ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 10-11-24 14:37:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cô hoạ sĩ trẻ nhiệt huyết khơi dậy đam mê

Báo Cà Mau (CMO) “Tôi tình cờ gặp Quỳnh ở Đà Lạt, trong môi trường nghệ thuật. Quỳnh đã vẽ tranh chân dung của tôi và nhiều người bạn, mỗi bức tranh đều thể hiện được cái thần, chúng tôi rất thích. Tôi khá bất ngờ khi biết Quỳnh mở phòng tranh tại Cà Mau. Mặc dù phòng nhỏ, số lượng tranh trưng bày không nhiều nhưng vẫn thể hiện được phong cách của tác giả. Tôi tin Quỳnh sẽ còn tiến xa trong tương lai”, đó là nhận xét của Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam Lương Xuân Đức trong lần ghé thăm phòng tranh của Hoạ sĩ Lê Ngọc Quỳnh tại Cà Mau.

Phòng tranh Quỳnh ART Studio của hoạ sĩ trẻ Lê Ngọc Quỳnh (tại số 295, Nguyễn Trãi, Phường 9, TP Cà Mau) sau mấy ngày khai trương đã đón tiếp một vị khách đặc biệt với một sự kiện đặc biệt. Vị khách đó là ông Võ Văn Quân, người sáng lập, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty XQ Việt Nam (một công ty tranh thêu tay nổi tiếng trong nước và thế giới, có trụ sở chính ở Đà Lạt). Từ xứ sở sương mù, ông đã bay vào Cà Mau để gặp mặt người em gái sau hơn 50 năm thất lạc. Và điều đặc biệt là, ông nhờ Ngọc Quỳnh vẽ chân dung người phụ nữ ấy nhân sự kiện trọng đại này.

Ngọc Quỳnh từng rong ruổi khắp mọi miền đất nước thực hiện niềm đam mê hội hoạ.

Tại sao người vẽ lại là Quỳnh? Ông Quân phân trần: “Lần đầu tiên tôi gặp hoạ sĩ trẻ này ở Huế. Tôi rất ấn tượng với nét vẽ của cô bé. Quỳnh vẽ dòng sông, vẽ nhiều cảnh sắc của Huế rất có hồn. Bản thân tôi và nhiều người thân, bạn bè được Quỳnh vẽ chân dung. Quỳnh đã để lại trong tôi dấu ấn đặc biệt, đó cũng là lý do tôi nhờ Quỳnh vẽ bức chân dung em gái mình. Đây không phải là bức chân dung bình thường, nó chuyên chở một câu chuyện cuộc đời, số phận con người”. 

Đó là câu chuyện của một cậu bé từ cô nhi viện sau nửa đời người sống trong cảnh côi cút, tự vật lộn với cuộc đời để vươn lên và đã tìm được mẹ mình. Rồi từ mẹ, tìm được người cha. Rồi lần dò mải miết mấy mươi năm, giờ tìm được người em thất lạc ở nơi tận cùng đất nước. 

Ngọc Quỳnh tâm sự: “Ban đầu em chỉ nghĩ bác xuống Cà Mau rồi tiện ghé thăm phòng tranh. Khi nhận được đề nghị, em thật sự bất ngờ. Vinh dự nhưng cũng có phần lo lắng. Bác bảo, khi gặp lại người em gái, cả hai đều hết sức xúc động. Bác muốn làm gì đó cho cô em gái để lưu giữ lại khoảnh khắc cảm xúc đó. Và em đã vẽ nụ cười của cô em gái...”. 

Đằng sau bức chân dung với nụ cười hạnh phúc là câu chuyện về cuộc đời, số phận con người.

Và rồi bức tranh đã hoàn thành ngay trong buổi chiều ngày 13/7/2020, sau mấy giờ đặt hàng. Tác phẩm đã làm ông chủ Công ty tranh thêu XQ khá hài lòng.   

Quay trở lại chuyện lập phòng tranh của Quỳnh tại Cà Mau, nơi mà dù đã có rất nhiều hoạ sĩ có tiếng nhưng chưa từng ai mạo hiểm tổ chức phòng tranh riêng cho mình. Quỳnh chia sẻ, Quỳnh muốn góp phần mình gieo mầm nghệ thuật hội hoạ ở quê nhà, nơi  người dân chưa am hiểu nhiều về loại hình này. Và phòng tranh chính là nơi Quỳnh muốn kết nối, giúp công chúng tiếp cận, dần yêu mến, am tường loại hình nghệ thuật hội hoạ. 

Đông đảo người xem Ngọc Quỳnh vẽ chân dung cho du khách.

Ngoài trưng bày, bán tranh, Quỳnh còn kết hợp làm dịch vụ (vẽ chân dung, tranh tường, vẽ áo dài, vẽ trên giày, vẽ decor trang trí, vẽ lên các vật dụng theo yêu cầu của khách…). Đặc biệt, Quỳnh dành một gian trưng bày các sản phẩm tái chế từ chai lọ. “Tôi muốn gợi hứng thú cho khách khi tới phòng tranh, họ nhận thấy rằng có thể dùng những vật dụng bỏ đi mang đến nhờ hoạ sĩ vẽ vào, vừa dùng để trang trí, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường”, Quỳnh hào hứng chia sẻ.

Quỳnh say sưa nói về dự định tương lai nhằm lan toả tình yêu hội hoạ ra cộng đồng: “Sắp tới tôi sẽ mở những lớp học về vẽ tranh; thành lập câu lạc bộ hội hoạ cho cả người lớn và trẻ em tham gia; mỗi tuần đi vẽ tranh một số nơi trong nội ô thành phố (tượng đài, góc phố, trường học...). Nếu được, sẽ kết nối với Sở VH-TT&DL giới thiệu về phòng tranh để du khách tham quan; kết nối các trường học đưa các em tới xem tranh để khơi nguồn cảm hứng. Tôi muốn tư duy các em thay đổi từ nhỏ để dần thay đổi nhận thức của công chúng về hội hoạ… Dĩ nhiên đây là quá trình dài và đầy khó khăn. Nhưng tôi nghĩ, khó mới cần những người trẻ dấn thân vào. Khi có nhiều người trẻ lao vào làm thì mới truyền cảm hứng cho nhiều người”.

Mọi chuyện vẫn còn ở phía trước. Nhưng với cô hoạ sĩ tuổi đời khá trẻ (sinh năm 1994), tính cách mạnh mẽ, quyết đoán (trong lúc cô đang học đại học ngành kiến trúc nhưng với niềm đam mê nghệ thuật bỗng rẽ sang ngành hội hoạ; và cô từng một mình rong ruổi nhiều vùng miền để vẽ tranh thực tế; thậm chí còn mạo hiểm ra tận Hà Nội để vẽ và mở phòng triển lãm khi trong túi chưa tới... 10 triệu đồng), thì tôi tin rằng, Quỳnh sẽ làm được nhiều chuyện bứt phá, tạo dấu ấn đậm nét trong tương lai./.

Bức tranh thể hiện chủ đề cuộc triển lãm cá nhân với tên gọi “Ngày hoa quỳnh nở” của Ngọc Quỳnh tại Hà Nội.
Tác phẩm đầu tiên được một nhà sưu tập tranh ở Hà Nội mua, đánh dấu mốc quan trọng, tạo nhiều cảm xúc và động lực cho Hoạ sĩ Ngọc Quỳnh. “Hình ảnh này chính là tôi của những ngày đấu tranh tư tưởng mạnh mẽ khi rẽ sang con đường nghệ thuật”, Quỳnh bày tỏ.

Huyền Anh 

 

Thoả niềm đam mê đờn ca tài tử

Với niềm đam mê đã thấm sâu vào tâm hồn bởi những tiếng đờn, lời ca vọng cổ, thời gian qua, cùng với chính quyền địa phương, những người yêu thích bộ môn đờn ca tài tử (ÐCTT) trên địa bàn huyện Năm Căn đã tập hợp, thành lập những câu lạc bộ (CLB), cùng nhau giao lưu, chia sẻ để thoả niềm đam mê, góp phần “giữ lửa” phong trào ÐCTT tại địa phương.

Vợ chồng anh Duyên - Có duyên với Bonsai

Mặc dù tiếp cận với thú chơi bonsai chuyên nghiệp chưa đầy 4 năm, thế nhưng vợ chồng anh Phan Văn Duyên và chị Phan Ngọc Thuỳ (hội viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh) đã sở hữu một nhà vườn đồ sộ, với số lượng lên đến ngàn cây, trong đó có nhiều cây đã thành phẩm. Ðây là thành quả khiến nhiều người đam mê thú chơi này ao ước.

“Hào quang và bóng tối”

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 là sân chơi chuyên nghiệp dành cho các nghệ sĩ cải lương, diễn ra từ ngày 25/10-15/11 tại Trung tâm Văn hoá TP Cần Thơ. Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 30 đơn vị/đoàn nghệ thuật, với 34 vở diễn. Ðoàn Cải lương Hương Tràm của tỉnh Cà Mau tham gia Liên hoan với vở cải lương “Hào quang và bóng tối”; tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Chương; chuyển thể cải lương: tác giả Hoàng Song Việt; đạo diễn dàn dựng: NSND Trần Ngọc Giàu...

Vẻ đẹp cảm xúc

Đến với nhiếp ảnh rất muộn ở tuổi xế chiều và luôn coi mình là “nghiệp dư”, tuy nhiên, Nhiếp ảnh gia Minh Hải (Nguyễn Thị Minh Hải) được đánh giá cao. Chị gặt hái nhiều thành công với mảng ảnh về động vật hoang dã, ngoài ra còn có ảnh về di sản, di tích, làng nghề, phong cảnh làng quê ở khắp nơi.

NSƯT Tú Sương: "Con nhà nòi càng không được sơ suất"

Là đời thứ 5 của gia tộc cải lương Bầu Thắng - Minh Tơ, NSƯT Tú Sương được sự dạy dỗ nghiêm khắc từ gia đình mới thành danh như hiện nay. Ðối với chị, đó là quá trình gian khổ để tích luỹ và thăng hoa.

Thong dong dạo chơi

Trước đây, chị Hoàng Thu Hương công tác tại Phòng Hậu cần, Công an TP Hồ Chí Minh, sau khi nghỉ hưu, chị tìm đến nhiếp ảnh và coi đó như một đam mê, vừa được du lịch, vừa ghi lại cảnh đẹp của đất nước, con người.

Bình dị mái lá

Miền Tây nói chung, Cà Mau nói riêng, là vùng đất có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Từ thời xa xưa, xứ Cà Mau rất hoang vu, các bậc tiền nhân ra sức khai hoang xây làng, lập xóm. Họ đã dùng lá dừa nước để làm nguyên liệu cất nhà và nhà lá đã trở thành một kiểu nhà phổ biến nhất ở Cà Mau.

Rạng ngời sức trẻ

Từ chỗ chụp ảnh để phục vụ công việc, tình yêu dành cho nhiếp ảnh được anh vun bồi cứ lớn dần, trở thành động lực trong cuộc sống. Tham gia hoạt động Ðoàn vào năm 2011, Lê Tấn Phát thường ghi lại nhiều hình ảnh bằng điện thoại, nhằm kịp thời đăng tải, tuyên truyền về các phong trào của Ðoàn.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng: Cung đờn nâng giấc mơ đời

Mảnh đất Cà Mau có không ít thầy đờn cổ nhạc giỏi với ngón đờn trác tuyệt, nhưng nếu nói tới tiếng đờn Vi-ô-lông thì khách mộ điệu sẽ nhớ ngay đến Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Thanh Hồng - nghệ nhân hiếm hoi “chuyên” về nhạc cụ này và vang danh ở cả hai lĩnh vực: quần chúng lẫn chuyên nghiệp.

Thêm góc nhìn về đồng bằng sông Cửu Long

Liên hoan Ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) lần thứ 39 năm 2024 vừa được tổ chức khai mạc triển lãm vào ngày 30/9 tại tỉnh Vĩnh Long, đây là hoạt động do Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh trong khu vực luân phiên đảm nhiệm, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam bảo trợ về mặt chuyên môn. Ban Tổ chức đã nhận được 1.851 tác phẩm, trong đó có 971 ảnh màu và 880 ảnh đen trắng, của 252 tác giả trong khu vực gửi tham gia.