Chương trình phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Hội Nông dân tỉnh về việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình giai đoạn 2024-2028, đang được triển khai mạnh mẽ. Chương trình này không chỉ phát huy tính chủ động của 2 đơn vị mà còn nâng cao trách nhiệm của BHXH và Hội Nông dân tỉnh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, nhằm đảm bảo mọi nông dân đều được hưởng lương hưu và các chính sách chăm sóc sức khoẻ.
- Mở rộng phát triển BHXH tự nguyện trong hội viên nông dân
- Tuyên truyền BHXH tự nguyện cho đối tượng tiềm năng
- Ra quân vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
- Giám sát chặt thủ tục nhận BHXH 1 lần
- Tăng cường giải pháp giảm nợ BHXH
Hội Nông dân xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) đang quản lý 648 hội viên, hầu hết hội viên nông dân sống chủ yếu bằng nghề nuôi thuỷ sản, không có hội viên nghèo, chỉ còn 1 hội viên cận nghèo.
Ðã qua, việc thực hiện chính sách BHYT, BHXH tự nguyện được nghị quyết Hội Nông dân huyện đề ra, Hội Nông dân xã Lương Thế Trân cũng đã đưa vào nghị quyết để thực hiện hằng năm.
Tổ chức dịch vụ thu Bưu điện huyện Cái Nước đến từng hộ dân để tuyên truyền BHXH tự nguyện. Ảnh: TRẦM NGHĨ.
Ông Trần Mười Hai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Thế Trân, cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn xã, hội viên nông dân tham gia BHYT đạt trên 90%. Tuy nhiên, đối với BHXH tự nguyện thì cán bộ chủ chốt trong ban chấp hành tham gia khá, còn tỷ lệ hội viên tham gia chưa cao. Do đó, sắp tới, hội sẽ có kế hoạch triển khai đến chi hội trưởng và ban chấp hành hội tiếp tục đến từng ấp kêu gọi, vận động tuyên truyền, quán triệt cho hội viên hiểu đây là chính sách an sinh xã hội về lâu dài, để tham gia tốt".
Từ năm 2018, ngay khi được BHXH huyện Cái Nước tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, ông Nguyễn Trung Hiếu, Bí thư Chi bộ ấp Bào Kè, xã Lương Thế Trân, nhận thấy đây là chính sách an sinh rất nhân văn của Ðảng và Nhà nước. Do đó, ông Hiếu đã tham gia với mục đích khi về già không phải phụ thuộc vào con cháu mà có lương hưu đảm bảo cuộc sống ổn định.
Ông Hiếu cho biết: "Năm 2018 tôi tham gia, năm 2019 vợ tôi tham gia. Tôi tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động tại trụ sở sinh hoạt văn hoá, nhờ đó người dân dần có ý thức tham gia. Bà con là dân lao động chân tay nên tham gia theo chuẩn hộ nghèo, đóng 138 ngàn đồng/tháng, sau khi mức lương tối thiểu tăng lên, nhiều người không đủ điều kiện để tiếp tục tham gia". Riêng vợ chồng ông, dù mức đóng tăng nhưng vẫn tiếp tục tham gia cho đến nay.
Ông Nguyễn Trung Hiếu tham gia tập huấn, từ đó hiểu rõ hơn về chính sách BHXH tự nguyện để về tuyên truyền cho người dân. Ảnh: TRẦM NGHĨ
Theo ông Hiếu, hiện tại người dân làm bao nhiêu chi tiêu bấy nhiêu, chưa nghĩ tới lâu dài, chính sách an sinh xã hội này là để dành cho tuổi già. Do đó, ngoài tuyên truyền tại trụ sở thì phải đi thường xuyên, kết hợp với các hội, đoàn thể của ấp đến từng hội viên để vận động, giúp họ thấy được lợi ích, từ đó mới tham gia nhiều.
Ông Huỳnh Vĩnh Tưởng, Giám đốc BHXH huyện Cái Nước, chia sẻ: "Mức đóng tăng một phần tác động đến người tham gia, nhưng đây là quy định. BHXH huyện xác định tăng cường tuyên truyền trực tiếp, nói rõ quy định của Chính phủ đến với người dân. BHXH tự nguyện mang tính chất có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Ðó là quyền lợi, tuy trước mắt thấy mức đóng tăng cao, nhưng quyền lợi sau này hưởng tương đồng với những gì đã đóng".
Hiện trên địa bàn huyện Cái Nước có khoảng 2,6 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, đạt trên 64% chỉ tiêu BHXH tỉnh giao trong năm 2024.
Ðể đạt được kết quả trên, thời gian qua, BHXH huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn huyện, có kế hoạch tháng, hằng tuần, trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền cho người dân hiểu được chính sách của BHXH tự nguyện đối với chế độ hưu trí như thế nào, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, để người dân tự nguyện tham gia.
Ông Huỳnh Vĩnh Tưởng cho biết, để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu BHXH tỉnh giao, nghị quyết của huyện giao về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, BHXH huyện đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện đoàn tổ chức nhiều cuộc hội nghị tuyên truyền đến các hội, đoàn thể để mọi người nắm được chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để tham gia và vận động gia đình, bạn bè cùng tham gia. Ðồng thời, BHXH huyện còn tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trang mạng xã hội.
Mục tiêu của chương trình phối hợp giai đoạn 2024-2028 là đảm bảo tất cả hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đều tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đầy đủ, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn bộ BHXH và BHYT trong những năm tới.
Việc triển khai chương trình không chỉ là trách nhiệm của BHXH và Hội Nông dân tỉnh, mà còn là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị địa phương, từ cấp xã đến cấp huyện nhằm đảm bảo mọi nông dân đều được nhận lương hưu, có sự bảo vệ về sức khoẻ, mang lại cuộc sống ổn định, an sinh xã hội bền vững cho nông dân./.
Phúc Duy