(CMO) Thời gian qua, vấn đề nghiên cứu khoa học công nghệ đã góp phần rất lớn vào sản xuất, đời sống thực tiễn của người dân, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc ứng dụng, chuyển giao các nghiên cứu khoa học công nghệ này cho người dân còn hạn chế.
Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Vinh chia sẻ: “Để có một đề tài, dự án khoa học phải mất rất nhiều thời gian xây dựng, phải căn cứ vào chiến lược phát triển, tình hình thực tế của địa phương rồi thông qua hội đồng thẩm định, phê duyệt, toạ đàm... với mục tiêu chung là cùng tháo gỡ khó khăn, bức xúc của ngành, địa phương. Theo đó, đề tài, dự án nào đạt trung bình trở lên sẽ được ứng dụng, nhân rộng vào sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, hiệu quả của việc ứng dụng hiện nay chưa cao”.
Nhiều triển vọng...
Có ai ngờ vùng đất khó như xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, lại đổi thay nhờ áp dụng dự án “Nâng cao năng suất lúa trên đất phèn” năm 2013. Ban đầu chỉ là 1 vụ lúa cấy/năm, khi có ăn, khi thất trắng, vậy mà sau 1 năm triển khai với diện tích 90 ha, 66 hộ tham gia, dự án khoa học này đã mang lại năng suất trên 5 tấn/ha, thậm chí một số khu vực giờ đã làm được lúa 2 vụ.
Hằng năm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Sở KHCN không ngừng nghiên cứu tạo ra nhiều giống cây trồng chất lượng cao. |
Ông Bùi Chí Ngạn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, khoe: “Nhớ năm đó, sau khi dự án kết thúc, bà con trúng mùa, cả khu vực từ đầu đến cuối xóm nhà nhà đều ăn cái Tết rất phấn khởi, đầm ấm. Từ khi áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác, không những nâng cao năng suất mà quan trọng là làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ của người dân. Đặc biệt, hiện nay diện tích này đã được mở rộng lên 440 ha”.
Ông Đoàn Hữu Nghị, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Sở KH&CN, cho biết: “Hiện nay trung tâm đã làm chủ nhiều công nghệ như: chế phẩm sinh học phục vụ nuôi thuỷ sản xử lý môi trường trong nuôi tôm; giống chuối cấy mô, hiện đang thực hiện trên 2 đối tượng chuối xiêm và chuối già Philippines, đã xuất bán 50.000 cây giống, trong năm tới đã ký biên bản thoả thuận 100.000 cây, cá chình, ươm từ cá nhỏ đến cá giống bán cho người dân, sản xuất ra gần như không đủ tiêu thụ; bước đầu thành công cấy mô giống cây keo lai... Đây là những thành công góp phần rất lớn nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân trên địa bàn”.
... nhưng cần giải pháp đồng bộ
Áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao năm 2012 từ nguồn khoa học công nghệ, được hỗ trợ giống, thức ăn và kỹ thuật canh tác, nhưng sau thời gian kết thúc, gia đình chú Bảy Thế (Huỳnh Văn Thế), Ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, chỉ áp dụng một phần kỹ thuật trong quy trình đó. Chú Bảy Thế nhớ lại: “Năm đó, được Nhà nước hỗ trợ canh tác nên thu hoạch năng suất khá, nhưng do đất ít, ao lắng chiếm diện tích nhiều nên gia đình không làm, tôm giống mua cỡ lớn nên cũng không dèo trước khi thả theo quy trình”.
Thật vậy, theo đánh giá chung, đối với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, triển khai 80-90 hộ, chỉ có 10-20% hộ trong số đó đủ điều kiện duy trì 100% kỹ thuật đưa ra, còn khoảng 30-50% chỉ duy trì 50% kỹ thuật, chỉ xử lý nước, không xét nghiệm tôm, không có ao dèo, không nuôi cắt vụ, không tuân thủ quy trình khuyến cáo.
Ngoài ý thức của người dân, cũng phải kể đến yếu tố đầu ra của các dự án, mô hình. Đã qua, mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học ở huyện U Minh cũng rất thành công, nhưng do rớt giá, dù muốn nhưng bà con không thể duy trì, tái đàn được. Hay mô hình nuôi cá lóc ở xã Thới Bình, huyện Thới Bình, năng suất đạt nhưng lại rớt giá.
Ông Đoàn Hữu Nghị thông tin thêm: “Đây là những khó khăn mang tính tập quán sản xuất, bao nhiêu năm nay cũng vậy. Để giải quyết vấn đề này, đã qua, Sở KH&CN đã đổi mới cách phê duyệt đề tài, dự án, bắt buộc trước khi phê duyệt ra hội đồng phải chứng minh được địa chỉ ứng dụng ở đâu, chứ không như trước đây nghiên cứu tràn lan rồi không biết được nơi nào có thể ứng dụng. Đây là tiêu chí ràng buộc trong nội dung dự án"
Hồng Nhung