(CMO) “Dưa leo dễ trồng, ưa ẩm, khả năng chịu hạn tốt, có thể trồng quanh năm. Thời vụ sản xuất cũng rất nhanh, từ ngày xuống giống đến thu hoạch chỉ tầm 1 tháng 5 ngày. Nhà tôi mới trồng 3 vụ, năng suất được lắm! Trung bình mỗi ngày thu hoạch từ 150-200 kg/công đất”, ông Hữu Nhơn, Ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tấm tắc.
Ông Hữu Nhơn cho biết, mỗi năm nhà ông chỉ trồng 1 vụ lúa, nên cậu con trai út thử nghiệm trồng thêm vụ dưa leo trên 1 công đất ruộng. Hiện nay, ruộng dưa đã vào vụ 3 và đang thu hoạch.
Ông Hữu Nhơn (người đứng) hướng dẫn ông Hữu Thol cách khởi động máy tưới tự động cho dưa leo. |
“Trước thời điểm thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19, trung bình mỗi ngày thu hoạch từ 150-200 kg, với giá 1 bao 15 kg từ 170.000-180.000 đồng; nay giá bán cho thương lái tại ruộng giảm nhiều, chỉ từ 80.000-90.000 đồng/bao”, ông Hữu Nhơn tâm tình.
Theo ông, giống và kinh nghiệm trồng dưa leo do con trai út được chia sẻ từ gia đình vợ ở tỉnh Kiên Giang. Vụ đầu tiên phải bỏ nhiều chi phí hơn vì phải đào kênh mương, đầu tư máy tưới, lên giàn bằng trúc, cộng thêm chưa nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng mùa hạn nên gia đình không mấy hài lòng, thu nhập cũng không cao. Tuy nhiên, đến vụ 2, dưa leo được mùa, được giá. Tính cả vụ đạt hơn 40 triệu đồng. Vậy là ông trồng tiếp vụ 3. Theo ông, nếu giá không giảm xuống do ảnh hưởng dịch bệnh, thì vụ này dưa leo thu nhập phải hơn vụ trước, vì mỗi ngày từ 16-17 giờ chiều ông thu hoạch gần 200 kg bán cho lái.
Ông cười: “Dưa leo dễ trồng thiệt nhưng phải “cưng” nó mới được. Vì dưa leo ưa ẩm, mùa hạn này càng phải giữ ẩm nhiều hơn, mỗi ngày tưới 3 lần”.
Cẩn thận hướng dẫn ông bạn Bí thư, kiêm Trưởng Ấp 7 Hữu Thol cách khởi động máy tưới tự động và kinh nghiệm trồng dưa leo, ông Hữu Nhơn cho hay, chiếc máy tưới này được chế từ máy cắt cỏ của người dân địa phương bán lại với giá 3,5 triệu đồng. Dưa leo “thắng” hạn mặn, cho thu nhập khá, nên không chỉ con trai út trồng, mà cậu con trai thứ năm của ông cũng trồng 1 công trên đất ruộng, thu nhập khá tương tự. Vậy là, chỉ 1 chiếc máy có thể làm việc luân phiên 2 công đất ruộng. Nhà này tưới xong thì nhà kia tưới, mỗi ngày 3 lần luân phiên.
Ứng dụng hệ thống tưới tự động, ông Hữu Nhơn tiết kiệm được thời gian, chủ động nước tưới và công sức chăm sóc. |
Nước ở kênh mương do mùa hạn nên nhanh rút, mỗi lần tưới xong ông phải bơm nước ngầm tăng cường. Máy cứ thế tự chạy phun đều nước các gốc dưa leo, chạy đến cuối đoạn kênh sẽ quay trở lại tưới thêm một lần nữa là kết thúc, tiếp tục được chuyển qua đoạn kênh thứ hai.
“Cũng phải thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để kịp thời ứng phó”, ông Hữu Nhơn chia sẻ. Theo ông, mùa hạn mặn thế này, việc mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện môi trường canh tác, nhất là đối với loại cây trồng có khả năng chống chịu khô hạn tốt như dưa leo thay cho cây lúa, sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Đưa tay hái một trái dưa leo đã đến tuổi thu hoạch còn lông tơ và hoa trên đỉnh đầu, ông cho biết: “Dưa leo là món ăn ưa chuộng của mỗi gia đình. So với rau màu, dưa leo ít bị hư hỏng, héo úa nên ít hao phí khi bán ra. Dù cho nắng nóng kéo dài, nhưng nếu được chăm sóc và chủ động nước tưới tiêu là tin tưởng dưa leo cho năng suất đạt từ khá đến cao”.
Ông Hữu Thol có lời khen, ông Hữu Nhơn là người uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, dù tuổi cao (73 tuổi) nhưng rất tâm huyết với mọi hoạt động của địa phương. Nhiều năm liền ông Hữu Nhơn là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương. Ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng bằng khen về phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.
Băng Thanh