Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết ngày 1/10/2024, bà con vùng sản xuất lúa - tôm đã giống giống đươc 42.936 ha, tăng 15,73% so kế hoach, tăng 9,83% so cùng kỳ. Theo nhận định của ngành chuyên môn, diện tích xuống giống sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những ngày tới.
Theo kế hoạch huyện Cái Nước xuống 3.500 ha, nhưng đến thời điểm này người dân xuống giống trên 6.000 ha. (Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Cái Nước kiểm tra tình hình sản xuất lúa - tôm tại ấp Cái Rắn A, xã Phú Hưng).
Nguyên nhân là do năm nay lượng mưa nhiều, phân bổ đều, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu rửa mặn; nguồn lúa giống và các mặt hàng vật tư nông nghiệp cũng được các doanh nghiệp và người dân chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu xuống giống. Nhiều vùng, người dân không chỉ trồng lúa kết hợp nuôi tôm sú, mà còn kết hợp nuôi tôm càng xanh, thu hoạch vào dịp cuối năm, thu nhập cao.
Để góp phần thực hiện thắng lợi vụ lúa - tôm, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ gần 6 tấn lúa giống, cho 20 hộ hội viên nông dân ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời.
Trước đây, bà con nông dân coi việc sản xuất lúa trên đất nuôi tôm là để cắt vụ, cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh lưu truyền trong đất và tạo thêm nguồn thức ăn cho tôm. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi giống lúa chất lượng thấp sang giống lúa chất lượng cao đáp như nhu cầu tiêu thụ của thị trường và tham gia xuất khẩu như: ST24, ST25, Jasmine… không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà năng suất cũng không ngừng tăng, từ 3- 4 tấn/ha, nay tăng lên trên 5 tấn/ ha, tăng thêm thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.
Theo ước tính của bà con nông dân, hiện nay bình quân thu nhập 1 ha lúa và tôm nuôi từ 100-120 triệu đồng/ha/năm, cao hơn lợi nhuận so với vùng chuyên canh 2 vụ lúa trong năm.
Trung Đỉnh