"Không thể thoát nghèo hay làm giàu bền vững mà chỉ dựa vào độc canh cho nên phải đa canh trên cùng diện tích để có nhiều nguồn thu”, ông Lê Văn Định, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, nhận định.
"Không thể thoát nghèo hay làm giàu bền vững mà chỉ dựa vào độc canh cho nên phải đa canh trên cùng diện tích để có nhiều nguồn thu”, ông Lê Văn Định, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, nhận định.
Sau ngày giải phóng, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp của nông dân Cà Mau lạc hậu, năng suất thấp, hiệu quả kém. Ngày nay, nông dân đã thay đổi tư duy, nhiều tiến bộ đã được áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Khá lên nhờ đa canh
Nắng tháng 2 chói chang, nhưng những cây xoài, mận của cựu chiến binh Lê Thành Nhơn, ấp Thứ Vải A, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân vẫn oằn trái. Bên dưới là 2 ao cá bống tượng hiện hữu giữa vùng đất mặn, chỉ vẻn vẹn 50 m2 nhưng cho thu nhập mỗi năm trên 30 triệu đồng.
Để tăng thu nhập, nông dân Cà Mau thực hiện sản xuất đa cây, đa con. |
Mặc dù đã 83 tuổi nhưng ông Lê Thành Nhơn vẫn hăng say lao động. Ông Lê Thành Nhơn nhớ lại: “Sau ngày giải phóng, gia đình tôi sống dựa vào 10 công đất trồng lúa, chỉ đủ ăn. Cho đến ngày chuyển dịch sang nuôi tôm thì cuộc sống khấm khá hơn. Thấy anh em nuôi cá bống tượng cho thu nhập khá và tận dụng được nguồn cá phi tại chỗ nên gia đình đào 2 ao nuôi. Nhờ đó mà có tiền nuôi con cháu học hành đến nơi đến chốn”.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hưng Tây Ðỗ Thanh Du nhận định: “Mô hình đa cây, đa con này nhiều năm qua trở thành đòn bẩy cho các hội viên nghèo áp dụng thoát nghèo. Nếu không có mô hình này thì khó mà giúp hội viên thoát nghèo được”. Từ 16 hội viên nghèo của xã trong năm 2013, qua 1 năm thực hiện mô hình đa cây, đa con đã có 13 hội viên thoát nghèo.
Ông Lê Văn Ðịnh, ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước thực hiện đa canh trên 10 công đất. Ngoài trồng lúa, nuôi tôm và cua như những nông dân trong vùng, ông còn nuôi cá sấu, cá bống tượng, chăn nuôi heo và ương tôm hầm đất. Vì thế, mỗi năm ông có thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ông Ðịnh cho biết: “Nếu chỉ độc canh con tôm, cây lúa thì kinh tế gia đình khó cải thiện được, khó mà lo được cho con cái ăn học thành tài”.
Bước tiến ấn tượng
Từ mô hình đa cây, đa con trên cùng diện tích, nhiều nông dân đạt được hiệu quả kinh tế cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Như mô hình nuôi cá bống tượng kết hợp trồng rau má bằng công nghệ phun nước tự động trên 3.000 m2 của ông Nguyễn Văn Phận, ấp Vịnh Gốc, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước; mô hình nuôi dê, heo rừng của anh Thạch Dũng, dân tộc Khmer, ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi. Từ người làm thuê, nay anh Dũng sở hữu 5 ha đất nuôi tôm. Có vốn từ nuôi tôm cua, anh bắt đầu nuôi dê, heo rừng, tận dụng lá mắm, lá đước trên bờ vuông cho dê, heo ăn nên thu nhập ngày càng cao. Từ thu nhập 200 triệu đồng năm 2012, đến 2014, anh thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Anh Thạch Dũng cho biết: “Hiện nay, heo rừng và dê không đủ cung ứng giống và thịt cho thị trường”.
Nếu như năm 1997, Cà Mau chỉ có khoảng 20.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, thì đến nay toàn tỉnh có hơn 70.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 41% trong tổng số hộ nông dân. Trong đó, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu đạt danh hiệu cấp tỉnh và Trung ương 13.680 hộ. |
Từ hiệu quả của đa canh, hiện nay nông dân Cà Mau đã có sự thay đổi về tư duy sản xuất. Từ năm 1997 đến nay, phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, xoá đói giảm nghèo, làm giàu cùng nhiều phong trào, mô hình hiệu quả được nhân rộng, đem lại hiệu quả cao.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Ngô Minh Chiến nhận định: “Ða canh được nông dân áp dụng và phát huy hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống. Thời gian tới, Hội tiếp tục hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị sản xuất và giá trị sản phẩm để đời sống ngày càng khá hơn”./.
Bài và ảnh: Diệu Lữ