Chiều ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thành viên Chính phủ Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc trực tuyến 3 tỉnh: Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh. Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì.
- Giải ngân hơn 90 tỷ đồng Chương trình mục tiêu phát triển vùng DTTS
- Hiệu quả bước đầu của chương trình mục tiêu giảm nghèo
- Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý I năm 2024 ước tăng 6,09% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó: kim ngạch xuất khẩu đạt 378 triệu USD, bằng 30,3% kế hoạch, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Đến ngày 1/5/2024, thu ngân sách đạt hơn 2.150 tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán, tăng 24,2% so cùng kỳ… Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 1/5 đạt 22%, tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước. Đã hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn qua nội ô TP Cà Mau; tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cà Mau; đường bờ Nam Sông Đốc, Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục hạn hán.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, trong đó đặc biệt là tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng tại các vị trí chưa được kè chắn. Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở khoảng 187/254 km; tổng chiều dài sạt lở trên hệ thống sông, rạch là 38 km. Bộ NN&PTNT đánh giá Cà Mau là tỉnh có mức độ sạt lở lớn nhất ĐBSCL, đặc biệt là sạt lở bờ biển cao gấp 2-5 lần các tỉnh khác, chiếm 35% sạt lở bờ biển toàn vùng.
Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở khoảng 187/254 km. (Trong ảnh: Gia cố chân đê biển Tây tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).
Tình hình nắng nóng, hạn hán diễn ra gay gắt, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân; gây thiệt hại sản xuất, sạt lở đất, sụt lún bờ kênh, các công trình thuỷ lợi và nhiều tuyến đường giao thông, trong đó có một số tuyến đường cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.700 hộ gia đình thiếu hoặc không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Sạt lở, sụt lún trên 135 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 17 km, ước tổng thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu tôm tại thị trường châu Âu bị ảnh hưởng do chi phí vận tải biển tăng cao và thời gian vận chuyển dài hơn trước đây.
Tình hình xuất khẩu tôm tại thị trường châu Âu bị ảnh hưởng do chi phí vận tải biển tăng cao và thời gian vận chuyển dài hơn trước đây. (Ảnh minh hoạ)
Tính đến thời điểm báo cáo, có 23 kiến nghị đã gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương. Theo đó, các bộ, ngành và cơ quan Trung ương đã có văn bản trả lời và xử lý 20 kiến nghị của tỉnh. Trong đó, giải quyết được vấn đề (5 nội dung), giải quyết được một phần và tiếp tục trong quá trình thực hiện 14 nội dung, xử lý ở mức ghi nhận 1 kiến nghị và 3 kiến nghị chưa có văn bản trả lời.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho gia hạn thời gian lập Đề án xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành trong tháng 1/2024 đến tháng 9/2024. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương xem xét hướng dẫn tỉnh Cà Mau trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đề án.
Về lĩnh vực phát triển ngành năng lượng, kiến nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đàm phán mua khí bổ sung từ phía Malaysia, hoặc cho phép nhập khẩu khí LNG, hoặc khai thác khí từ mỏ mới để đảm bảo cấp khí cho 2 nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2; đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có chính sách ưu tiên tăng cường huy động nguồn điện của Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2. UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương thẩm định Đề án Xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau tại Tờ trình số 128/TTr-UBND ngày 27/7/2023, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phê duyệt Đề án để triển khai thực hiện.
Đề xuất Tổng Cục Hải quan phối hợp cung cấp cho các địa phương (Sở Công thương làm đầu mối) các thông tin về kim ngạch xuất nhập khẩu của địa phương theo cơ cấu mặt hàng, khối lượng, doanh nghiệp, thị trường, giá xuất khẩu bình quân theo nhóm hàng.
Kiến nghị, đề xuất các phương án khắc phục hạn hán mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Cụ thể, hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để khắc phục, quy hoạch bố trí lại sản xuất, bố trí lại dân cư, quy hoạch hệ thống giao thông, thuỷ lợi một cách đồng bộ, hiệu quả. Hỗ trợ kinh phí chống hạn phục vụ sản xuất vụ đông xuân và hè thu năm 2023-2024 cho tỉnh Cà Mau, dự kiến đầu tư 13 hệ thống thuỷ lợi, kinh phí thực hiện khoảng 521 tỷ đồng. Hỗ trợ để triển khai thực hiện, cụ thể mùa khô năm 2024-2025 là 30 tỷ đồng và năm 2026-2027 là 33,8 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PNT Lê Minh Hoan cho biết, kiến nghị của địa phương sẽ được trả lời bằng văn bản những lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, những vấn đề khác Bộ NN&PNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sớm trả lời.
Bộ trưởng Bộ NN&PNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ các Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Đối với tỉnh Cà Mau, sẽ phân công nhóm công tác Cục Thuỷ lợi, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Cục Kiểm lâm cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế để có giải pháp hỗ trợ các kiến nghị./.
Hồng Phượng