Khai thác sát hại nguồn lợi thuỷ sản nhưng cuộc sống lại khó khăn, nên việc chuyển đổi ngành nghề cho nhóm đối tượng này đã được các cấp, các ngành triển khai từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao và chưa có đột phá.
Khai thác quá mức, đánh bắt tất cả các loại hải sản từ lớn đến nhỏ trong thời gian dài đã làm cạn kiệt nguồn lợi. Tất nhiên điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản lâu dài mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của chính ngư dân như hiện nay. Chuyển đổi nghề cho ngư dân, hướng tới khai thác hiệu quả bền vững là vấn đề các ngành chức năng luôn nỗ lực thực hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, xem ra hiệu quả đạt được chưa mấy khả quan.
Dân kêu khổ, chính quyền gặp khó
Hoạt động khai thác gần bờ có nhiều nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản như te, cào... Chính đặc điểm và thực trạng này đã khiến nguồn lợi thuỷ sản nói chung, nguồn lợi ven bờ bị suy giảm nhanh chóng, làm cho hiệu quả khai thác, đời sống của ngư dân gặp khó khăn. Vấn đề này đã tồn tại từ rất lâu và được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp để khắc phục. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp chuyển đổi ngành nghề thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
Theo các chủ tàu hành nghề khai thác ven bờ, nếu chuyển đổi tàu sang đánh bắt xa bờ, chi phí cải hoán vỏ tàu hoặc đóng mới, chi phí ngư cụ cũng phải mất hàng tỷ đồng. Chưa kể đến việc chuyển đổi phương thức đánh bắt thì ngư dân phải có thời gian học hỏi, làm quen... Trong khi đó, hầu hết ngư dân khai thác thuỷ sản ven bờ kinh tế khó khăn, vốn tích luỹ thấp, thậm chí không có.
Ông Nguyễn Minh Thịnh, Khóm 7, thị trấn Cái Ðôi Vàm, dọn dẹp ngư cụ sau chuyến ra biển khai thác kém hiệu quả.
Tàu thuộc diện “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác và khai thác không đúng quy định) nhưng khi được gợi mở hướng đầu tư nâng cấp phương tiện đủ kích thước đăng ký, đăng kiểm để tiếp tục ra biển thì ông Nguyễn Văn Việt, Khóm 7, thị trấn Cái Ðôi Vàm, lắc đầu thở dài.
“Ðể nâng cấp phương tiện cần 50-60 triệu đồng, đây là khoản tiền ngoài khả năng của gia đình. Mà nếu có khoản vốn này thì chuyển sang làm nghề khác trên bờ khoẻ hơn so với nâng cấp tàu. Bởi hiện nay nghề biển bấp bênh lắm, tình trạng lỗ chi phí xảy ra thường xuyên”, ông Việt chia sẻ.
Dù biết rằng nghề khai thác ven bờ hiện nay hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ, nhưng khi được hỏi có mong muốn được hỗ trợ để chuyển sang ngành nghề khác thì anh Lê Chí Tâm, Khóm 7, thị trấn Cái Ðôi Vàm không biết làm nghề gì: “Mấy mươi năm qua chủ yếu làm nghề biển nên cũng không biết làm gì khác ngoài nghề biển”.
Ðối với những ngư dân đi biển như anh Tâm, khai thác đã là nghề nhiều năm nên thành quen và là lĩnh vực mà họ làm giỏi nhất, tốt nhất. Ngư dân kêu khổ nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra trong chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân của chính quyền địa phương cũng không hề đơn giản.
Ông Nguyễn Minh Thịnh vận chuyển sản phẩm lên bờ để phân loại sau chuyến khai thác.
Vẫn chỉ là thí điểm
Trước thực trạng nguồn lợi thuỷ sản bị đe doạ, những năm gần đây, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền các cấp triển khai nhiều giải pháp để chuyển đổi nghề, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Theo đó, có 2 nhóm giải pháp trọng tâm đã được triển khai trong thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể là hỗ trợ khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu để vươn khơi khai thác; huy động nhiều nguồn lực khác nhau để đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề, hỗ trợ đầu tư thúc đẩy nuôi hải sản, nhằm tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, giảm đánh bắt thuỷ, hải sản.
Ðồng thời, tỉnh đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án để chuyển đổi từng bước ngành nghề cho ngư dân. Tuy vậy, trên thực tế số lượng ngư dân đã chuyển đổi nghề đến thời điểm này vẫn rất chậm so với mục tiêu.
Nói về hiệu quả trong việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân ven biển thời gian qua trên địa bàn, ông Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, thừa nhận, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao, chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm, chưa thể nhân rộng được.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá, do nguồn lực còn hạn chế nên mới thực hiện được các biện pháp chuyển đổi ngành nghề thông qua các mô hình thí điểm. Từ đó, làm cơ sở tuyên truyền, vận động người dân tự chuyển đổi, theo hướng từ nghề sát hại nguồn lợi sang nghề ít sát hại hơn, hay từ khai thác gần bờ sang khai thác vùng lộng... Một giải pháp khác cũng đang được tỉnh khuyến khích, hỗ trợ là vận động chuyển từ các ngành nghề khai thác trên biển sang dịch vụ trên bờ.
Theo “Ðề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái”, được phê duyệt tại Quyết định số 208/QÐ-TTg, ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 cả nước chuyển khoảng 2 ngàn tàu khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản, nghề cá giải trí. Ngoài ra, chuyển đổi 1 ngàn tàu cá làm nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thuỷ sản, hệ sinh thái sang làm các nghề khai thác hải sản khác ít ảnh hưởng hơn.
Duy Linh
Bài cuối: Cần thêm nhiều nguồn lực và thời gian