Huyện U Minh có bờ biển dài 31 km, đi qua địa bàn xã Khánh Hội và Khánh Tiến, với ngư trường rộng lớn trên 20.000 km2, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Từ những lợi thế đó, thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với ngành nghề khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.
- Khơi thông điểm nghẽn kinh tế biển
- Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển
- Hướng tới kinh tế biển hiện đại, bền vững
Hiện toàn huyện U Minh có 1.064 phương tiện khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên biển với 4.199 thuyền viên, trong đó có 502 tàu dưới 12 m, 328 tàu từ 12 đến dưới 15 m, 234 tàu trên 15 m (đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình). Từ đầu năm đến nay, ngư dân trên địa bàn huyện đã khai thác được 32.207 tấn thuỷ sản các loại, đạt 100,65% kế hoạch, trong đó tôm 2.610 tấn, đạt 100,38% kế hoạch.
Khi khu neo đậu tàu thuyền và cảng cá hoàn thành đưa vào sử dụng, tàu cá có nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, ngư dân thuận tiện trao đổi, mua bán thuỷ hải sản.
Ông Lê Thanh Hùng, Ấp 4, xã Khánh Hội, cho biết: “Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên việc khai thác của ngư dân đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, hiện nay các cấp, các ngành cũng vào cuộc, quyết liệt chống khai thác thuỷ sản theo kiểu tận diệt nên nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) dần phục hồi. Từ đó việc khai thác, đánh bắt của người dân đạt hiệu quả”.
Phát huy kết quả đạt được, huyện đã và đang tập trung phối hợp với các sở, ngành tỉnh thực hiện một số dự án trọng điểm, đang trong giai đoạn hoàn thành như: đầu tư xây dựng bến cá Khánh Hội, khu neo đậu tàu thuyền xã Khánh Hội với sức chứa 700 tàu; xây dựng làng nghề cá khô biển xã Khánh Hội; phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã Khánh Hội và Khánh Tiến. Tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng NLTS và sản lượng tối đa cho phép khai thác bền vững; xây dựng và thực hiện Ðề án phát triển chuỗi liên kết các cơ sở thu mua, gian hàng quảng bá hải sản chủ lực ở địa phương.
Huyện đã được đầu tư, quy hoạch xây dựng 3 khu dân cư trên địa bàn, gồm: Hương Mai, Lung Ranh và khu dân cư xen ghép xã Khánh Hội, để dần ổn định đời sống ngư dân khu vực ven đê biển. Huyện cũng được đầu tư xây dựng tuyến lộ đê biển Tây từ hòn Ðá Bạc đến Khánh Hội, từ Hương Mai đến Tiểu Dừa, huyện đang kiến nghị cấp trên tiếp tục quan tâm đầu tư đoạn còn lại từ Khánh Hội đến Hương Mai, dài 10 km. Cùng với đó, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội đang được triển khai xây dựng. Khi dự án này hoàn thành, cùng với các cơ sở hạ tầng hiện có sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, nhất là người dân ở các khu dân cư ven biển trên địa bàn huyện, tạo không gian và bước phát triển mới đối với kinh tế biển của huyện.
Bên cạnh đó, huyện cũng đang kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai thực hiện giai đoạn 2 của khu neo đậu tàu thuyền, bến cá và nạo vét cửa biển Khánh Hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút tàu thuyền lớn từ các địa phương khác về neo đậu, mua bán thuỷ hải sản, trao đổi hàng hoá. Qua đó, không chỉ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ dịch vụ hậu cần nghề cá mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hiện huyện tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch vùng ven biển, tạo điều kiện vận dụng các chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú tại các xã ven biển, tạo ra giá trị gia tăng đối với du lịch, góp phần tạo bước phát triển kinh tế biển của huyện trong tương lai.
Thời gian gần đây, nhờ áp dụng các biện pháp chống khai thác thuỷ sản tận diệt, nên sản lượng thuỷ sản có chiều hướng tăng, giúp người dân tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động vùng ven biển.
Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với phát triển, khai thác thuỷ hải sản, huyện đang tập trung cao điểm thực hiện công tác chống khai thác IUU. Ðồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác NLTS có tính tận diệt, huỷ diệt trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 04, ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển thuỷ sản trái phép, để người dân hiểu và thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra vi phạm, góp phần cùng tỉnh tiến tới gỡ thẻ vàng của EC. Ðây chính là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế biển bền vững trong thời gian tới”./.
Trần Thể