ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 19:58:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cựu chiến binh tiên phong làm kinh tế

Báo Cà Mau Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các cựu chiến binh (CCB) ở huyện Ngọc Hiển đi đầu trong các phong trào, làm gương cho thế hệ trẻ và con cháu học tập, noi theo; đồng thời đoàn kết, tương trợ, cùng nhau tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sản xuất giỏi

Thời chiến, ông Nguyễn Văn Ché, hội viên CCB khóm Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, sớm tham gia cách mạng cùng các anh khi mới 15 tuổi, bởi gia đình ông là địa chỉ nuôi chứa cán bộ cách mạng. Ông có 2 người anh hy sinh trong kháng chiến, mẹ ông là Mẹ Việt Nam anh hùng. Ðất nước hoà bình, trở về cuộc sống đời thường, ông tích cực lao động, thi đua sản xuất để vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Hiện nay, ở tuổi 70 nhưng ông Nguyễn Văn Ché vẫn kiếm được tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi chồn hương và mô hình tôm - rừng truyền thống.

Hội CCB thị trấn Rạch Gốc và các hội viên tham quan mô hình nuôi chồn hương của ông Nguyễn Văn Ché (đứng đầu).

Ðã qua, được sự hỗ trợ của Hội CCB, ông học hỏi kinh nghiệm nhiều mô hình kinh tế khác nhau để về áp dụng. Sau khi trồng dừa, trồng chuối nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi, ông Ché chuyển sang nuôi chồn hương từ cuối năm 2019. Qua 4 năm nuôi, từ 4 con giống, nay đàn chồn của ông Ché đã lên đến 150 con, mang về lợi nhuận cho gia đình ông mỗi năm gần 1 tỷ đồng. Giờ đây, khi đã nắm vững kỹ thuật và nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi chồn hương, ông Ché tích cực vận động anh em trong hội thực hiện và sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, con giống để cùng nhau phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch Hội CCB thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Ông Ché là một trong những tấm gương CCB tiêu biểu trong phong trào sản xuất giỏi. Ngoài ra, hầu như tất cả CCB ở thị trấn đều tiếp nối truyền thống người lính Cụ Hồ, luôn tích cực, tiên phong trong phát triển kinh tế và hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động. Ðặc biệt, thời gian qua, Hội CCB đã kết hợp với Hội Nông dân phát động phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện tại, hội viên CCB có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như nuôi chồn hương, cá bống mú, sò huyết, tôm sinh thái..., có những mô hình mang lại lợi nhuận từ 200 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng. Ðó là những mô hình mẫu để các hội, đoàn thể khác học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn”.

Tương trợ cùng vươn lên

Hội CCB huyện Ngọc Hiển hiện có 1.717 hội viên, trong đó có 281 đảng viên, với 7 hội cơ sở, gồm 71 chi hội. Thời gian qua, các cơ sở hội thực hiện tốt các phong trào do hội và địa phương phát động, đặc biệt là đẩy mạnh phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống hội viên và tạo điều kiện để hội viên tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Năm qua, Hội CCB huyện Ngọc Hiển đã tổ chức triển khai công tác giảm nghèo đến các cấp hội cơ sở, giúp cán bộ, hội viên ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong phong trào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình; tinh thần giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh; hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của hội đề ra. Hội đã tổ chức vận động mô hình điểm “Tương trợ vốn phát triển kinh tế” tại Chi hội CCB ấp Chợ Thủ A, xã Tam Giang Tây, được 130 triệu đồng và Chi hội CCB cơ quan xã Ðất Mũi được 36 triệu đồng, để nhân rộng trong các chi hội CCB trong huyện. Tổ chức vận động giảm nghèo ở 2 chi hội CCB có số hộ nghèo cao: Chi hội CCB ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây đã huy động vốn giúp nhau 98 triệu đồng và Chi hội CCB ấp Xóm Biển, xã Viên An được 90 triệu đồng.

Tuyến đường xanh - sạch - đẹp do Hội CCB thị trấn Rạch Gốc đảm nhiệm góp phần cùng địa phương xây dựng NTM và đô thị văn minh.

Hội CCB thị trấn Rạch Gốc là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác tương trợ, giúp hội viên CCB từng bước giảm nghèo, ổn định đời sống. Ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch Hội CCB thị trấn, chia sẻ, đa phần hội viên CCB có tinh thần, ý chí vươn lên. Ðể giúp đỡ hội viên khó khăn, hằng năm Hội CCB thị trấn chỉ đạo các chi hội đến từng hộ nghèo nắm nguyên nhân nghèo để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Không chỉ chăm lo, hỗ trợ hội viên tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, Hội CCB thị trấn còn hỗ trợ hội viên khó khăn xây dựng lại nhà ở bằng hoạt động tham mưu cho Ban Công tác Mặt trận và lập quỹ Nhà đồng đội.

"Trong năm 2023, Hội CCB thị trấn đã hỗ trợ cất lại 2 căn nhà cho hội viên, trong đó có 1 căn nhà cho hội viên Trần Văn Hùng, ở khóm Tam Hiệp. Ông Hùng có 4 người con bị nhiễm chất độc da cam, bản thân ông sức khoẻ yếu. Nhờ số tiền 100 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Hội CCB thị trấn, ông Hùng xây được căn nhà mới khang trang, đón Tết trong niềm vui trọn vẹn", ông Khải thông tin.

Ông Trần Văn Hùng (bìa trái), hội viên CCB khóm Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn trong căn nhà mới khang trang.

Ông Trần Sinh Viên, Chủ tịch Hội CCB huyện Ngọc Hiển, cho biết, với ý chí vươn lên mạnh mẽ của từng cán bộ, hội viên, cùng với sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp hội, đã tạo được dấu ấn đẹp trong phong trào thi đua sản xuất của hội, từng bước giúp hội viên ổn định cuộc sống. Trong năm 2023, các cơ sở hội đã huy động nguồn vốn nội lực từ quỹ góp vốn xoay vòng được 493 triệu đồng, vượt 43% kế hoạch năm, nâng tổng số vốn huy động được gần 4,8 tỷ đồng, giúp 56 hộ có vốn sản xuất. Bên cạnh đó, hội viên còn tình nguyện giúp nhau tiền mặt không tính lãi, con giống và ngày công, trị giá 394 triệu đồng.

"Từ nhiều cách hỗ trợ hợp lý, trong năm 2023, Hội CCB huyện Ngọc Hiển đã hỗ trợ 11 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo thoát nghèo, vượt chỉ tiêu 23%. Từ đó, nâng cao đời sống hộ gia đình hội viên CCB trong huyện, với hộ khá giàu chiếm khoảng 50% trong tổng số hội viên, tỷ lệ hộ hội viên nghèo còn 2,8%”, ông Trần Sinh Viên cho biết./.

 

Loan Phương - Minh Thừa

 

Tài chính minh bạch - Ðạo đức là kim chỉ nam

Trên hành trình phát triển của ngành ngân hàng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp luôn là kim chỉ nam cho mỗi nhân viên trong ngành. Tại Cà Mau, nơi kinh tế đang vươn mình mạnh mẽ, vai trò của những người làm công tác tài chính - ngân hàng càng trở nên quan trọng. Không chỉ là người quản lý dòng vốn, họ còn là những người dẫn lối tài chính, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và bền vững.

Biến mục tiêu thành kết quả cụ thể

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối để tăng tốc, bứt phá, về đích Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); là năm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; năm tiến hành đại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng. Nhằm tăng tốc, bứt phá nhanh hơn nữa, chuẩn bị tốt các điều kiện cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng “hai con số” giai đoạn tiếp theo. Ðây là động lực lớn để tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp, chờ đến lịch mùa vụ sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu.

Liên kết tạo thành công

Với lợi thế 3 mặt giáp biển, thời gian qua, không chỉ tập trung vào con tôm truyền thống, huyện Ngọc Hiển còn đẩy mạnh đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng, khai thác thuỷ sản.

Trao “cần câu” giúp dân thoát nghèo

Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của địa phương đã đạt được những con số ấn tượng. Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, toàn huyện đã giảm 548 hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,92%, giảm 2,07% so với đầu nhiệm kỳ 2015-2020.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất tôm khi Mỹ áp thuế đối ứng

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trước tình hình Hoa Kỳ đã công bố mức thuế áp dụng đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang nước này.

Gỡ khó, tạo đột phá cho kinh tế lâm nghiệp

Thời gian qua, rừng và đất lâm nghiệp không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, mà còn mang lại giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế lâm nghiệp vẫn chưa được phát huy xứng tầm với tiềm năng, do vẫn còn những điểm nghẽn.

Hợp tác xã “Cây ăn trái sạch Khánh Hưng” hướng đến môi trường kinh doanh điện tử

Ðược thành lập và đi vào hoạt động hơn 5 năm qua, Hợp tác xã (HTX) "Cây ăn trái sạch Khánh Hưng", xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng. Ðặc biệt, HTX đang hướng đến môi trường kinh doanh điện tử, nhằm quảng bá sản phẩm và bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số.

Mùa chụp đìa

Vào mùa hạn, khi những cánh đồng nhấp nhô rơm rạ, các con kênh khô nước cũng là lúc vào mùa chụp đìa. Ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, mùa này là lúc bà con nô nức cùng nhau vần công để chụp đìa, chia cá. Dân ở xứ cá đồng cũng vui lây vì có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Tiên phong trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và phát triển bền vững trong mọi ngành nghề. Thời gian qua, Hội BVQLNTD tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN).