(CMO) Quyết liệt và đồng bộ trong triển khai thực hiện các giải pháp, kiên quyết trong xử lý vi phạm là những nguyên tắc chủ đạo trong chỉ đạo của tỉnh với mục tiêu không chỉ góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Uỷ ban châu Âu (EC) mà còn hướng tới ngành khai thác hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Xác định khai thác hải sản là một trong những ngành quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, từ đó, tỉnh đã tập trung nâng cấp, hoàn thiện đội tàu khai thác của tỉnh từ công suất cho đến trang thiết bị để vươn khơi. Kể từ khi các chính sách của Chính phủ về phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP có hiệu lực, tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện một cách quyết liệt, bài bản và có hệ thống. Từ đó, nhiều ngư dân đã được hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn vươn khơi, vừa nâng cao hiệu quả khai thác, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Đội tàu khai thác đang tiếp tục được đầu tư để từng bước hiện đại, đủ sức vươn khơi. |
Lực lượng chức năng vừa tiến hành kiểm tra vừa kết hợp tuyên truyền để ngư dân nắm rõ các quy định trong khai thác. |
Với đội tàu khai thác khá hùng hậu hơn 4.943 phương tiện (tàu dưới 12 m 1.892 phương tiện, tàu từ 12-15 m 1.375 phương tiện, tàu từ 15 m trở lên 1.676 phương tiện), hoạt động khai thác hàng năm đóng góp trên 250.000 tấn thuỷ sản các loại cho tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, hoạt động khai thác đã mang về cho tỉnh hơn 119.500 tấn thuỷ sản.
Để nâng cấp đội tàu ngày một hiện đại, tiến tới hiệu quả và bền vững, đặc biệt không còn hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng cho vay 34 tàu (đóng mới 32 tàu, nâng cấp 2 tàu) với tổng vốn vay 357 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã chi hỗ trợ chính sách bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm thân tàu cho 584 phương tiện; hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hoá cho 87 tàu, với tổng số tiền 24,82 tỷ đồng.
Một giải pháp căn cơ khác trong chương trình hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của tỉnh là triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Theo đó, đến nay đã có 1.247 tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Phó chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Toản cho biết, đến thời điểm này huyện đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu có chiều dài thuộc diện bắt buộc. Từ đó, kể từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện không có phương tiện khai thác nào vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam, sở đã và đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chuyên môn tiến hành phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con ngư dân nhận thức đúng về “thẻ vàng” IUU của Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh báo khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm theo quy định của pháp luật.
Không chỉ vậy, thời gian qua các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thuỷ sản, trong đó tập trung các hành vi khai thác thuỷ sản bất hợp pháp để ngư dân nắm rõ. Song song với tuyên truyền là tăng cường kiểm tra, giám sát tàu cá, thuyền viên, thiết bị an toàn tàu cá, vệ sinh thực phẩm, ngư lưới cụ… Qua đó, từng bước tiến tới nghề khai thác bền vững, an toàn và hiệu quả./.
Nguyễn Phú