Những cái tên Ba Đình, Ô Rô, Khai Long, Rạch Thọ… nằm ở chóp cùng phía Nam trên dãy đất liền Tổ quốc Việt Nam. Ở đây là đước rừng mênh mông, triều nước lên xuống cuồn cuộn vì gần kề cửa biển. Vùng đất này cách đây độ trăm năm vẫn còn hoang sơ, dăm người về dựng nhà, lập xóm. Người ở đây nói, “lên chợ huyện”, “lên chợ tỉnh” cũng giống như người xứ thượng vượt bảy đèo, chín suối đến với chợ phiên.
Những cái tên Ba Đình, Ô Rô, Khai Long, Rạch Thọ… nằm ở chóp cùng phía Nam trên dãy đất liền Tổ quốc Việt Nam. Ở đây là đước rừng mênh mông, triều nước lên xuống cuồn cuộn vì gần kề cửa biển. Vùng đất này cách đây độ trăm năm vẫn còn hoang sơ, dăm người về dựng nhà, lập xóm. Người ở đây nói, “lên chợ huyện”, “lên chợ tỉnh” cũng giống như người xứ thượng vượt bảy đèo, chín suối đến với chợ phiên.
Thế nhưng những ngày cận Tết Bính Thân, nhiều người thầm bảo nhau trong sự ngỡ ngàng xúc động: “Bác đã về với Mũi Cà Mau rồi!”. Từ Khai Long đi liền một mạch con đường Hồ Chí Minh, bà con sẽ đến được Thủ đô, ra thăm Lăng Bác. Nhiều “ông già, bà cả” xứ này, mắt đã kèm nhèm nhưng vẫn nguyện: “Chỉ mong sao nhìn được con đường này hoàn thành, cũng đã thoả nguyện lắm rồi”.
Ước mơ tự bao đời
Xẻ dọc những cánh rừng đước, đường Hồ Chí Minh như mạch máu lớn chạy băng băng về phía mũi đất Cà Mau. Đối với người dân sông biển miệt Ngọc Hiển, đây quả thật là một giấc mơ, giấc mơ của biết bao thế hệ. Có ai ngờ rằng Đất Mũi, Khai Long một ngày nào đó lại có một con đường to đẹp như thế. Càng thiêng liêng hơn, con đường đó lại mang tên Bác, Hồ Chí Minh - Biểu tượng tinh thần yêu nước, yêu hoà bình... bất diệt của đất nước Việt Nam. Ngày toàn thắng, dân xứ Mũi rước Bác từ Đền thờ Bác Hồ tại Ông Bọng (một trong những đền thờ Bác đầu tiên tại Cà Mau) lên thị xã Cà Mau trên bè thuỷ lục kết bằng ghe biển, sau đó quay về dựng đền thờ Bác uy nghiêm hơn tại đầu vàm chợ Ông Trang, xã Viên An ngày nay. Tấm lòng của người dân Mũi lúc nào cũng có Bác, cũng hướng về Người bằng tất cả khối óc, trái tim.
Người dân Đất Mũi hân hoan chào đón mùa xuân bên con đường mang tên Bác. Ảnh: THANH DŨNG |
Anh Ngô Minh Toại, Bí thư Đảng uỷ xã Đất Mũi, cho biết: “Sự kiện ngày 16/1, đường Hồ Chí Minh thông xe kỹ thuật về đến Đất Mũi đã tạo ra sự phấn khởi rất lớn trong Nhân dân”. Theo anh Toại: “Khi tuyến đường hoàn thành, đất nước ta sẽ không còn bị chia cắt về mặt giao thông, Ngọc Hiển nói chung, Đất Mũi nói riêng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển trên mọi lĩnh vực”. Hướng đi tới lâu dài của bà con Đất Mũi là phát triển sản xuất, kinh doanh, các dịch vụ gắn liền với lợi thế về rừng, biển và du lịch. Quy hoạch tổng thể về sự phát triển của vùng Mũi Cà Mau cho thấy một khát vọng lớn, biến nơi chóp mũi hoang vu trở thành một khu vực kinh tế có tầm vóc ở cấp độ toàn quốc và quốc tế.
Chú Nguyễn Văn Nhi, Trưởng ấp Khai Long, tay chỉ những con lộ bê-tông nông thôn, mắt xa xăm về ký ức: “Hồi đó hả, chú từ Cần Thơ xuống, 2 ngày sau tính bỏ về nhưng ông anh năn nỉ ở lại làm tiếp công chuyện”. Qua lời chú Nhi mới thấy “cái xứ gì đâu mà buồn, nghèo và khổ cực”. Chú Nhi kể: “Un muỗi tối ngày, dì ruột kêu chú lấy vợ, chú lắc đầu, năm 1983 ở đây có 49 nóc gia, chủ yếu là bà con không hà. Xóm Ba Đình nay thuộc ấp Khai Long giờ đã có gần 250 hộ, điện, đường đã phủ kín gần trọn ấp. Thêm Khu du lịch Khai Long mở ra, người dân ở đây có thêm sinh khí, động lực để gắn bó và vươn lên trên mảnh đất quê hương".
Chú Nhi nói: “Bây giờ so với hồi đó làm sao mà so được, nó khác quá trời mà. Hồi đó người ở đây gặp nhau mà ngao ngán, biết bao giờ mới có điện xài. Rồi có điện. Bà con lại nói, đường nhựa hả? Nằm mơ mấy đời cũng không có. Và rồi đường Hồ Chí Minh về tới, mạch máu lớn mở ra những con đường nhỏ dẫn vào các xóm biển xa xôi”. Trong mùa gió Tết năm nay, bên tách trà, ly rượu hay mâm cơm, ai ai cũng nói về con đường mang tên Bác. Con đường thật lớn, thật dài, ai cũng coi đây là tấm lòng của Đảng, của Nhà nước đối với người dân Đất Mũi. Và còn một điều khác thiêng liêng hơn, con đường như là hiện thân của Bác Hồ về với những thớ đất cực Nam Tổ quốc, về với những đứa con miền biển đời sống còn lắm nỗi gian truân.
Bác về với mũi Cà Mau
Ông Nguyễn Văn Huế, 75 tuổi, bộc bạch: “Mồ mả tổ tiên 4 đời ở đây. Hồi xưa ở xóm này có mấy cái nhà. Bà con sống bằng nghề đóng đáy, dỡ gió”. Ông Út Huế khẳng định: “Bà con ở đây qua 2 cuộc kháng chiến luôn son sắt, thuỷ chung và tuyệt đối không có ai phản bội cách mạng”. Ông nói: “Ngộ lắm, thanh niên mới lớn có khi chưa thấy mặt thằng giặc ra sao nhưng kêu đi đánh giặc là xốc vác, hăng hái. Lúc đó, hình như mới sinh ra là người ta biết yêu nước, thù giặc rồi”. Những năm kháng chiến ác liệt, bà con Khai Long vừa bảo vệ căn cứ, kho tàng, cán bộ vừa chạy giặc giã nên đời sống vô cùng cơ cực. Có khi thiếu gạo, thiếu nước, bà con đành ăn tạm trái mắm lót lòng.
Ông Út Huế cầm ly cà phê mà cảm thán: “Hồi xưa đâu có nước đá mà uống, dầu không có để đốt đèn cóc. Đi thì lội rừng, chèo xuồng. Có mơ cũng không nghĩ bà con mình được sống đủ đầy, tiện nghi như bây giờ”. Ông Út phân tích: “Nội con tôm mình làm ra thôi, đường sá ngon lành, người ta tới nơi mua, tôm tươi thịt ngon thì giá chắc cú sẽ cao hơn”. Ông nói mà như ngán cái “đận hồi xưa”: “Muốn lên Cà Mau trước đi một ngày trời, sau còn gần nửa ngày, mấy trăm ngàn chưa tới. Rồi lên đó đi xe ôm tới lui tốn tiền thấy mồ”. Đường Hồ Chí Minh về tới, đường cấp 6 đồng bằng nối từ Viên An xuống hoàn thành, bà con mặc sức mà đi. Dân Đất Mũi không còn cái cảnh “Cà Mau xa lắm”. Nói đến đoạn này, mắt ông Út như nhoè đi: 'Tôi ngẫm nghĩ hoài câu, "có Bác Hồ đời ta được ấm no"".
Bà Trần Thị Xuân, 86 tuổi, là bậc cao niên nhất vùng này. Bà kể, lúc Giáo Hiển khởi nghĩa Hòn Khoai, bà khoảng 10 tuổi, lúc đó bà ở Rạch Gốc. Năm sau bà về kinh Ô Rô, giáp bãi Khai Long này. Sức con gái vùng biển mới lớn, bà trồng rẫy, làm đáy, bắt cua, ốc. Bà nói, tôm thì làm tôm khô bán. Cá cũng làm khô. Một mình bà phơi 50 sào cá khô khoai một ngày. Kinh Ô Rô ngày đó phải chèo bằng một cây vì nhỏ, đước mắm vướng víu. Ngó mỏi cổ cũng không thấy cái nhà. Bà nhớ như in: “Nơi đây đồng chí Lê Duẩn cũng từng về hoạt động bí mật”. Sau đó bà tham gia cách mạng, làm “chị nuôi” cho các đơn vị thuộc Quân khu 9. Bà tâm sự: “Ai nghĩ sao thì mình không biết, chớ quê mình mình về”. Ở tuổi này, hằng ngày bà vẫn ra bãi Khai Long, ngắm sự đổi thay của quê hương mình. Bà mơ ước rằng: “Mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, cô tới thăm rồi, khi con đường Hồ Chí Minh hoàn thành, cô sẽ đi xe ra Thủ đô, đến viếng Lăng Bác”.
Cầu Năm Căn bắc ngang sông Cửa Lớn là cây cầu cuối cùng, cơ bản nối liền dãy đất hình chữ S từ Móng Cái đến Mũi Cà Mau. Ảnh: TRƯƠNG HOÀNG THÊM |
Chồng của bà Xuân, ông Nguyễn Văn Giác, từng là lính chủ lực của Khu 9, bị thương năm 1949, thương binh hạng 4/4, dẫu sức khoẻ rất yếu cũng góp lời: “Tôi người Đồng Tháp, bởi vậy bà nhà mới tới viếng được mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc”. Trong hơi thở đứt quãng, ông nói: “Tôi như đang mơ, mong sao đường nhanh hoàn thành để tôi xem một lần thôi cho thoả dạ”. Nhà của ông Giác, bà Xuân cách con đường lớn đâu chừng cây số, ngày ngày nhìn những máy móc công trình, vật liệu xây dựng tấp nập đổ về, ông bà thêm tin chắc rằng một ngày không xa “Khai Long sẽ giàu đẹp, bà con ai cũng được sống sung sướng”. Bởi một lẽ rất giản dị mà cả ông và bà đều nhắc tới “người dân ở đây yêu nước dữ lắm”.
Sống ngay cạnh đường Hồ Chí Minh, gia đình anh Trương Chiến Thắng đã mở được một tiệm buôn bán nhỏ phục vụ anh em công trình. Vợ anh Thắng than: “Con đường chạy qua rất mừng, nhưng trước mắt vuông bọng tạm ngưng xổ, cũng lo”. Chú Nhi xua tay: “Mấy đứa mai mốt mở ra cơ sở làm ăn, tính toán để làm các dịch vụ du lịch này nọ. Ở cạnh con đường lớn nhiều người mơ mà còn lo gì”. Quả thật, với bà con xứ Mũi, con đường Hồ Chí Minh là một sự kiện náo nức lòng người. Vậy là Bác đã về với Đất Mũi Cà Mau (!)./.
Bút ký của Phạm Nguyên