Để đáp ứng số lượng và bảo đảm chất lượng nguồn giống, hằng năm, Trung tâm Giống nông nghiệp, thuộc Sở NN&PTNT luôn chuẩn bị đủ lượng giống cần thiết.
Để đáp ứng số lượng và bảo đảm chất lượng nguồn giống, hằng năm, Trung tâm Giống nông nghiệp, thuộc Sở NN&PTNT luôn chuẩn bị đủ lượng giống cần thiết.
Theo kế hoạch, vụ lúa thu đông và đông xuân năm nay toàn tỉnh sẽ gieo sạ khoảng 37.000 ha, tập trung ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và một phần TP Cà Mau. Hiện bà con nông dân đang bắt tay vào cải tạo đất, làm vệ sinh đồng ruộng và gieo cấy được gần 8.000 ha. Theo dự kiến, đến giữa tháng 11 dương lịch, nông dân sẽ bắt đầu xuống giống đồng loạt.
Nông dân xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời thu hoạch vụ lúa hè thu. |
Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau Phạm Văn Mịch cho biết, cùng với các đại lý kinh doanh, phân phối lúa giống và vật tư nông nghiệp trong tỉnh, hằng năm, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã sản xuất và cung khoảng 500 tấn lúa giống cho bà con. Tuy nhiên, lượng giống trung tâm sản xuất, cung ứng chỉ đáp ứng một phần diện tích gieo trồng của bà con. Phần còn lại nông dân tự chọn giống từ vụ sản xuất trước để lại cho vụ mùa sau.
Ông Phạm Văn Mịch cho biết thêm, năm nay, khoảng 70% nông dân tìm mua giống OM 6162 để gieo sạ. Ðây là giống lúa tốt, chất lượng gạo thơm nhẹ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nằm trong cơ cấu giống sản xuất của tỉnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, bà con nông dân không nên gieo sạ một giống lúa vượt 20% diện tích sản xuất của địa phương. Vì gieo sạ một loại giống với diện tích lớn, khi gặp thiên tai, dịch bệnh sẽ khó phòng trừ, dẫn đến mất mùa.
Ông Ðào Văn Trận, khóm 8, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Vụ lúa hè thu vừa qua, tôi mua lúa giống nguyên chủng OM 5451 sạ 2 công, định lấy giống để sạ lại vụ 2. Nhưng mưa lớn kèm theo lốc xoáy, lúa sập ngập nước, kém chất lượng không thể làm giống, bây giờ phải tìm mua giống sạ lại vụ 2. Tuy nhiên, giá lúa giống cao gấp 2 đến 2,5 lần so với lúa giá thương phẩm, nên đang lưỡng lự. Nếu chọn mua giống của Nhà nước thì giá cao, chi phí đầu tư lớn. Còn chọn mua giống trong dân giá thấp hơn, lúa bị lẩn tạp nhiều nên lo ngại đến năng suất. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất về giống khi nông dân gặp thiên tai như vừa qua”.
Ngoài hộ ông Ðào Văn Trận, hiện nay nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời cũng đang lưỡng lự nên chọn mua giống của Nhà nước hay trao đổi trong dân để sản xuất. Ông Phạm Văn Tuấn, ấp Kinh Hãng C, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Thông thường, sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu là tôi lựa một ít lúa tốt để lại làm giống cho vụ 2. Nhưng vụ mùa vừa qua thu hoạch trong lúc mưa nhiều, lúa kém chất lượng, không để giống được. Bây giờ phải mua giống để gieo sạ vụ đông xuân và thu đông này”.
Ông Phạm Văn Mịch cho biết thêm, các giống lúa do trung tâm bán đều nằm trong cơ cấu giống khuyến cáo sản xuất của Sở NN&PTNT có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng được nhiều loại sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Giá lúa giống năm nay không cao so với các năm trước, giá khoảng 11.000-12.000 đồng/kg. Giá giống lúa cao nhất là OM 6162, trung tâm bán 12.000 đồng/kg. Giá này không cao so với thị trường, nhưng cao hơn lúa thương phẩm. Bà con nông dân nên chọn lúa giống chất lượng để sản xuất hiệu quả, không nên mua những loại giống rẻ tiền, kém chất lượng
Bài và ảnh: Trúc Ly