ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 04:55:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đình thần Tân Lộc được xếp hạng di tích cấp tỉnh

Báo Cà Mau (CMO) Di tích Đình thần Tân Lộc thuộc Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Ngôi đình có niên đại hàng trăm năm nằm bên bờ kinh xáng Bạch Ngưu, ngay ngã ba Bà Đệ, vì vậy, dân gian quen gọi là Đình Bà Đệ. Bên kia sông là ngôi miếu thờ Liệt nữ Nguyễn Thị Nương được sử sách nhắc đến như một tấm gương tiết hạnh.

Vào ngày 29/11 năm Nhâm Tý (năm 1852), vua Tự Đức ban chiếu chỉ sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh” cho Đình thần Tân Lộc, cùng với nhiều ngôi đình khác ở Nam Bộ. Hiện nay, sắc thần vẫn được Ban Quản trị đình thần giữ gìn cẩn thận và tổ chức rước sắc thần vào lễ hội Kỳ yên hằng năm. Nếu căn cứ vào sắc thần thì tên gọi chính thức của ngôi đình là Đình Tân Mỹ, vì địa danh vùng đất này trước đây là “Tân Mỹ thôn”, thuộc tổng Quảng Xuyên, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên.

Đình thần Tân Lộc bên bờ kinh xáng Bạch Ngưu, ngã ba Bà Đệ.

Theo chủ trương của triều Nguyễn, nhằm mục đích xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia và thể theo nguyện vọng của Nhân dân, vào ngày 29/11 năm Nhâm Tý (1852 - năm Tự Đức ngũ niên), vua Tự Đức ban chiếu chỉ sắc phong Thần làng “Thành Hoàng Bổn Cảnh” cho hầu hết các đình làng ở Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng, trong đó có Đình thần Tân Lộc. Nhưng đến nay, nhiều đình làng không còn giữ được sắc phong. Theo kết quả kiểm kê và lập danh mục các di tích ở Cà Mau bước đầu cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 23 ngôi đình, nhưng chỉ có 7 ngôi đình còn giữ được sắc phong (trong đó có Đình thần Tân Lộc)[*], các sắc phong chỉ khác nhau ở địa danh được ghi nhận.

Nghi lễ khán sắc tại Đình thần Tân Lộc.

Những năm chiến tranh loạn lạc, ngôi đình đã nhiều lần bị đốt phá, nhưng sau đó lại được Nhân dân địa phương sửa chữa, trùng tu. Theo những người lớn tuổi ở địa phương, để giữ gìn được nguyên vẹn sắc thần, Ban Quản trị đình đã nghĩ ra nhiều cách cất giấu, có lúc sắc thần được cất giấu trên ngọn cây dừa để tránh tai mắt địch. Vào năm 1970, sắc thần được gửi vào chùa Phước Linh, cách ngôi đình khoảng 4 km và được thờ cúng thường xuyên tại điện Ngũ hành. Đến năm 1993, sắc thần mới được rước từ chùa Phước Linh về đình để thờ cúng.

Lễ hội Kỳ yên hằng năm được tổ chức vào ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch. Đây là dịp để người dân trong vùng tập trung về cúng viếng, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Lễ rước sắc thần được tổ chức vào lúc 7 giờ sáng ngày 16 tháng 2 âm lịch, Ban Quản trị đình và các học trò lễ trong lễ phục áo dài khăn đóng, mang theo kiệu cùng với cờ lộng, chiêng, trống, mõ, có sự tham gia của các đoàn bô lão, thanh thiếu niên, người dân địa phương cùng đến nhà người thờ sắc ở cách đình khoảng 2 km để rước sắc thần về đình và tổ chức khán sắc.

Nghi lễ khán sắc được tổ chức rất trang trọng. Sắc thần được người chủ lễ mở ra cùng với Ban Quản trị đình, các quan khách và người dân địa phương cùng xem sắc. Các nghi lễ tiếp theo lễ tế Ông Hổ (lúc 10 giờ), lễ tế Ngũ Công (lúc 11 giờ), lễ tế Thần Nông (lúc 14 giờ), tụng kinh cầu an (lúc 17 giờ) và sau đó là biểu diễn văn nghệ từ 18 giờ đến khuya.

Lễ cúng chính thức được tiến hành vào lúc 22 giờ cùng ngày. Chánh bái cùng vị Phó bái quỳ lạy trước bàn thờ Thần, hai bên có học trò lễ lên xuống để cúng gọi là “Cúng tế Thần Chánh”. Trong quá trình cúng tế, tất cả mọi người cùng học trò lễ phải tuân theo sự hướng dẫn của Ban hương lễ và Ban hương văn của Đình.

Sau đó, theo thứ tự lớn nhỏ trong Ban Quản trị Đình thắp hương trước, đến khách mời cùng bà con trong và ngoài làng đến thắp hương, lúc này nhạc lễ đánh liên tục. Phẩm vật gồm 1 mâm xôi, 1 mâm trái cây, 1 cặp vịt, trầu cau, rượu, trà và 1 con heo trắng trong tư thế nằm phục. Đến 5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 (âm lịch) tiến hành cúng tế các anh hùng liệt sĩ, lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền, tiếp đón khách thập phương và các đình bạn đến dâng hương, đến 14 giờ hoàn mãn đưa sắc thần trở về nơi thờ.

Lễ hội tại Đình được duy trì thường xuyên, liên tục thể hiện tính cộng đồng cao, bà con trong vùng có dịp gần gũi nhau hơn, là cầu nối tâm linh giữa con người với thần linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời cũng là hình thức trao truyền văn hoá truyền thống của dân tộc từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của địa phương đã tồn tại từ hàng trăm năm qua.

Đình thần Tân Lộc đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng mang đậm phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, là bằng chứng của sự hình thành các cộng đồng cư dân nông nghiệp Cà Mau. Để ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hoá của ngôi đình, vào ngày 15/11/2017, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1890 xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Đình thần Tân Lộc.

Trải qua thời gian dài cùng với sự tàn phá của chiến tranh nhưng ngôi đình vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống đặc trưng của đình làng Nam Bộ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý và những câu đối bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng tạo nên ấn tượng về một ngôi đình cổ xưa trên vùng đất mới./.

[*] 7 ngôi đình còn giữ được Sắc phong của vua Tự Đức gồm: Đình thần Thới Bình, Đình thần Tân Thành, Đình thần Tân Nghĩa, Đình thần Tân Lộc, Đình thần An Thành, Đình thần Tân Trạch và Đình thần Tân Bằng

Huỳnh Thăng 

 

 

 

Liên kết hữu ích

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

Trao 500 triệu đồng tạo sinh kế cho người khuyết tật

Sáng nay (24/9), tại Khách sạn Ánh Nguyệt, Doanh nghiệp xã hội Đời Rất Đẹp (DRD) phối hợp với Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tổ chức Lễ trao vốn sinh kế cho 50 người khuyết tật thuộc Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” trên địa bàn tỉnh.

Hạnh phúc từ những điều không hoàn hảo

Dù bị mất một phần cánh tay phải, nhưng anh Trần Ðông Triều (44 tuổi, ngụ ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) vẫn có thể hoàn thành tác phẩm bonsai và giành giải Ðồng trong Hội thi Tay nghề cấp huyện lần thứ I, do Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Năm Căn tổ chức.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

Tăng cường lập lại trật tự đô thị

Thời gian qua, công tác quản lý, sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường tại các điểm chợ trên địa bàn các xã, phường thuộc TP Cà Mau được triển khai quyết liệt, chuyển biến tích cực, hiệu quả nhằm duy trì thường xuyên, trở thành nền nếp và nâng cao nhận thức của người dân. UBND thành phố phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra công tác sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy...

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

Ấm lòng người khó khăn

Những ngày này, đi qua tuyến đường Châu Văn Ðặng, Phường 5, TP Cà Mau, thấy thật ấm lòng khi bắt gặp thêm một địa chỉ giúp đỡ người khó khăn với mô hình “bánh bao treo”.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.