Cà Mau không chỉ được biết đến như một địa danh thiêng liêng gắn liền với vị trí địa lý nơi cực Nam Tổ quốc, mà còn là vùng đất trù phú, hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế bền vững. Trong suốt 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, Cà Mau đã không ngừng chuyển mình, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt, với 3 mặt giáp biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn thứ hai cả nước và vùng biển rộng hơn 71.000 km². Ðây là lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển, thuỷ sản, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái. Không chỉ có nguồn lợi thuỷ hải sản dồi dào, đất đai rộng lớn phù hợp cho nông nghiệp công nghệ cao, Cà Mau còn là tỉnh hiếm hoi có tiềm năng phát triển đồng thời cả điện gió, điện mặt trời và điện khí LNG.
Những năm gần đây, tỉnh đã ghi nhận sự gia tăng rõ rệt về số lượng và quy mô các dự án đầu tư. Các dự án trọng điểm như: Nhà máy Ðiện khí LNG Cà Mau, cụm trang trại điện gió ven biển ở Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, hay vùng nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế địa phương.
"Tỉnh Cà Mau không có nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông như các địa phương khác, nhưng có những tiềm năng rất riêng biệt. Ðiều quan trọng là biết khai thác hiệu quả và có chính sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư chiến lược", ông Ngô Văn Huynh, Phó giám đốc Sở Tài chính, nhận định.
Tổ hợp Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau - Ðiểm nhấn trong chiến lược phát triển công nghiệp xanh và bền vững của tỉnh và cả nước.
Ðồng hành cùng doanh nghiệp
Nhằm phát huy thế mạnh và thu hút nguồn lực phát triển, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, đồng thời liên tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng.
Ông Ngô Văn Huynh cho biết, tỉnh xác định rõ tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp là cốt lõi trong chính sách mời gọi đầu tư. Doanh nghiệp không chỉ là nhà đầu tư, mà còn là đối tác, là lực lượng đồng hành cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Cà Mau luôn chủ động lắng nghe, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng, hiệu quả. Tỉnh đang thực hiện hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và thủ tục hành chính. Cụ thể, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng mức 10-17% trong thời gian ưu đãi, miễn 2-4 năm, giảm 50% trong các năm tiếp theo, tuỳ lĩnh vực và địa bàn đầu tư. Miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư như năng lượng sạch, chế biến thuỷ sản, du lịch sinh thái. Áp dụng mô hình một cửa liên thông, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đầu tư từ 30 ngày xuống còn dưới 15 ngày làm việc.
Theo thống kê của Sở Tài chính, đến nay, toàn tỉnh có hơn 320 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là các dự án thuộc các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, thuỷ sản và nông nghiệp công nghệ cao...
Ông Ngô Văn Huynh nhận định, Cà Mau là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về điện gió trên biển, với hàng chục dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Ðối với thuỷ sản và nông nghiệp công nghệ cao, đã có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chuỗi nuôi - chế biến - xuất khẩu tôm công nghệ cao, mang lại giá trị xuất khẩu bền vững. Hay về du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, với những điểm đến nổi bật như: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, rừng U Minh Hạ, đầm Thị Tường, tỉnh đang kêu gọi đầu tư các khu du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên.
“Chúng tôi không chỉ thu hút vốn, mà còn hướng đến thu hút các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, có năng lực tài chính và công nghệ để cùng Cà Mau phát triển theo hướng xanh, bền vững,” ông Huynh nhấn mạnh.
Tỉnh Cà Mau đang kêu gọi đầu tư các khu du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên.
Ðột phá hạ tầng - mở rộng kết nối
Nhận thức rõ vai trò của hạ tầng trong thu hút đầu tư, những năm gần đây, Cà Mau đã và đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua Hậu Giang - Bạc Liêu - Cà Mau) giúp rút ngắn thời gian kết nối từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau; Sân bay Cà Mau đang được nâng cấp thành sân bay cấp 4C, hướng đến mở thêm đường bay quốc tế trong tương lai; Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai và cảng Năm Căn được quy hoạch hiện đại, phục vụ vận tải hàng hoá và hành khách đường biển.
Sự hoàn thiện về hạ tầng không chỉ giúp Cà Mau tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, thúc đẩy liên kết vùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Ðền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ Âu Cơ ở Khu Du lịch Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển).
Hướng đến năm 2030 và xa hơn là tầm nhìn đến năm 2045, Cà Mau định hướng trở thành địa phương phát triển năng động, có nền kinh tế xanh, công nghiệp sạch, dịch vụ - du lịch chất lượng cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại. Trong đó, đầu tư tư nhân được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.
“Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động kêu gọi và xúc tiến đầu tư theo hướng có chọn lọc, lấy hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí,” ông Huynh khẳng định.
Trong không khí cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tỉnh Cà Mau không chỉ tự hào về những thành tựu đã đạt được mà còn khẳng định quyết tâm đổi mới sáng tạo trong công tác điều hành, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Từ vùng đất từng được xem là xa xôi, heo hút, Cà Mau hôm nay đã và đang vươn lên trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực. Với chiến lược phát triển rõ ràng, môi trường đầu tư minh bạch, cơ chế hỗ trợ linh hoạt và sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền, Cà Mau đang từng bước tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, đưa vùng Ðất Mũi cất cánh trong thời kỳ hội nhập.
Hồng Phượng