Thời gian gần đây, vì lợi ích kinh tế, người sản xuất nông nghiệp sử dụng chất tăng trọng, chất kích thích sinh trưởng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học… để sản xuât, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Thời gian gần đây, vì lợi ích kinh tế, người sản xuất nông nghiệp sử dụng chất tăng trọng, chất kích thích sinh trưởng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học… để sản xuât, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Ðứng trước thực trạng đó, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau khuyến cáo:
Đối với lĩnh vực trồng trọt, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón phải thực hiện đúng quy trình sử dụng, đảm bảo thời gian cách ly. Không lạm dụng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cần thiết, những loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm, không rõ nguồn gốc.
Nên áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Áp dụng công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch để giảm thiểu tổn thất và ô nhiễm lương thực do bị nhiễm côn trùng, nấm. Tuyệt đối không sử dụng các loại hoá chất độc hại để bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch.
Ðối với lĩnh vực chăn nuôi, không sử dụng các loại kháng sinh, chất tăng trọng; các hoá chất cấm dùng trong chăn nuôi cũng như trong bảo quản chế biến sản phẩm. Nên dùng các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để tránh được tồn dư kháng sinh trong thịt. Tuyệt đối tuân thủ thời gian, ngừng sử dụng thuốc trước khi giết mổ đúng theo hướng dẫn trên nhãn chai hoặc bao bì.
Quy trình và vệ sinh giết mổ phải tuân thủ theo các quy định hiện hành.
Ðảm bảo vệ sinh trong vận chuyển và phân phối sản phẩm. Tuyệt đối không được vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm lậu không rõ nguồn gốc, gia cầm bị nhiễm bệnh…
Ðối với lĩnh vực nuôi thuỷ sản, để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống, xử lý môi trường nuôi, chăm sóc, phòng trừ bệnh, thu hoạch và chế biến sản phẩm. Chỉ thả những con giống đã được kiểm dịch, thả giống theo đúng lịch thời vụ.
Phải xử lý môi trường trước khi nuôi, nguồn nước phải sạch, không bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải từ các trại chăn nuôi chưa qua xử lý, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy, khu công nhiệp nhằm kiểm soát được các nguồn lây nhiễm do vi sinh vật và hoá chất. Nước phải được kiểm soát trước khi lấy vào và khi thải ra môi trường.
Thức ăn không bị nhiễm nấm mốc, không trộn các hoá chất, kháng sinh đã bị cấm, không trộn chất kích thích sinh trưởng. Ðảm bảo theo nguyên tắc 4 định: định lượng, định thời gian, định địa điểm, định số lần cho ăn, giúp tôm, cá hấp thụ tốt nhất dinh dưỡng trong thức ăn.
Phòng trừ bệnh: Không sử dụng các loại hoá chất, kháng sinh bị cấm và không có nguồn gốc rõ ràng trong phòng trị bệnh cho thuỷ sản. Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc sử dụng, bảo đảm thời gian cách ly.
Thu hoạch và chế biến thuỷ sản: Sau khi thu hoạch không sử dụng các hoá chất để bảo quản, chế biến thuỷ sản phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Ks. Trần Ngọc Lãm (Trung tâm Khuyến nông Cà Mau)