Theo kế hoạch thực hiện Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Ðề án), trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp khoảng 25.000 ha. Các vùng chuyên canh này được tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
- Chủ động, sáng tạo trong triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao
- Mục tiêu 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao
Sau gần 2 tháng gieo cấy, hiện nay 43.103 ha lúa trên đất nuôi tôm đang phát triển tốt, ít sâu bệnh, dự đoán sẽ cho năng suất và chất lượng gạo cao, phù hợp với tiêu chuẩn Ðề án.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thông tin, thực hiện Ðề án, đơn vị đang phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tham gia sản xuất theo Ðề án được 13 cuộc. Bước đầu mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hợp tác xã và người dân ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau đăng ký tham gia 23.304,4 ha, trong đó lúa 2 vụ là 12.888,5 ha và lúa - tôm là 10.415,9 ha. Ðây được xem là bước khởi đầu cho việc sản xuất lúa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Thức cho biết thêm, do Cà Mau không phải là tỉnh có nhiều thế mạnh trong sản xuất lúa như các tỉnh, thành trong khu vực, nên vụ mùa năm 2025 tỉnh mới thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo Ðề án.
Mô hình sản xuất lúa - tôm được xem là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với mực tiêu phát triển Đề án.
Ðề án đặt mục tiêu giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như: “1 phải, 5 giảm”; tiêu chuẩn sản xuất tưới khô xen kẽ; các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng... Ðối với tổ chức sản xuất: 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hoá đồng bộ đạt trên 70% diện tích.
Ðể thực hiện thành công Ðề án, còn rất nhiều việc phải làm. Với sự hưởng ứng tích cực, quyết tâm của địa phương, đơn vị, hợp tác xã và người dân trong bước khởi đầu triển khai, tin rằng Ðề án sẽ được thực hiện hiệu quả, đạt mục đích đề ra./.
Trung Ðỉnh