Đội Thông tin Văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau là đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau. Mặc dù hạn chế về kinh phí, diễn viên chưa qua trường lớp đào tạo còn rất nhiều, thế nhưng 26 cán bộ, diễn viên, nhạc công của đội luôn hăng say tập dượt, rèn luyện kỹ năng về hát - múa - kịch, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Năm 2014, chi bộ, công đoàn, chi đoàn của đội hoàn thành tốt nhiệm vụ, đội tổ chức lưu diễn được 42 cuộc với 62 đêm diễn phục vụ đồng bào dân tộc trong tỉnh, hơn 62.000 lượt người xem, đạt 104% kế hoạch năm 2014.
Đội Thông tin Văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau là đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau. Mặc dù hạn chế về kinh phí, diễn viên chưa qua trường lớp đào tạo còn rất nhiều, thế nhưng 26 cán bộ, diễn viên, nhạc công của đội luôn hăng say tập dượt, rèn luyện kỹ năng về hát - múa - kịch, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Năm 2014, chi bộ, công đoàn, chi đoàn của đội hoàn thành tốt nhiệm vụ, đội tổ chức lưu diễn được 42 cuộc với 62 đêm diễn phục vụ đồng bào dân tộc trong tỉnh, hơn 62.000 lượt người xem, đạt 104% kế hoạch năm 2014.
Đội đã xây dựng 10 chương trình ca - múa - kịch tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ các lễ, Tết ChôlChnamThmây, Lễ Sen Ðolta, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; các chương trình ca - múa - kịch thu trên Ðài Truyền hình Cần Thơ; chương trình ca múa tổng hợp tiếp đón đoàn khách quốc tế (tỉnh Koh Kong - Campuchia) sang thăm chúc Tết tỉnh Cà Mau; chương trình phối hợp tuyên truyền về biển, đảo với chủ đề “Nghĩa tình Trường Sa - Hoàng Sa”; chương trình tham dự Liên hoan Văn hoá, Thể thao, Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ Lần thứ VI/2014 tại tỉnh Hậu Giang, đoạt 1 giải Nhất, 4 giải Nhì và 1 giải Ba.
![]() |
Múa gáo dừa. Ảnh: TRẦM NGHĨ |
Ðể đạt được những thành tích chung đó, không thể không nhắc đến vai trò của anh Nguyễn Văn Tri (Ðội trưởng Ðội Thông tin Văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau), người có công rất lớn trong việc đi khắp nơi trong tỉnh tìm kiếm tài năng trẻ là con em người dân tộc Khmer. Năm 2014, sáng kiến của anh về “Giải pháp chỉ đạo nghệ thuật cấu trúc và xây dựng chương trình" tham dự Liên hoan Văn hoá, Thể thao, Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ Lần thứ VI/2014 tại tỉnh Hậu Giang, được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao. Ngoài ra, anh còn đạo diễn thành công nhiều chương trình văn nghệ lưu diễn trong tỉnh, được công chúng đón nhận và yêu thích.
Trong công tác phục dựng lại những lễ hội dân gian dân tộc Khmer, anh Hữu Trung (Ðội phó Ðội Thông tin Văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau) luôn được xem là người đầy tâm huyết. Anh đã dày công sưu tầm, nghiên cứu các lễ hội dân gian. Qua đó, anh không chỉ viết lại kịch bản, trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật, dàn dựng chương trình… mà còn tham gia diễn chính trong biểu diễn “Lễ hội đắp núi cát” dự thi tại Liên hoan Văn hoá, Thể thao, Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ Lần thứ VI/2014 và được Hội đồng Nghệ thuật của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá cao. Ngoài ra, anh còn hoàn thành Ðề án Vị trí việc làm của Ðội Thông tin Văn nghệ Khmer và được Hội đồng Thẩm định của tỉnh công nhận; Hội đồng Thẩm định sáng kiến của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận giải pháp, sáng kiến về “Phương pháp nâng cao quản lý hành chính” năm 2014 của anh.
Tuyên truyền, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc Khmer luôn là yếu tố then chốt, thời gian qua, chị Thạch Kim Danh, diễn viên của đội có đóng góp xuất sắc vào điều đó. Năm 2014, chị được công nhận là người có giải pháp, sáng kiến trong “Kỹ năng phương pháp về ca”. Chị đã miệt mài nghiên cứu làm cách nào để nâng cao hiệu quả, đạt chất lượng cao của từng bài ca, đáp ứng yêu cầu thị hiếu người xem, làm sao để tạo được ấn tựợng sâu sắc và cảm xúc khi thưởng thức.
Trong quá trình tập dượt, chị truyền đạt cho các bạn đồng nghiệp phương pháp tập luyện các bài ca, vận dụng như thế nào cho phù hợp để thể hiện các bài ca mang tính nghệ thuật cao nhất. Trong đó, cách lấy hơi, nhả hơi phải đúng theo trường độ ngắn, dài và tiết tấu âm nhạc của bài hát... Từ đó, các diễn viên khi lên sân khấu biểu diễn đều rất tự tin và được nhiều người mến mộ.
Trong 1 chương trình biểu diễn thì việc hoà âm, phối khí là yếu tố thiết yếu để thu hút khán, thính giả. Ðây là công việc đã gắn bó với anh Thạch Duyên từ rất lâu. Anh Thạch Duyên chia sẻ: “Qua nghiên cứu sự phát triển văn hoá, xã hội của tỉnh nhà, tôi đã sáng tác các ca khúc đáp ứng theo nội dung ý nghĩa của từng chủ đề. Từ đó, hoà âm, phối khí cũng phù hợp với các tiết mục nhất định, tuyệt đối không để lai căng, có hoà nhập, phát triển nhưng để không hoà tan. Mỗi khi đội đi biểu diễn, dù là phục vụ hay dự thi, liên hoan thì hầu như tôi đều cố gắng hết sức, đổi lại sau mỗi chương trình đều được nhiều người khen, tôi xem đây là nguồn động viên to lớn để tiếp tục cống hiến cho tình yêu nghệ thuật của mình”.
Ðội Thông tin Văn nghệ Khmer còn nhiều diễn viên hát hay, múa đẹp, sử dụng nhạc cụ dân tộc tài ba… nhưng nói về phong cách biểu diễn gây ấn tượng đối với công chúng nhiều nhất phải kể đến Diễn viên Thạch Sô Khol. Anh tự nghiên cứu, sưu tầm những bài hát mang đậm bản sắc dân tộc, mang giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và đơn giản để tạo điều kiện cho việc thực hiện các động tác biểu diễn phù hợp với chất giọng của mình, làm sao đạt chất lượng cao nhất có thể. Thường xuyên tập dượt, nghiên cứu ý nghĩa của từng bài hát, từng động tác vừa phải thật logic, nhịp nhàng, theo từng giai điệu… làm sao tạo cho mình phong cách biểu diễn riêng nhất, mới nhất, không gây nhàm chán cho người xem. Năm 2014, Ðề tài “Nâng cao kỹ năng phong cách biểu diễn về hát tiếng dân tộc” của anh đã được Hội đồng Thẩm định sáng kiến công nhận.
Thời gian qua, đội luôn được chú trọng công tác đào tạo. Ðội có 2 viên chức học xong Ðại học Văn hoá du lịch và Ðại học Hành chính; 1 Ðại học Kế toán; 3 viên chức tiếp tục học Ðại học Quản lý văn hoá; 1 tuyên truyền viên học Cao học Văn hoá Khmer; 1 viên chức học Trung cấp Biểu diễn sân khấu; mở lớp dạy nhạc lý cơ bản cho 5 nhạc công tại đơn vị...
Trong năm 2015, đội phấn đấu xây dựng và khôi phục lại 8 chương trình ca múa nhạc dân tộc Khmer đi phục vụ thường xuyên. Trong đó, 1 chương trình tham gia Liên hoan Nghệ thuật Dù kê Khmer lần thứ II/2015. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn: múa, nhạc dân tộc, loại hình nghệ thuật Dù kê, tân nhạc Khmer cho thế hệ kế thừa.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Ðội Thông tin Văn nghệ Khmer luôn tự phấn đấu vươn lên, không thuê mướn diễn viên ngoài tỉnh để mong đạt thành tích cao, hy vọng đội sớm trở thành Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau trong thời gian tới./.
Trí Dũng