ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 14:45:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Ðợi chờ

Báo Cà Mau (Viết tặng chị Khương Kim Xuyến - Người phụ nữ miền Nam)

Minh hoạ: Minh Tấn

Ở căn phố 14, đường Ðề Thám, Phường 2, TP Cà Mau, có bà chị 78 tuổi, nổi tiếng về tinh thần kiên trung và tình yêu chung thuỷ. Chúng tôi đến thăm chị vì câu chuyện các anh cựu chiến binh kể về chị lôi cuốn như một khối nam châm.

Lời đồn không sai. Chị Ba Xuyến đem trà rót mời khách và khéo léo từ chối cuộc “phỏng vấn” của chúng tôi. Nhưng nhờ mở đề gọn, chị Ba vui vẻ nói chuyện mình thời trẻ mà không ngờ đó chính là tư liệu mà chúng tôi đang cần:

- Năm 1954 cũng gần kết thúc chiến tranh rồi, nhưng bộ đội ta ở chiến trường Bạc Liêu còn hành quân liên tục. Trong những anh em chiến sĩ có một anh tên Nguyễn Phong Văn, điềm đạm, tánh nết đàng hoàng lắm. Anh để ý tôi, năm đó tôi đã 28 tuổi.

- Câu chuyện xảy ra ở đâu chị Ba?

- Ở ngã tư Phó Sinh, gia đình tôi làm ruộng và mua bán lặt vặt, cất một căn nhà lá làm tiệm tạp hoá, chị em tôi sống ở đó, cũng là nơi anh Văn nhìn thấy tôi, rồi cậy mai mối hỏi tôi. Ðại đội trưởng của ảnh là anh Trần Văn Ðối, còn anh là Chính trị viên Ðại đội. Ảnh người Bến Tre, từ phà Rạch Miễu vào không xa lắm, gia đình người chị thứ Năm của ảnh ở đó.

Chị Ba rót nước mời chúng tôi, bàn tay của một bà lão gần 80 tuổi mà vẫn dịu dàng, ngón tay thon thả. Ngày còn trẻ, khi cầm tay từ giã người yêu đi tập kết, bàn tay chị ấm áp đến dường nào.

- Mẹ chiến sĩ là má anh Ðối, sang hỏi tôi cho anh Văn, bảo ảnh lớn hơn tôi 4 tuổi. Nhưng tôi thấy ảnh già, sợ ảnh có vợ con rồi, tôi gạn lại kỹ rồi mới ưng. Nghe tôi đồng ý, ảnh mừng lắm, xin làm đám hỏi rồi mới đi tập kết, ý ảnh là làm vậy cho chắc. Tôi hứa với anh một lời danh dự. Với tôi, lời hứa như vàng ngọc, mưa nắng không mờ phai. Anh cứ yên lòng cùng đồng đội đi tập kết, tôi chờ anh, cho dù không phải 2 năm hay 18 tháng, mà lâu dài hơn cũng chờ.

- Nhưng sao em không chịu làm đám hỏi? Anh Văn hỏi tôi.

 - Vì anh đi rồi, tôi còn ở lại miền Nam, đêm ngày đấu tranh với giặc. Không nên để chúng biết gia đình mình có người đi tập kết, công tác mới thuận lợi hơn - Tôi trầm tĩnh trả lời câu anh hỏi. Thấy anh cảm thông, tôi nói tiếp:

- Có dịp, anh gửi thư về báo tin ngày anh xuống tàu, để tôi và Út (em gái chị Ba) tiễn đưa anh.

Chị Ba Xuyến đang lùi sâu vào kỷ niệm... Cách đây 50 năm chị hãy còn xinh đẹp với gương mặt trái xoan phúc hậu, mắt biếc, đôi mày mịn màng, rực rỡ. Thấy chị có nhan sắc, tánh tình mềm mỏng, nhanh nhẹn, có bao đám đàng trai giàu đem sính lễ đến nói, chị vẫn một mực khước từ. Không hiểu sao chị lại ưng anh Văn...

Câu hỏi giản đơn vậy, mà cho tới bây giờ, sau nửa thế kỷ đợi chờ đến lỡ làng duyên phận, chị trở thành một bà lão cô đơn với đứa con nuôi... chị vẫn chưa tự trả lời được.

- Anh Trần Văn Ðối, người thay mặt đơn vị, cũng là người chuyển thư, khăn tay và ảnh của anh Văn cho tôi trước khi các anh lên đường (những kỷ vật đó giờ không còn, má anh Ðối cũng đã qua đời từ lâu). Chị Ba bần thần lấy những bức thư cũ, mực paker đã phai màu trên giấy vàng ố, rách rã theo lằn xếp. Trong đó chứa bao nhiêu lời dặn dò, thề hẹn đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ để sớm thống nhất nước nhà, cùng nhau sum họp trong niềm vui dân tộc.

Không ai ngờ, những bức thư tình thế hệ trẻ thời tập kết mang nội dung lý tưởng sâu xa và cháy bỏng tình yêu Tổ quốc như vậy. Với những gì anh Văn ghi trong đó, sau khi xa vắng anh, phải sống giữa quân thù, đã trở thành sức mạnh đấu tranh của chị Xuyến. Ðến tuổi 78, già nua, cô quạnh, mà chị còn bảo trọng những vật kỷ niệm, trong đó có tấm ảnh anh Văn bằng ngón tay cái, bay mất chân dung, chỉ còn phía sau mấy chữ “Ðể lại em yêu” lờ mờ với chữ ký tên dành cho một người đọc... làm chúng tôi xúc động, rưng nước mắt. Kết quả mối tình từ thời con gái, sau cuộc chia ly ở cửa sông tập kết, chị Ba Xuyến chỉ còn lại những vật này! Trả lời câu hỏi chúng tôi, chị nói về những ngày ở lại miền Nam:

- Tiễn anh Văn đi rồi, tôi về căn nhà cũ, bán tạp hoá và len lỏi hoạt động ở hội đồng hương chính xã liền vách với nhà tôi, chúng nó bàn tính việc gì tôi nghe rõ, liền báo cáo cho các anh chị biết. Bữa đó, nghe một tên cảnh sát xã nói: “Vãn hát, đi bao bắt đám Việt cộng nằm vùng ở đây”. Hồi đó có gánh hát bội, tụi nó mướn vào hát. Chờ hát xong, nó đi bao bắt gánh y tế của ta ở sau mương lộ (thuộc ấp Phước Trường, xã Phước Long). Vậy là tôi lén mở cửa không cho tụi nó thấy, tôi lội qua mương lộ, bò tới căn cứ bí mật, cho các anh chị hay để rút đi ngay. Tôi trở về, leo lên tới cửa sau, té xỉu vì quá lạnh. Tụi giặc vào sau tôi, thấy cứ không còn ai, chúng chửi thề, khen Việt cộng giỏi như thánh!

Như lời thư người yêu căn dặn, chị Xuyến biến nỗi nhớ thương thành tinh thần công tác. Nhưng chị có yên đâu, thấy chị đẹp quá, tên M, Chủ tịch Hội đồng Hương chính xã si mê, đeo sát chị ngày đêm. Nó bảo chị làm vợ bé cho nó, chị sẽ có tất cả. Chị trả lời với nó:

- Ông chủ tịch kêu vợ ông lại đây nói cưới tôi đàng hoàng thì tôi ưng.

Chị biết tên M háo sắc này làm gì dám kêu vợ nó đến. Nó bí lối, song vẫn bám theo chị. Một tối nó rủ thằng trung uý Biết đến nhà chị kêu cửa: “Cô Ba ơi cô Ba. Cô bán tôi gói thuốc”. Tôi biết rõ chúng muốn gì. Tôi cài chặt cửa, bắc ghế leo lên quăng hai gói thuốc ra ngoài, nhè trúng đầu tên trung uý Biết. Nó chửi thề và gầm gừ như con cọp bị thương. Nó chửi thằng M: "ÐM! Vậy mà nói nó chịu rồi".

Chị Ba nói tới đây, nhìn chúng tôi, cười đắc thắng như chuyện mới xảy ra. Ðôi mắt chị ánh lên niềm vui trong trẻo. Những lúc đó, chị yêu anh Văn đến khôn cùng. Thằng M và tên trung úy Biết làm gì chiếm được chị. Chị táng hai gói thuốc vào đầu nó như chơi...

- Tên Biết gầm gừ rồi đi, thằng M vào cơ quan xã của nó, ở sát vách tôi, kêu tên tôi, đập bàn đập ghế chửi mắng tôi làm bà gì mà dám khinh thường nó... “Gia đình cô là Việt cộng, cô có quan hệ Việt cộng, tôi nắm hết trong tay, coi chừng tôi nghen”. Nó hăm he đủ điều. Tôi bên này vách giả bộ sợ, năn nỉ nó cho qua cơn... Rồi sau đó còn tên phó quận tên Liêm ở Chắc Băng, gửi thư kêu tôi lên ngay, vì có đơn tố cáo anh Mười Vị và cậu tôi (hai người rinh thùng thăm bầu quốc hội chế độ Diệm quăng xuống sông, bị bắt) là Việt cộng, kêu tôi lên lãnh. Tôi lại phải tìm cách đối phó... Tôi viết cho ông ta một bức thư, nhờ ông xét thả những người vô tội và từ chối gặp ngay, hẹn khi khác...

Là một cô gái có nhan sắc, chị Ba phải ngoan cường lắm mới giữ tròn chung thuỷ với người yêu, để buổi tiễn đưa nhau ở bến Sông Ðốc còn mãi là kỷ niệm tươi đẹp, nơi anh bước lên tàu, nhìn lại chị, vẫy tay. Nhưng rồi đất nước chia cắt lâu dài, dù vẫn yêu người vợ chưa cưới ở miền Nam khói lửa, anh vẫn phải lập gia đình ở ngoài ấy.

Giọng chị bỗng chùng xuống, xa xăm:

- Khi tôi biết chuyện này cũng có buồn. Ðó là năm tôi 50 tuổi, có nhiều bạn trai muốn kết đôi vì cũng lỡ làng như tôi nhưng tôi quyết định ở vậy với đứa con nuôi. Tôi coi anh Văn như người bạn tốt, vì hoàn cảnh thôi. Còn tôi, tôi sống trọn lời hứa, sống với kỷ niệm cho đến cuối đời mình. Như mấy cậu thấy đó, tôi đã thành bà lão 78 tuổi rồi còn gì.

Chị Ba Xuyến lại nhìn chúng tôi, đứa nào cũng rưng nước mắt, kính mến một tấm lòng son sắt “thiết thạch thuỷ chung”. Sau này chị có gặp anh Văn một đôi lần, không phải để bắt đền cuộc đời mình hay hờn trách, mà để an ủi anh, đừng ái ngại gì... Ðứa con nuôi giúp chị thêm nghị lực, bởi nó mang họ anh, nhờ nó mà chị thêm can đảm, thêm lý lẽ để vượt hết thảy cạm bẫy quân thù, giữ cho mình trong suốt như một tấm gương...

 

Nguyễn Bá

 

Miền nhớ thiêng liêng

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra trang trọng, ý nghĩa trên đất Cà Mau. Ngược miền ký ức, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam như được sống lại giai đoạn thiêng liêng của cuộc chuyển quân lịch sử. Họ gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào, bao câu chuyện về những ngày chiến đấu, lao động, học tập nối mạch ùa về...

Ðại tá từ du kích

Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.