Vụ lúa hè thu này, giá lúa tăng cao, nên vừa thu hoạch lúa xong, nhiều nông dân vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời không tuân thủ lịch thời vụ, gieo sạ lại vụ 2 (vụ thu đông), làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh.
Các năm trước đây, sau khi thu hoạch trà lúa hè thu, nông dân tiến hành bừa, trục đồng ruộng, bỏ đất nghỉ ngơi khoảng 1 tháng để rơm, rạ phân huỷ, phục hồi dinh dưỡng cho đất và tiêu diệt mầm bệnh lưu truyền trong đất. Còn năm nay, với mong muốn tranh thủ giá lúa đang tăng cao, nhiều bà con nông dân bắt tay ngay vào cải tạo đất, xuống giống vụ 2 để thu hoạch vào tháng 10 âm lịch, và kịp giao sạ vụ lúa đông xuân (vụ 3).
Ông Nguyễn Văn Lân, ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Ở khu vực này, ai cũng sạ, nhà tôi sạ hơn 1,3 ha, hiện lúa được hơn 20 ngày tuổi. Lúa đang phát triển tốt, tuy nhiên, mưa nhiều, phải bơm tát nước thường xuyên".
“Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên người dân trong khu vực sạ vụ này. Chính quyền địa phương cũng không có chủ trương. Nhưng giá lúa đang tăng cao, làm thử để rút kinh nghiệm. Vụ này nếu chủ động được nguồn nước, ít sâu bệnh, lúa không đỗ ngã thì chắc năng suất cũng cao”, ông Lân giải thích.
Ngay sau khi thu hoạch trà lúa hè thu, nhiều nông dân huyện Trần Văn Thời bắt tay sạ vụ 2, để thu hoạch vào tháng 10 âm lịch và để sau đó tiếp tục gieo sạ vụ 3.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, nông dân nên vệ sinh đồng ruộng thật kỹ và bón các hoạt chất dinh dưỡng để trả lại chất hữu cơ cho đất. Quan trọng hơn hết, phải đảm bảo thời gian cách ly giữa mỗi vụ hơn 1 tháng để tiêu diệt mầm bệnh lưu truyền. Mặc dù nắm rất rõ điều này, thế nhưng nhiều nông dân vẫn “phớt lờ” vì chạy theo giá lúa. Họ đẩy nhanh quá trình xử lý, cải tạo đất ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, theo đó, tính từ ngày cắt đến khi xuống giống chưa đến 10 ngày, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước thực trạng nông dân bất chấp rủi ro, xuống giống trái vụ, ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời cho biết: "Dù đã tuyên truyền, vận động cắt vụ nhưng vẫn có một số diện tích được nông dân xuống giống. Theo thống kê sơ bộ, bà con mới xuống giống khoảng 10 ha. Giải pháp của huyện là tiếp tục tuyên truyền, vận động, chứ hiện không có biện pháp, chế tài nào đối với hộ sản xuất".
Gieo sạ lúa trái vụ thời điểm mưa nhiều, việc bơm tát nước phải thực hiện thường xuyên, từ đó gia tăng chí phí.
Ông Dương Minh Sang, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Địa phương thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa từng vụ mùa đến với bà con nông dân. Tuy nhiên, năm nay, giá lúa tăng cao, bà con gieo sạ sớm so với hàng năm khoảng 1 tháng".
Theo ông Sang, tuy địa phương không có chủ trương và không có chế tài xử lý. Tuy nhiên, khi gieo sạ không theo khung lịch thời vụ và cơ cấu giống, khi gặp thiên tai, dịch bệnh, Nhà nước không hỗ trợ chi phí khôi phục sản xuất.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mức độ xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 sẽ tương đương với năm 2015-2016 hoặc có thể như năm 2019-2020. Tổng lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%, trong tháng 10 lượng mưa sẽ giảm dần. Mùa mưa sẽ kết thúc vào nửa cuối tháng 10/2023 và không có mưa trái mùa như những năm trước. Do đó, xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn. Nếu gieo sạ vụ lúa thu đông thời điểm này thì cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch mới thu hoạch. Khi đó, vụ lúa đông xuân - vụ lúa có năng suất cao nhất trong năm - có nguy cơ bị thiếu nước vào cuối vụ.
"Trúng mùa, được giá" là điều mấy lâu nay người nông dân luôn mong mỏi, song người dân nên tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn, không nên vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng đến vụ lúa chính trong năm - vụ đông xuân khi hạn mặn có khả năng đến sớm, có thể gây thiệt hại cho chính người trồng lúa./.
Trung Đỉnh