Ngày nay, tuy dừa nước không còn nhiều nhưng nó vẫn còn hiện hữu ở nhiều vùng nông thôn, trong đó có xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Và nơi đây cũng là xứ sở của nghề chằm lá.
Ngày nay, tuy dừa nước không còn nhiều nhưng nó vẫn còn hiện hữu ở nhiều vùng nông thôn, trong đó có xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Và nơi đây cũng là xứ sở của nghề chằm lá.
Là người có hơn 20 năm làm nghề chằm lá nhưng chưa bao giờ bà Nguyễn Kim Lợi, ở Ấp 3, xã Nguyễn Phích lại thấy phấn khởi như năm nay. Lá chằm bao nhiêu cũng không đủ bán nên mang về cho bà nguồn thu nhập khá.
Bà Lợi chia sẻ: “Mấy năm trước mình phải kiếm mối bán, có thời điểm phải năn nỉ người ta mua để kiếm tiền mua gạo. Năm nay thì lại khác, thương lái tới tận nhà đặt hàng, làm ra bao nhiêu đều bán được hết nên mình thấy phấn khởi lắm. Trung bình 100 lá (100 đôi lá) bán chỉ có 300.000 đồng, nhưng xé ra chằm bán được tới 500.000 đồng. Như vậy, cứ 100 lá mình lời thêm được 200.000 đồng nên phấn khởi lắm”.
Nghề chằm lá giúp bà Nguyễn Kim Lợi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. |
Cũng là một trong những hộ làm nghề chằm lá ở Ấp 3, xã Nguyễn Phích, những ngày này gia đình chị Trần Thị Ngọc cũng đang tất bật chằm lá để kịp bỏ mối cho lái. Theo chị Ngọc, việc chằm lá không khó, thao tác rất đơn giản, chỉ cần học một buổi là có thể làm được. Con của chị dù mới 10 tuổi cũng có thể làm được nên mỗi ngày vợ chồng chị và 2 đứa con chằm được hơn 400 lá, kiếm cũng được hơn 400.000 đồng.
“Nghề chằm lá dễ làm nên những tháng rảnh rỗi như thế này là vợ chồng tôi lại bắt tay vào thực hiện. Nhờ vậy, cũng có thêm tiền trang trải cho sinh hoạt hằng ngày. Ðặc biệt, năm nay lá chằm lại bán chạy hơn mọi năm nên thu nhập cũng khá hơn", chị Ngọc phấn khởi cho biết.
Theo tìm hiểu được biết, do năm nay nắng hạn gay gắt hơn mọi năm nên nhu cầu lá chằm phục vụ cho việc cất chòi, cất nhà phụ để che nắng tăng. Gặp ông Nguyễn Văn Giang, ở Ấp 2, xã Khánh Hoà, đang lợp chòi bằng lá chằm, ông cho biết, sở dĩ ông dùng lá chằm là vì nó tiện, dễ vận chuyển, dễ lợp, một mình vẫn có thể lợp được nhà.
Chị Nguyễn Thị Hường ở Ấp 3, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Thấy người ta có nhu cầu mua lá chằm nhiều quá nên tôi bàn với chồng thu mua bán lại. Mỗi ngày vợ chồng tôi bán được từ 700-800 lá, kiếm lời cũng vài trăm ngàn. Mùa này kiếm được như vậy là quý rồi, nhờ đó mà lo cho 2 đứa con học hành cũng tốt hơn"
Bài và ảnh: Lâm Chiêu