Cách nay hơn 1 tháng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau chọn ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, xây dựng mô hình trồng rau an toàn, với tổng diện tích gần 2 ha, có 22 hộ dân tham gia, kết quả bước đầu mang lại rất khả quan.
Cách nay hơn 1 tháng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau chọn ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, xây dựng mô hình trồng rau an toàn, với tổng diện tích gần 2 ha, có 22 hộ dân tham gia, kết quả bước đầu mang lại rất khả quan.
Người trồng rau được hỗ trợ 50% chi phí và được hướng dẫn quy trình canh tác từ khâu làm đất, xuống giống, đến khâu chăm sóc, thu hoạch… Những loại rau chủ lực như: cải bẹ xanh, cải ngọt, cà chua, dưa leo được trồng trong nhà lưới, canh tác theo tiêu chuẩn rau an toàn. Qua lứa đầu thực hiện, các loại rau màu phát triển rất tốt, năng suất tăng gần gấp 1,5 lần so với trồng rau theo phương pháp truyền thống, trừ chi phí, lợi nhuận thu được mỗi lứa rau từ 50-60 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Hận, ngụ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Ở đây người trồng rau được hướng dẫn kỹ thuật bón phân, xịt thuốc đảm bảo an toàn. So với trồng rau truyền thống, rau này sạch hơn, người tiêu dùng sử dụng an toàn”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trồng rau an toàn tốn nhiều công và chi phí cao hơn so với cách trồng rau truyền thống trước đây, thế nhưng, khi đem ra thị trường tiêu thụ cũng chỉ bằng giá so với rau thông thường. Mặt khác, hiện nay thành phố chưa có địa điểm tập trung chuyên bán rau màu an toàn, rau sản xuất ra nông dân tự tiêu thụ tại các chợ, thật khó phân biệt đâu là rau sạch, đâu là rau chưa sạch.
Vấn đề cần giải quyết hiện nay không phải là sản xuất được rau sạch hay không sạch, mà là làm thế nào chứng nhận được sản phẩm ấy là an toàn để người dùng tin tưởng, yên tâm sử dụng. Mặt khác, trên thực tế, mặc dù đã được khuyến cáo, nhưng do thói quen, người dân thường chú trọng vào hình thức và giá hơn là nguồn gốc của rau. Người tiêu dùng vẫn thường vào chợ, hoặc ra các gánh bán rau bên đường, theo kiểu tiện đâu mua đó, chọn những loại rau quả nhìn mẫu mã bắt mắt, giá cả hợp lý để mua, mà chính họ không cần biết xuất xứ, nguồn gốc của các loại rau này có từ đâu.
Ông Hồ Việt Em, ngụ ấp Ông Muộn, chia sẻ: “Theo như tôi, mình phải có chỗ nơi mua bán ổn định thì người tiêu dùng mới biết, như bây giờ, dù rau mình an toàn thiệt nhưng người dùng đâu có biết”.
Thực tế cho thấy, để rau an toàn cạnh tranh được với các sản phẩm thông thường trên thị trường, việc nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng rau an toàn là một trong những vấn đề có tính cốt lõi để người trồng rau an toàn có thể tìm được chỗ đứng bền vững trên thị trường. Mặt khác, do sản xuất thiếu tập trung nên việc xác lập, công nhận thương hiệu cho rau an toàn gặp trở ngại.
Phó Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm Huỳnh Thanh Tuấn cho biết: “Trong thời gian tới, xã quy hoạch xây dựng khu vực trồng rau an toàn tập trung, đồng thời tổ chức giới thiệu cho người dân hiểu rõ nguồn gốc, tìm thị trường tiêu thụ cho rau an toàn. Tôi nghĩ rằng mô hình này sẽ thành công trong thời gian tới”.
Dự kiến trong thời gian tới, mô hình trồng rau an toàn sẽ được mở rộng thêm khoảng 8 ha nữa. Vì vậy, để đảm bảo cho việc sản xuất rau an toàn phát triển bền vững, ngoài việc quản lý sản xuất, biện pháp khoa học - kỹ thuật…, các ngành chức năng cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, mở hệ thống bán lẻ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây chính là sự kết nối giữa người làm ra sản phẩm rau an toàn với người tiêu dùng, và cũng chính từ đây sẽ gợi mở cho bà con nông dân có thêm những phương thức sản xuất mới, đạt hiệu quả bền vững./.
Ninh Hải