Hiện nay, đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) là nhu cầu chính đáng của nhiều lao động, nhất là lao động ở các vùng nông thôn. Trong bối cảnh ở nông thôn, lao động dư thừa nhiều, không có việc làm, thu nhập thấp…, đi XKLĐ được xem là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng đi XKLĐ tuy có định hướng, có vai trò quản lý của nhà nước, nhưng vẫn đang bị một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, cung cấp thông tin không chính xác, mục đích lừa đảo... những điểm nghẽn này đã và đang ảnh hưởng đến công tác XKLĐ.
Mất tiền vì nhẹ dạ, cả tin
Theo nhận định của Ngành Lao động, hiện nay, tình trạng thiếu hụt lao động ở một số nước diễn ra khá phổ biến, từ đó nhu cầu tuyển dụng lao động xuất khẩu cũng tăng theo. Từ đó, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều hình thức, chiêu trò đánh vào tâm lý muốn được đi nhanh, làm nhanh, với mức lương cao mà không phải học ngoại ngữ... để tung các chiêu lừa đảo người lao động (NLĐ).
Gần đây, vào ngày 13/7/2023, bản tin thời sự 19h00 VTV1 đưa thông tin về việc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tư vấn Du lịch và Du học Quốc tế T&Q (trụ sở văn phòng đặt tại Quốc lộ 91, số 1214 KV Hòa Thanh, Phường Thới Hòa, Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) tổ chức tuyển chọn và thu tiền của nhiều NLĐ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long... để cam kết đưa đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc (theo thị thực E-8).
Qua ghi nhận thông tin tại bản tin của VTV1, đã có nhiều người dân đến địa chỉ trên để nộp tiền và ký hợp đồng với công ty để được đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc với mức bình quân 25 triệu đồng/người. Qua rà soát của ngành chức năng thì trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có 9 trường hợp bị công ty này lừa đảo, trong đó có 5 trường hợp ở huyện U Minh, 3 trường hợp ở huyện Trần Văn Thời và 01 trường hợp ở huyện Phú Tân.
Cũng là chiêu thức đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin của người dân, trên địa bàn thành phố Cà Mau cũng đã xảy ra vụ lừa đảo lấy tiền của người dân muốn đi XKLĐ. Theo lời “hứa hẹn” của vị Việt kiều về nước thăm quê hương này thì có 6 người đã gửi số tiền trên 01 tỷ đồng để được đi nước ngoài lao động. Thế nhưng, tiền đưa đã lâu nhưng NLĐ vẫn không thể đi xuất cảnh lao động được, mất tiền, không việc nên người dân đến cơ quan chức năng trình báo và khi đó vụ việc mới được phanh khui.
Công tác phối hợp giữa ngành Lao động và các hội, đoàn thể nhằm nâng cao công tác tuyên truyền vận động, giúp lao động tiếp cận kênh thông tin chính thống về xuất khẩu lao động.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, người dân vẫn còn tâm lý ngại di chuyển để làm các thủ tục hồ sơ, ngại việc tham gia các lớp đào tạo ngoại ngữ mất thời gian hoặc phải học xa nhà... Nên khi nghe các thông tin chính thống từ các đơn vị quản lý Nhà nước có chức năng tư vấn, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thì ngại không tham gia. Bên cạnh đó, quan điểm của phần nhiều các gia đình chỉ có từ 1 đến 2 người con, phụ huynh chủ yếu muốn cho con đi làm việc ở những nơi phải có người quen đã đi trước (gia đình có người thân đã kết hôn, nhập quốc tịch hoặc đang làm việc theo hình thức khác). Từ những quan điểm còn trông chờ ỷ lại, muốn được đi nhanh, không mất nhiều thời gian làm thủ tục, mà người dân sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn và chấp nhận quy trình thời gian có thể nhiều hơn quy định để được đi và hiển nhiên đây là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng lừa đảo.
Tỉnh táo trước những thông tin về XKLĐ
Đến thời điểm hiện nay có 35 doanh nghiệp, công ty đã ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Cà Mau để tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, tỉnh Cà Mau chỉ thực hiện hình thức XKLĐ thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cấp phép, và phối hợp với tỉnh Cà Mau thực hiện tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với hình thức này sẽ đảm bảo cho NLĐ không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, cũng như tiềm ẩn xảy ra rủi ro, mất tiền, không có việc làm ổn định.
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Cà Mau chia sẻ, Trung tâm đẩy mạnh phối hợp với các ban ngành, địa phương nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động đến các doanh nghiệp và NLĐ, để tạo thêm nhiều việc làm mới có hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, ý thức, tinh thần, trách nhiệm cho đội ngũ viên chức, NLĐ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, XKLĐ, bảo hiểm thất nghiệp… Đặc biệt là tập huấn cho các nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa nhằm nâng cao chất lượng tư vấn, phục vụ tốt người dân và thực hiện có hiệu quả công tác chắp nối cung – cầu lao động tại địa phương.
NLĐ nếu muốn ra nước ngoài làm việc thì nên đến các Trung tâm Dịch vụ Việc làm để được đào tạo, đưa đi làm hợp pháp. Đồng thời, tìm hiểu thật kỹ về địa điểm, công việc nơi chuẩn bị đến làm việc, tìm hiểu về nhân thân, lai lịch của người giới thiệu việc làm. Đặc biệt, phải hết sức cảnh giác những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo XKLĐ, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để phối hợp xử lý.
Các công ty, doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép và có ký kết với Trung tâm Dịch vụ Việc làm mới đủ điều kiện tư vấn, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu.
Hiện nay, XKLĐ được xem là lựa chọn sáng suốt của NLĐ nhưng cũng đầy rủi ro nếu họ không tìm hiểu kĩ thông tin và nâng cao nhận thức của mình, và cuối cùng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trong bối cảnh đó, việc phòng chống lừa đảo xuất khẩu lao động không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn của mỗi người dân. Chỉ cần tỉnh táo kiểm tra kĩ các thông tin, NLĐ hoàn toàn có thể chọn một công ty XKLĐ phù hợp cho mình.
Lao động cần tỉnh táo lựa chọn kênh thông tin về xuất khẩu tại UBND xã, phường, thị trấn, Phòng LĐ-TB&XH hay tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm.
“NLĐ cần chú ý, chỉ các doanh nghiệp được cấp phép và có hợp đồng cung ứng lao động, đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận, thì mới được phép tuyển chọn lao động. Bởi vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ và đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, không nên tin những công ty trôi nổi, để rồi phải nếm “trái đắng”. Bên cạnh đó, để ngăn chặn các hành vi lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của người dân, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc phổ biến pháp luật về lĩnh vực XKLĐ, thông tin về doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, thị trường lao động ngoài nước và các điều kiện, tiêu chuẩn, mức lương, chi phí XKLĐ”, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh nhấn mạnh.
XKLĐ “chui” là việc NLĐ đi làm việc ở nước ngoài không thông qua các công ty XKLĐ chính thống mà đi theo con đường tiểu ngạch (hay còn gọi là vượt biên trái phép). Theo đó, vượt biên trái phép là qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng theo Điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam, người vượt biên trái phép khi bị bắt giữ còn đối mặt với các hình thức xử lý theo pháp luật của nước sở tại như bị giam giữ, buộc lao động công ích, bị phạt tiền, bị trục xuất về nước…
Hoặc NLĐ khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước, bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc sau khi nhập cảnh mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng, thì sẽ bị phạt mức từ 80 đến 100 triệu đồng (theo quy định tại Khoản 2, Điều 47 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ).
Phương Lài