(CMO) (Tưởng nhớ Liệt sĩ Võ Chí Công và đồng đội Cà Mau hy sinh trên mặt trận Gia Định - Sài Gòn trong Tổng tiến công và nổi dậy đợt 2 Xuân Mậu Thân 1968).
Võ Chí Công là em cùng cha khác mẹ của tôi, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Huyện U Minh lừng danh là hậu phương lớn, căn cứ địa của miền Tây Nam Bộ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Sống trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, từ tuổi thiếu niên đã gắn bó bền chặt với miền sông nước kinh rạch chằng chịt, nên khi xuống sông Công ngụp lặn nhanh như rái cá, giỏi bơi xuồng, chèo ghe; lên bờ thì tháo vác với mọi việc ruộng đồng, trồng lúa, cắt cỏ, chăn trâu, đào đìa thả cá, đắp đập be bờ, vô rừng kiếm củi, xua ong lấy mật…
Minh hoạ: LÊ VIỆT HỒNG |
Chỉ có thế, Võ Chí Công không bằng lòng. Mỗi khi có bộ đội về xã thì em sà vào ngồi sát bên các anh nghe kể chuyện chiến trường và năn nỉ xin theo bộ đội để làm bất cứ việc gì có thể làm được.
Lần đó, chợt có anh bộ đội hỏi:
- Em có thuộc bài hát “Lá xanh” của Nhạc sĩ Hoàng Việt không?
- Dạ có.
Rồi Công cất cao tiếng hát: "Lá còn xanh như anh đang còn trẻ. Lá trên cành như anh trong đoàn quân… Đi đầu quân, đi trong mùa động viên... Mau lên đi, hỡi các anh trai làng".
Các anh bộ đội đồng loạt vỗ tay hoan hô và chúc em toại nguyện.
***
Không hiểu vì cớ gì mà Công lại quen thân với cô gái Thạch Sơ Ri ở xóm Bến Đợi, vàm Tàu Chìm? Còn Sơ Ri mến Công vì trước đây người mẹ đau nặng, nghe tin, Công chạy một mạch đến nhà xốc bà xuống chiếc ghe chờ sẵn. Công chèo lái, Sơ Ri chèo mũi, vượt qua mọi bót đồn giặc ven sông rạch và luồn qua các lạch, vàm; đưa thẳng bà vào bệnh viện vùng căn cứ để kịp thời cứu chữa, bình phục trở về. Sơ Ri và gia đình không ngớt lời cảm ơn. Từ đó, mẹ cô coi Công như người thân trong nhà.
Hôm lực lượng thanh niên xung phong, tiểu đội xung kích của Công tổ chức bữa cơm liên hoan để lên đường. Khi tiểu đội vừa vào cuộc thì Thạch Sơ Ri tới, cô gái Khmer chẳng những đảm việc nhà, ruộng rẫy mà còn giỏi cả nghề giăng câu, chài lưới, đem đến một thùng cá lóc, con nào con nấy bự chảng đang giãy đành đạch và rổ tôm càng xanh còn tươi rói, đãi các anh. Sơ Ri vừa xuất hiện thì Chí Công đứng dậy lủi vô sau nhà, Sơ Ri tức khắc đi theo, cả hai vừa giáp mặt, Sơ Ri hỏi:
- Anh làm gì kỳ vậy?
- Tại tui mắc cỡ!
- Em không mắc cỡ, sao anh mắc cỡ?
Công lúng túng khẽ đáp:
- Thôi, cô trở ra lẹ đi.
- Anh phải nói như vầy mới đúng: Em trở ra trước, anh theo sau.
Rồi cả hai nhìn nhau, tay nắm chặt tay, mặt kề mặt mà không nói nên lời!
Bữa tiệc đã bày sẵn, lại thêm món cá lóc nướng trui, tôm càng xanh luộc nước dừa cùng với bình rượu Thập toàn đại bổ mà Công tự ra chợ mua 10 vị thuốc Bắc mang về ngâm theo công thức của chủ tiệm hướng dẫn, đoạn đem vùi xuống đất lâu lắm; hôm nay ba mẹ biểu đưa lên, khui ra đãi bạn.
Sơ Ri được ưu tiên ngồi cạnh Chí Công. Tiệc bắt đầu, thức ăn tươm tất, lại có rượu nồng, ai cũng thấy ngon miệng, ấm lòng và xen chút xao xuyến trước buổi lên đường. Các anh hỏi:
- Sao Sơ Ri không ăn, chỉ gắp thức ăn cho các anh vậy?
- Em nhìn các anh ăn là đã ngon miệng rồi.
Chợt Sơ Ri lên tiếng:
- Các anh đi bao giờ trở về, để em đỡ đợi chờ, trông ngóng?
Bỗng đồng chí tiểu đội trưởng thốt lên: Chúng ta đang ngồi ở vàm rạch Ổ Ó, xóm Bến Chờ, còn Sơ Ri ở xóm Bến Đợi, vàm Tàu Chìm, sự ngẫu nhiên này, tôi bắt nhịp bài hát “Đoàn vệ quốc quân” của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, rồi các bạn cùng hưởng ứng: Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi - hai, ba...
Cả tiểu đội cùng vỗ tay, đồng thanh hát:
"Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi. Nào có sá chi đâu ngày trở về. Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui...".
Xúc động, Sơ Ri trào nước mắt ướt đẫm đôi má.
Tiếng hát vừa dứt, đồng chí tiểu đội trưởng tiếp tục chia vui, bèn “ra lệnh”:
- Mời hai bạn trẻ Chí Công và Sơ Ri hãy bày tỏ tình cảm trước lúc chia tay.
Biết không thể từ chối, cả hai đứng dậy bẽn lẽn ôm quàng nhau, Sơ Ri sung sướng ngã đầu vào vai Chí Công. Tiểu đội reo vui tán thưởng, chợt như xấu hổ, Sơ Ri quay lưng chạy ù một hơi xuống vàm Bến Chờ, chỗ em cắm xuồng khi nãy, rồi tư lự bơi về xóm Bến Đợi nhà mình. Chí Công đứng chết trân nhìn theo cô gái dạn dĩ, chắc nịch, kiêu sa có nước da bánh mật, như níu theo niềm thương, nỗi nhớ không phai.
Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Hơn thế nữa, phía trước bão lửa đang dội xuống trận địa. Nhiệm vụ là trên hết!
***
Nhận được mệnh lệnh của Quân khu, trong Tổng tiến công và nổi dậy đợt 2 Xuân Mậu Thân 1968, Binh đoàn Cà Mau từ Đất Mũi hành quân thần tốc tiến về Bộ Chỉ huy Quân sự miền.
Đúng giờ G! Một góc ở phía Đông mặt trận Gia Định - Sài Gòn đã nổ súng. Cánh quân của Võ Chí Công được phân công đánh vùng ven đô, hỗ trợ cho quân chủ lực cấp tập tiến vào trung tâm thành phố, truy kích, xối bão lửa xuống đầu bọn Mỹ - nguỵ đang tháo chạy tán loạn.
Xung phong giáp lá cà, nắm thắt lưng địch mà đánh; đến lượt thứ ba, Công chẳng may bị lạc đơn vị, lọt vào một địa phận lao động nghèo vùng công giáo. Công bình tĩnh tạt vào ngôi nhà đầu phố. Cô chủ quát:
- Anh là ai mà dám đường đột xông vô nhà tôi?
- Xin lỗi cô, tôi là quân giải phóng.
- Giải phóng thật hay giả?
- Thật! Cô hãy giúp tôi.
Linh tính, cô gái biết trước chiến sự đã xảy ra từ mấy ngày qua, liền dịu giọng:
- Vậy anh hãy mau vô buồng, theo điều khiển và lời căn dặn của em.
Công thay bộ đồng phục của cộng đồng giáo hữu, trước ngực đeo thánh giá; đồng thời bộ quân trang, mũ tai bèo của Công được cô gái nhét vào giỏ xách để lên mấy bó rau muống, còn khẩu AK thì được giấu kín.
Có tiếng gõ cửa gấp gáp. Cô gái biết chuyện chẳng lành, từ từ ra mở cửa. Với vẻ mặt thản nhiên hỏi:
- Các anh là ai?
- Là lính của ông Thiệu.
- Các anh cần gì?
- Nhà cô đang chứa quân Việt cộng.
Cô gái rắn rỏi đáp:
- Các anh hỏi không đúng. Anh đây là người yêu của tôi.
Bọn lính nguỵ cười ngạo mạng, đoạn chúng xộc vô nhà, xục xạo lung tung.
Một tên chĩa súng vào ngực Công hỏi:
- Này anh kia, anh có phải là người yêu của cô này không?
Công bình tĩnh gật đầu mà không trả lời rồi quay nghiêng mình nhìn lên nơi thờ tự tượng đức Chúa và làm dấu thánh. Tên lính tự buông súng, bộ mặt vẫn còn vênh váo hậm hực. Đoạn hắn hỏi tiếp cô chủ nhà:
- Có gì làm bằng chứng nữa?
Cô gái lại thản nhiên lấy trong tủ ra một chồng thiệp đám cưới mà chị cô vừa gửi nhờ ghi giùm quý vị khách mời dự đám... Cô gái bảo:
- Đấy các anh coi có phải thiệp đám cưới của chúng tôi không?
Ngoài đường phố, súng nổ liên hồi và tiếng hô xung phong vang dội. Bọn lính nháo nhác, hốt hoảng rút mau, ném lại phía sau những tiếng chửi thề tục tằn.
Cô gái bưng ra ly sữa nóng và dĩa bánh ngọt mời anh.
Công cảm động, cố kiềm nén những giọt nước mắt xúc động sắp ứa ra!
Đoạn cô gái trìu mến bày tỏ:
- Em và gia đình là con chiên của xứ đạo Nhà thờ Chính toà Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình di cư vào đây, luôn biết giữ trọn lòng kính Chúa, yêu nước. Anh yên tâm, em sẽ lấy xe máy, vượt qua vòng vây đưa anh đến điểm hẹn.
Mọi chuyện xảy ra tưởng chừng như giấc chiêm bao, cả hai nhìn nhau trong giây phút chia tay mà không kịp hỏi tên, nhưng chất chứa niềm biết ơn và kính trọng.
Vô cùng đau đớn, tiếc thương! Một đồng đội của Võ Chí Công trong lực lượng thanh niên xung phong Cà Mau thuật lại, Công và 3 chiến sĩ trong tiểu đội bị đạn bom của kẻ thù đánh sập trong một căn hầm trú ẩn phía sau mặt trận.
***
Chiến tranh mà, máu lửa và ác liệt lắm! Có ngờ đâu như một huyền thoại: Sau tròn 40 năm, hài cốt em Công và đồng đội mới được Hội Cựu thanh niên xung phong giải phóng miền Nam, TP Hồ Chí Minh phát hiện và tìm thấy ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh vào ngày 26/6/2008, từ một mô đất gần như đã bị san phẳng, dưới gốc cây lưu niên.
Căn hầm có 4 chiến sĩ hy sinh được bốc lên hết sức thận trọng. Một điều cực kỳ kỳ diệu, khi những nén nhang cắm trong chiếc lư đồng chụm vào nhau đang rực đỏ, bỗng phụt lên thành cột lửa hình ngọn nến, thì lớp đất cuối cùng cũng được đưa lên khỏi hầm, hiển hiện 4 bộ hài cốt với tư thế trước khi chết: người nằm ngửa, người nửa nằm nửa ngồi, người tựa vào vách hầm, người nằm nghiêng... Nhưng chỉ được trong chốc lát, cả 4 bộ xương đều rã ra, không còn nguyên hình hài như ở môi trường yếm khí; cùng 4 khẩu súng AK, 4 quả lựu đạn đều bị biến dạng trong lòng đất.
Như vậy, làm thế nào biết được danh xưng của mỗi chiến sĩ? Với lời khấn khẩn thiết lần thứ hai, những nén nhang đang rực đỏ, lại phụt lên thành cột lửa hình ngọn nến; cùng lúc một đồng chí trong đội quy tập bỗng phát hiện bên cạnh mỗi thân xác một lọ pênixilin nút chặt, trong mỗi lọ có một mảnh giấy nhỏ ghi tên tuổi bản thân, địa chỉ gia đình và đơn vị... Tuy nhiên, nét chữ đã lu mờ, phải dùng kính lúp mới soi tỏ mà dự đoán. Từ đó xác định rõ danh tính của từng chiến sĩ.
Đội quy tập đưa hài cốt về Tượng đài Liệt sĩ Đồi 81, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh tạm yên nghỉ. Rồi từ nơi đây, gia đình cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau thân thương chuyển 4 chiến sĩ trở về quê hương, nơi tận cùng của Tổ quốc và được cải táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
Ba mẹ tôi đã đi xa, không thể nhìn thấy con mình trở về bằng hài cốt trong một sớm mai hồng của đất nước hoà bình thống nhất, nhưng bằng lòng và vinh dự có đứa con trai biết quên mình, dám hy sinh vì nước, vì dân.
Còn Thạch Sơ Ri thì đã lên tuổi bà, có gia đình yên ấm, quỳ trước mộ Võ Chí Công, chắp hai bàn tay vào ngực có lời khấn: "Anh Công ơi! Hình ảnh anh sống mãi trong cuộc đời em. Chúc anh yên nghỉ tự hào nơi cõi vĩnh hằng".
Trước phần mộ của em, tôi xao lòng mang theo ký ức của 50 năm để viết khổ thơ thay cho lời kết:
"Có nỗi đau nào hơn thế nữa?!
Nhịp tim còn đập vẫn còn đau
Em tôi ngã xuống cùng đồng đội
Có một mùa xuân mãi tự hào"./.
Nguyễn Hồng Trung