hướng quê nhà. Nhất là khi len trong mớ gió thổi phần phật và âm thanh rít vọng từ cánh máy bay, gió bấc về rao ngọn lạnh se.
Buổi trưa ngồi vào mâm cơm: thịt gà Tây (gà công nghiệp) luộc, chặt khúc, tàu hũ chiên, rau muống tàu (rau muống trồng trên luống) luộc lấy nước làm canh. Xa lạ làm sao! Ồn ào của phố thị cũng chợt nhoè đi với hình ảnh của sương sớm dậy mùi hương lúa ngọt ngào. Nhớ quê còn là nhớ những bà má quê ngồi cặm cụi nấu món ăn quê chứa chan tình yêu thương cho con cháu.
![]() |
MH: Khởi Huỳnh |
Xứ mình vào mùa sa mưa cá chốt rộ từng bầy. Nhà má Năm bên rạch Nàng Âm, cá nhiều vô kể. Con bự bằng trái bắp, con nhỏ bằng đầu đũa. Riêng ơ kho sả của má đều tắp những con cỡ ngón tay cái, trứng đầy bụng vàng ươm. Vậy mà vẫn chưa làm thèm thuồng bằng món mắm cá chốt bảy ngày không còn xương, thơm lựng. Má ướp cá rồi kho, ướp cá rồi nhận mắm, chao đường, trộn thính trước mặt con cháu chớ có giấu giếm gì đâu, vậy mà có ai làm ngon như má.
Nhớ có bữa từ cơ quan về nhà đã thấy treo toòng teng trước cửa bọc tép đất rang muối. Không cần dòng nhắn gửi nào để lại cũng biết món này của má Ba ở Nhưng Miên. Chỉ cần cơm nguội chan nước lạnh hoặc sang hơn là nước dừa cũng no cành bụng. Mấy đứa chơi với con của má, đứa nào cũng ghiền món này. Nhưng từ hồi thằng Đạm con má mất đến nay, má như già, yếu hẳn, không ngồi bên bếp lửa rang tép nữa. Mỗi lần có tép, mấy đứa em Đạm lại rửa sạch rồi hỏi má: “Má ơi, bi nhiêu tép thì bi nhiêu muối mới vừa?”. Má chỉ dạy cặn kẽ cách ướp muối và rang. Cuối cùng tép cũng chín, cũng khô, đỏ au vậy mà sao ăn không giòn rộm, đậm đà như mẻ tép rang tự chính tay má ngồi canh lửa củi, nhắm chừng lúc nào thì đậy nắp, lúc nào thì xốc xới…
Mỗi khi nhà hết mắm ruốc tôi phải gửi lời nhắn về cho má Tư ở Lung Tràm. Mắm ruốc quết có bán ngoài chợ nhưng không thể thơm và vừa miệng như mắm của má Tư được. Gặp mắm này thì phải ra chợ sắm cho đủ “phụ tùng”: thịt ba rọi, rau thơm, cà phổi, đặc biệt là đậu rồng.
Ngoài tài làm mắm, hình như bất cứ loại cá nào, bánh trái nào vào tay má cũng ngon lạ lùng. Năm nào đến mùa làm đìa, má cũng gởi ra ngoài tỉnh cho con cháu mỗi đứa một mớ cá khô. Riêng cá khô bổi, tàng ong bủng vừa ngọt lại vừa thơm thì “phần này gởi cho thằng Hai. Nó khoái nhất”. Gần Tết, dù bận bịu thế nào má cũng tước mấy nải chuối xiêm già xắt mỏng chiên giòn. Bởi má biết, tôi chỉ khoái dùng món này thay cho các loại mứt bán đầy ngoài chợ.
Nhiều lần về Lung Tràm ghé nhà thăm má, tụi tôi đều gặp má ở ngoài vườn, hết làm cỏ tới róc lá dừa khô làm củi, luôn tay luôn chân. Chồng hy sinh khi mấy đứa con má còn đi lẫm chẫm, vậy mà một mình má làm lụng, tạo dựng cơ ngơi, xây nhà tường trước nhiều người ở xóm này. Lâu lâu không thấy con, cháu về thăm, má làm vịt xiêm bằm thịt đổ mấy chục cái bánh xèo, lót lá chuối tươi xếp đầy nia, cùng với rau đồng bưng xuống đò máy chở ra tận Cà Mau. Tụi tôi ăn mà cảm giác như bánh chưa kịp nguội.
Nhớ hồi còn sống, má tôi dạy cách ướp thịt và các công đoạn kỹ lắm mà rốt cuộc nồi thịt tôi kho cũng chẳng ngon lành gì. Từ hồi má đi xa, năm nào tôi cũng chăm bẳm nồi thịt kho tàu. 15 năm canh củi lửa tôi mới hiểu được các món ngon má nấu không chỉ học công thức mà làm được bởi má còn tẩm ướp trong đó sự chăm bẳm, yêu thương. Những món ăn của các má luôn là những món ăn ngon tinh tuý nhất, bởi gói trọn trong ấy là tình quê, hồn quê.
… Mỗi sáng, ở nơi đó, máy bay cất, hạ cánh liên hồi mà lòng tôi thì chỉ có một hướng để nhìn về. Đó là nơi quê nhà với những món ngon của các má. Và dù năm tháng có làm tuổi tác tăng lên, tôi cũng mãi là đứa trẻ hồn nhiên, đi đâu cũng muốn trở về nhà, ngồi bên bếp ngóng nồi cơm má nấu…/.
Nguyễn Kiều Vân Khánh