Thời gian qua, với nhiều giải pháp đồng bộ, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phát triển vượt bậc. Tiêu biểu, toàn tỉnh hiện có 5 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn, với tổng chiều dài hơn 220 km; 16 tuyến đường tỉnh được láng nhựa, bê tông cốt thép, tổng chiều dài 343 km; 99 tuyến đường huyện, tổng chiều dài hơn 910 km; 4.174 tuyến đường xã, tổng chiều dài 13.176 km và 396 tuyến đường đô thị, với tổng chiều dài 372 km...
Quyết liệt công trình trọng điểm
Ðể thực hiện hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ, theo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định huy động nhiều nguồn lực để tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Từ đó, mở rộng không gian phát triển, đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết, có tác động lan toả lớn, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cầu qua sông Ông Ðốc tạo điều kiện thuận lợi cho bà con và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê đến hết tháng 1/2024, Cà Mau đã giải ngân hơn 258 tỷ đồng trong tổng số 4.212,872 tỷ đồng theo kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý đạt 2,6%; vốn xổ số kiến thiết 6,6%; vốn đầu tư của các huyện, thành phố 6,9%. Ðặc biệt, vốn ngân sách Trung ương trong nước đầu tư theo ngành, lĩnh vực giải ngân đạt hơn 13,1%.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Trần Văn Hoà, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho biết, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục. Hiện đã sẵn sàng triển khai các bước đấu thầu để thực hiện công trình dự án đầu tư trong mùa khô, sớm đưa các công trình dự án vào khai thác sử dụng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Giải phóng mặt bằng luôn là cái khó lớn nhất trong đầu tư công nhiều năm qua và ở nhiều địa phương. Công trình nâng cấp tuyến đường U Minh - Khánh Hội là một trong những dự án đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, hiện đoạn thuộc thị trấn U Minh của dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 100%, đoạn đi qua địa bàn xã Khánh Lâm và Khánh Hội còn đang vướng mặt bằng, huyện phấn đấu sẽ hoàn thành nhiệm vụ này trong tháng 3 tới.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, tại hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành tháng 1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo, đối với các dự án trọng điểm, dự án đang chậm tiến độ, các chủ đầu tư và các địa phương có liên quan phải chủ động và tập trung tính toán các giải pháp thi công đẩy nhanh tiến độ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Vốn đầu tư công năm 2024 chủ yếu là công trình chuyển tiếp nên phải nỗ lực đạt cao hơn năm 2023, phấn đấu giải ngân đạt từ 97-98% trở lên.
Xã hội hoá hạ tầng nông thôn
Bên cạnh những công trình, dự án trọng điểm, việc triển khai duy tu sửa chữa đối với hạ tầng giao thông hiện hữu là nhiệm vụ không kém phần quan trọng.
Liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên năm 2024, ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, thông tin, trên địa bàn huyện có khoảng 1.500 tuyến lộ nông thôn, trong đó có 15 tuyến ô tô được đầu tư khá lâu, nay đã xuống cấp. Mặc dù huyện thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa để phục vụ đi lại, giao thương hàng hoá của người dân, nhưng hiện nay rất khó khăn do nguồn kinh phí còn hạn chế.
Liên quan đến nguồn kinh phí phục vụ công tác duy tu, sửa chữa lộ nông thôn, ông Huỳnh Quốc Việt đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương phải chủ động cân đối, tính toán theo trách nhiệm của mình. Trước mắt xử lý hết nguồn đã được HÐND tỉnh phân bổ và tăng cường vận động xã hội hoá trong duy tu, sửa chữa, nâng cấp lộ nông thôn.
“Sở Giao thông vận tải cùng với các huyện tiến hành rà soát ngay, đảm bảo việc duy tu, sửa chữa để phục vụ việc đi lại và giao thương của người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể.
Hạ tầng giao thông phát triển góp phần quan trọng để người dân, doanh nghiệp tại thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, sản xuất kinh doanh, giao thương hàng hoá.
Trên địa bàn tỉnh, trong năm 2024, nhiều dự án giao thông trọng điểm, quan trọng được triển khai thực hiện, như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường Hành lang ven biển qua địa bàn tỉnh; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau; mời gọi đầu tư xây dựng Dự án cảng Hòn Khoai; phối hợp xử lý những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cao tốc Cần Thơ - Cà Mau...
Song song đó, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, trong đó ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án theo hình thức xã hội hoá. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích phương thức đầu tư đối tác công - tư và phương thức đầu tư khác; tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan, tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức đấu giá quỹ nhà, đất công trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cà Mau định hướng xây dựng và phát triển tỉnh thành trung tâm kinh tế biển của cả nước, với dự án trọng điểm là đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu Kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Ðốc, gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển... Từ đó, tạo đột phá phát triển toàn diện, đưa Cà Mau trở thành trục phát triển quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước./.
Nguyễn Phú