Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, mặc dù nhà có máy tính riêng nhưng Hồ Phi Hùng, học sinh Trường THPT Cà Mau và các bạn chọn Thư viện tỉnh là “điểm hẹn” ôn luyện. Hùng chia sẻ: “Ở đây có 40 máy tính kết nối internet với đường truyền tốt, truy cập hoàn toàn miễn phí, không gian yên tĩnh, em có thể cùng bạn bàn luận, tập trung giải các đề thi trên mạng”.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, mặc dù nhà có máy tính riêng nhưng Hồ Phi Hùng, học sinh Trường THPT Cà Mau và các bạn chọn Thư viện tỉnh là “điểm hẹn” ôn luyện. Hùng chia sẻ: “Ở đây có 40 máy tính kết nối internet với đường truyền tốt, truy cập hoàn toàn miễn phí, không gian yên tĩnh, em có thể cùng bạn bàn luận, tập trung giải các đề thi trên mạng”.
Theo Phi Hùng, học ở Thư viện tỉnh, các trò chơi game online không thể chi phối em như ở nhà, vì mỗi khi muốn mở, cô chú quản lý sẽ đến nhắc nhở, thế nên, buộc em phải chuyên tâm ôn bài.
Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Hoạt động từ tháng 9/2013 đến nay, phòng truy cập internet công cộng của Thư viện tỉnh được trang bị 40 máy tính và 1 máy in. Hiện các thiết bị đều sử dụng tốt, được bảo dưỡng định kỳ, để các tầng lớp Nhân dân đến học tập, tìm hiểu kiến thức, nắm bắt thông tin qua mạng internet. Bình quân mỗi ngày có trên 100 lượt người đến truy cập, phần lớn là các em học sinh”.
Ðiểm truy cập internet miễn phí tại Thư viện huyện Thới Bình thu hút đông đảo người dân đến truy cập, nhất là các em học sinh. |
Cùng với Thư viện tỉnh, có 8 thư viện huyện được tiếp nhận tài trợ 80 máy và 9 thư viện xã với 45 máy tính để triển khai Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng” tại Việt Nam do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ (Dự án BMGF). Cà Mau là 1 trong 40 tỉnh được lựa chọn tài trợ, triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm (từ 2011-2016). Do khởi động từ tháng 9/2013, nên Cà Mau xin được gia hạn đến tháng 6/2017 mới đóng gói tổng kết dự án.
Sau gần 3 năm từ khi triển khai dự án, ở 18 điểm thư viện công cộng của tỉnh Cà Mau (tỉnh, huyện, xã), việc lắp đặt máy tính và kết nối internet đã làm thay đổi rất lớn bộ mặt của thư viện công cộng. Người dân khu vực nông thôn và những nơi khó khăn có thêm cơ hội tiếp cận khai thác thông tin, tìm hiểu pháp luật, vận dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ giữa người dân thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh nhờ công nghệ thông tin mà internet mang lại.
Huyện Thới Bình là một trong những huyện được hưởng thụ các chương trình từ dự án, mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người dân. Ðến điểm truy cập internet công cộng tại Thư viện huyện vào một buổi chiều mưa, có đến 7/10 máy tính được các em học sinh sử dụng.
Chăm chú xem đoạn clip dạy nấu món ăn ngon, em Nguyễn Thị Huỳnh Như, học sinh lớp 10, sống tại thị trấn Thới Bình cho hay, đang nghỉ hè, nên ít nhất 2 lần/tuần Như đến đây truy cập internet để giải trí và tìm hiểu các thông tin cần thiết chuẩn bị cho năm học tới. Khi vào học, Như đến thư viện nhiều hơn để cập nhật thêm kiến thức. Như còn cho biết, ở trường em được học môn Tin học cơ bản, nhưng cơ hội tiếp cận máy tính chỉ trong giờ học, nên em thường đến thư viện để được thao tác nhiều hơn, khi gặp khó khăn, cô quản thư hướng dẫn tận tình, nhờ vậy mà nay em đã thành thạo.
Với 10 máy tính nối mạng, đường truyền tốt, dịp hè này, Thư viện huyện Thới Bình mỗi ngày đón trên 30 lượt khách đến, tăng nhiều hơn khi bước vào năm học, bởi lượng học sinh đến khá đông. Chị Trần Hồng Hoa, phụ trách thư viện, thông tin, thư viện mở cửa buổi sáng từ 7h30-10h30, chiều từ 13h30-16h30, xuyên suốt từ thứ Hai đến thứ Bảy. Người đến truy cập đa dạng các đối tượng từ trẻ em đến người lớn, chỉ cần lần đầu đến lập phiếu là những lần đến sau có thể thuận lợi truy cập.
Chị Hoa cho biết, tuy ở huyện không thiếu những điểm truy cập internet, nhưng đối với người dân ở đây, nhu cầu có được điểm truy cập miễn phí, yên tĩnh là rất lớn, nhất là các em học sinh, người dân lao động. Rất nhiều người đến đây nhờ soạn thảo đơn thư, văn bản, các em học sinh chưa từng biết cầm chuột máy tính, đều được chị hướng dẫn. Tuy nhiên, do số lượng máy ít, nên khi lượt người đến đông, chị Hoa phải ra hạn thời gian để người đến sau được cơ hội tiếp cận, trong thời gian đợi, khách có thể đọc sách, báo, tìm tư liệu,…
Anh Nguyễn Minh Tuấn cho biết, tháng 5/2015, báo cáo kết quả đánh giá tác động 12 tỉnh bước 1 và đóng góp ý kiến cho kế hoạch duy trì bền vững dự án tại Hà Nội, Thư viện tỉnh Cà Mau thống nhất tiếp tục duy trì bền vững các dịch vụ tại các điểm truy cập máy tính công cộng sau khi kết thúc dự án. Ðồng thời, đề nghị có chính sách đãi ngộ đối với nhân viên thư viện xã, tăng số giờ phục vụ của thư viện xã, hoán đổi địa điểm một số thư viện xã chưa thuận tiện cho người dân, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được thụ hưởng dự án. |
Hiệu quả của Dự án BMGF là thay đổi cuộc sống của người dân từ việc áp dụng những thông tin hữu ích mà họ khai thác qua máy tính và internet.
Nhưng theo anh Nguyễn Minh Tuấn, ngoài huyện Thới Bình, huyện Năm Căn, Cái Nước phát huy tốt hiệu quả điểm truy cập internet công cộng với lượt người đến truy cập khá đông, thì một số thư viện huyện, xã còn “ở nhờ” trung tâm văn hoá huyện, trụ sở UBND xã, thậm chí một số địa phương, điểm truy cập internet không có phòng riêng biệt, không đảm bảo không gian cho người dân đến sử dụng.
Ðơn cử như điểm truy cập đặt tại Thư viện huyện Trần Văn Thời. Tại đây được tài trợ 10 máy, mỗi ngày đón khoảng 20 lượt người đến, vào dịp hè, có hơn 30 lượt đến sử dụng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thư viện chưa có phòng đọc riêng biệt, nên phải mượn tạm hành lang của Trung tâm Văn hoá huyện làm trụ sở, song, toà nhà xây hơn 32 năm, các công trình xuống cấp, nền nhà sụp lún. Gọi là điểm truy cập internet, nhưng chỉ được dựng và ngăn vách tạm dọc hành lang.
Chị Thái Thu Thuỷ, phụ trách thư viện, bày tỏ, dự án đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương, được sự đồng tình, ủng hộ rất cao, mong rằng huyện có chính sách thay đổi vị trí của thư viện, để có được phòng máy tính, đảm bảo công tác bảo quản, phục vụ tốt.
10 máy tính truy cập internet miễn phí hiện có so với nhu cầu thực tế của người dân chưa thể đáp ứng đủ. Chị Thuỷ rất mong thời gian tới sẽ có thêm dự án mới, hay nguồn kinh phí hỗ trợ thêm cho điểm truy cập tại huyện một số máy tính cũng như tạo điều kiện cho nhân viên thư viện được tập huấn, học tập kinh nghiệm để nâng cao chất lượng phục vụ người dân./.
Bài và ảnh: Băng Thanh