ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 02:33:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Gió Tết ở bến sông

Báo Cà Mau Nhà nó và tôi cách nhau một bến sông. Những doi, vàm của con sông Mương Ðiều uốn lượn trong màu xanh ngút ngàn dừa nước. Nó là con gái mà mình đen thùi lùi, suốt ngày cùng mấy đứa nhỏ trong xóm lặn ngụp dưới nước. Má tôi nói, nó cốt con trai, đầu thai lộn nên mới tóc ngắn, ăn nói rổn rảng và lặn như nhái. Ba tôi và ba nó là bạn chiến đấu, không biết từ hồi nào đã hứa với nhau là sau này ráp chúng tôi vô thành một cặp.

Nhà nó và tôi cách nhau một bến sông. Những doi, vàm của con sông Mương Ðiều uốn lượn trong màu xanh ngút ngàn dừa nước. Nó là con gái mà mình đen thùi lùi, suốt ngày cùng mấy đứa nhỏ trong xóm lặn ngụp dưới nước. Má tôi nói, nó cốt con trai, đầu thai lộn nên mới tóc ngắn, ăn nói rổn rảng và lặn như nhái. Ba tôi và ba nó là bạn chiến đấu, không biết từ hồi nào đã hứa với nhau là sau này ráp chúng tôi vô thành một cặp. Tính tôi hay mắc cỡ, không thích giăng nắng, tắm sông. Trời sinh ra cho tôi và nó khắc khẩu, gặp nhau chưa nói được ba câu là chửi lộn.

- Xì, con trai gì yếu xìu như con gái.

- Hứ, con gái gì mà xấu quá trời quá đất, nói chuyện vô duyên nữa, ai mà thèm.

Bà nội tôi bỏm bẻm nhai trầu, cười:

- Vậy đó sau này ghét của nào, trời trao của đó à.

Minh hoạ: HOÀNG VŨ

Nó tên Bé Hai, cái tên cũng ngồ ngộ. Ðược cái Bé Hai thảo ăn lắm, bên nhà có gì cũng đem qua cho nhà tôi. Có bữa nó chạy bổ vô nhà, quăng rổ cá đối con bự cỡ cùm tay rồi ù té chạy. Má tôi chỉ kịp quẳng theo một câu:

- Coi chừng té…

Sau đó thấy nó lóp ngóp bò lên, hai tay vò vò đầu gối rồi chạy tiếp. Thấy tôi lắc đầu, má nói:

- Mấy đứa vậy chớ tốt lắm con…

Bà nội tôi rất hay kể chuyện, những chuyện từ năm nẳm năm nao, xa lơ xa lắc nhưng nghe cuốn hút lắm. Tôi và Bé Hai chỉ giống nhau một điểm là thích nghe chuyện của bà kể mỗi khi chiều xuống. Bà nội tôi đã ngoài 80, cái tuổi đôi lúc nhớ nhớ, quên quên, chuyện này kể qua chuyện kia, nhưng khi ráp lại thì vẫn là một câu chuyện hoàn chỉnh. Những điều bà kể tôi tin là có thật, nhưng nó lâu quá rồi khiến người ta nghĩ là chuyện nói dóc.

Bà kể xứ Mương Ðiều ngày xưa cọp um, chồn gáy. Bà nói, chồn gáy không kêu te te như gà mà vang động lau sậy, làm rung chuyển cả rừng dừa nước. Còn mỗi khi cọp um, con nít không dám khóc, người làm đồng kiếm cây nào cao nhất leo tọt trên đó ngồi. Người ta sợ, không dám kêu trúng tên, chỉ gọi là ông Ba Mươi, ông Kẹ. Có lần, bà nội nuôi được con heo nái đẻ một lứa 20 con heo sữa, ông Kẹ về dẫn con heo mẹ đi trước, heo con sắp hàng theo sau, đi qua cây cầu khỉ sau mé vườn rồi mất hút trong đám rừng chồi.

Bà kể, ở nhà có chú Bảy lặn giỏi nhất xóm, một hơi thấu sông vàm Mương Ðiều. Nhưng có một lần, chú lặn xuống rồi không nổi lên nữa. Ðến chiều tối, khi vớt được chú lên thì mình mẩy trơn nhớt, bà Cà Huôl ở xóm quả quyết là ma da bắt chú đi. Ba tôi một lần đi phát rồi công về tối, tự nhiên thấy nhà chú Sáu làm tiệc đãi bánh ít, bánh in gõ, xôi gà, ba tôi ăn no cành hông. Lúc ở nhà đỏ đuốc đi kiếm ba thì thấy ông trên cái gò mả lạn, miệng ú ớ ngậm đầy sình. Bà nội tôi nói, đó là ma dẫn.

Ông nội tôi về xóm Mương Ðiều cùng với mấy nóc gia khác, khai khẩn đất rừng hoang, kiến vàng, kiến lửa cắn lở mình, cấy lúa phải cấy bằng phảng, cây lúa cao hai thước, bông dài một tấc, mỗi bông được cỡ 10 hột lúa. Những năm đói kém, ông bà nội chèo xuồng xuống vàm Xẻo Lá bắt cua, ba khía đi bán. Chèo hai ngày hai đêm mới thấu, gặp nước ngược chèo giữa sông Năm Căn nửa ngày, chiếc ghe còn y nguyên chỗ cũ. Có lần gió Tết, ghe chổng ngược cắm đầu xuống nước, ông nội tôi dìu bà nội vô bờ, tiếc của quay lại mò ghe thì thấy chiếc ghe đã chui tọt trong hang cá mú ở Tắc Năm Căn.

Những chuyện bà kể làm cho tôi và Bé Hai le lưỡi trợn mắt. Tôi đã nhiều lần tự hỏi, những nhánh sông, những dòng nước bắt đầu từ đâu, chảy về đâu, ở đâu là khởi đầu và ở đâu là kết thúc. Tại sao ai lớn lên cũng phải già, tại sao người lớn hay nói làm người khổ lắm. Tôi muốn mau lớn để đi ra ngoài kia, nơi cuộc sống mênh mông, nơi tôi không biết rõ có điều gì nhưng lòng luôn háo hức, ước ao. Bé Hai thì nghĩ khác, nó thích làm con nít hoài, được làm gì tuỳ thích, nó nghe nói lớn lên sẽ khổ nên sợ lắm. Nó tuyên bố, hễ sau này tôi lớn thì cứ mặc kệ, nó sẽ là con nít hoài cho sướng.

Bữa nọ, ba tôi kêu chèo xuồng qua sông đong rượu đãi chú Sáu về chơi. Dòng sông Mương Ðiều ngày cận Tết gió thổi lồng lộng, tôi cũng chẳng gấp làm gì. Mải mê với những con gió trên cao, gió luồn xuống rừng dừa nước kêu xào xạc, đuổi những con sóng nhỏ trên mặt nước chạy tung tăng. Má tôi nói, gió Tết là con nít mau lớn, người lớn mau già. Nhưng tôi lại thấy, mỗi mùa gió Tết về, đầu óc mình thảnh thơi hơn, rộng lớn hơn và nhìn cái gì cũng dìu dịu đáng yêu. Tôi đâu hay Bé Hai cũng bơi xuồng đi ngược lại, thấy tôi tha thẩn, Bé Hai cắc cớ đâm sầm vô chiếc xuồng của tôi. Tôi và nó lộn cổ xuống nước. Chẳng hiểu sao giò cẳng tôi cứng cóng, tôi trồi lên trồi xuống chới với, một màu vàng sẫm, mịt mờ vây lấy, rồi tôi như chìm vào khoảng không im lặng tuyệt đối. Mọi thứ đều tĩnh mịch. Lúc hé mắt ra, tôi thấy người bu lại đông lắm. Bé Hai được đặt trên cái khạp da bò lăn đi, lăn lại, ba nó vác sấp nó lên vai chạy lòng vòng. Nó ọi ra mấy cái khan, nước ứa qua mép, tôi nghe lờ mờ.

- Sống rồi, sống hết rồi…

Thì ra là Bé Hai đã cứu tôi. Lúc đẩy được tôi vô cặp mé, Bé Hai đuối sức và rũ rượi để dòng nước cuốn ra phía giữa sông. May là có người đi qua thấy hô hoán xuống vớt chúng tôi lên. Ba Bé Hai ôm nó về nhà. Tôi cũng được Ba cõng về, mặt mày xanh mét, cắt không còn hột máu.

Chẳng hiểu sao kể từ lúc đó, Bé Hai có ý tránh tôi. Còn tôi cũng dần quên lần chết hụt và thích thú với những suy nghĩ mải miết của mình. Bà nội tôi nói, đàn ông sống mơ mộng quá không tốt. Phải mạnh mẽ, rắn rỏi để sau này làm chỗ dựa cho vợ con. Tôi thì mặc kệ, tôi thấy những suy nghĩ thật sự nhiệm màu, như những con nước trên sông, luôn tới được những miền đất mới, những giới hạn xa lạ mà không ai đoán định được.

Tôi vào cấp ba, ra trường huyện học. Chuyến đi xa đầu tiên làm tôi chộn rộn trong lòng. Phố huyện có đèn sáng trưng, đường sá láng bóng, rộng thênh thang, ai cũng ăn mặc đẹp. Con đò tì tạch chạy đưa tôi xuyên qua những doi, vàm của con sông Mương Ðiều, qua bến sông nhà Bé Hai. Tôi chợt khựng người, Bé Hai nhỏ xíu, lấp ló qua những kẽ hở lá dừa nước, mờ ảo trong ánh sáng nhập nhoạng buổi sớm. Tôi có nghe Bé Hai nghỉ học, ở nhà học may. Ý nghĩ ái ngại của tôi cũng qua nhanh, ờ thì mình thích học, Bé Hai thì thích học may, được làm điều mình muốn thì có gì buồn. Từ hôm đó, thỉnh thoảng tôi mới về quê, vì nếu có nghỉ hè cũng phải ở lại ôn học. Bài vở, cuộc sống mới, bạn bè mới, những mùa thi thức trắng… cứ thế tôi vào năm cuối cấp. Lần về trước khi đi thi tú tài, tôi gặp lại Bé Hai. Mới có mấy năm mà Bé Hai khác nhiều quá. Mái tóc dài, đen mượt để lộ cặp mắt to tròn, nước da không trắng nhưng mặn mòi mạnh khoẻ. Bé Hai đi vô nhà khép nép, đuôi mắt bẽn lẽn như nửa muốn nhìn, nửa lại ngó lơ chỗ tôi đứng. Bà nội tôi bệnh nhiều. Má nói, bữa nào Bé Hai cũng qua từ sớm để bửa củi, xách nước đổ vô khạp, kiếm mớ cá, rổ rau, chục trứng để tẩm bổ cho bà nội.

Biết tôi về, bà nội kêu:

- Thằng Hai, thấy Bé Hai lớn có đẹp không? Bà nội mà có cháu dâu như vậy là nhứt xứ Ba Xuyên đó nghen.

Má tôi cũng nói:

- Bé Hai giỏi giang ở xóm không ai bằng…

Ba tôi và ba Bé Hai là bạn chiến đấu, thương nhau còn hơn anh em ruột. Biết nhà tôi neo người, nên ông cũng cho Bé Hai qua ở nhà miết. Giờ tôi mới nhận ra mình cảm phục Bé Hai. Mẹ mất sớm, lanh lẹ, siêng năng từ lúc mới lọt lòng. Không như tôi cái gì cũng có ba má, cái gì cũng được bao bọc, chu cấp. Mấy năm gặp lại, cái kiểu nói chuyện khắc khẩu ngày xưa cũng không còn, tôi chẳng biết mở lời thế nào, Bé Hai cũng ngại ngần. Mà cũng thiệt ngộ, làm như bây giờ hai đứa không có chuyện gì để nói. Sượng sùng. Dè dặt. Buổi chiều rớt nhanh ngoài biền dừa nước. Bóng Bé Hai thấp thoáng đi về, ánh mắt khắc khoải của tôi như kéo dài thêm cơn gió chiều xao động…

Tôi lại lao vào những kỳ thi, những chuyến đi và nhiều ước ao mới. Tôi ra thành phố học đại học. Lâu dần bến sông cũ, hình ảnh cô gái nhỏ quê nhà cũng nhạt nhoà. Tôi có biết bao nhiêu mối quan hệ mới, những cô bạn mới. Thành phố nhiều xe, xe chạy làm sạt lở những ý nghĩ viễn vông mơ mộng, cuốn người ta vào guồng quay hối hả. Năm học đại học thứ nhất, tôi về nghỉ mấy tuần hè, nhận được thiệp Bé Hai gởi. Chồng Bé Hai là thằng Toàn ở cùng xóm với tôi. Ờ thì chúc mừng em. Bé Hai vẫn qua nhà chăm sóc nội, má tôi ngồi lầm bầm:

- Biết kiếm đâu đứa giỏi giang như vậy…

Tôi nói với má, thôi duyên số ai mà biết được. Bé Hai cũng không còn bối rối, nhìn tôi tin cậy như ánh mắt của đứa em gái với người anh trai. Con gái có lứa có thì, Bé Hai kiếm được người thương yêu, thành gia lập thất, đó là điều đáng mừng chớ sao. Nhưng nói thì nói vậy, đâu đó trong lòng tôi vẫn nhoi nhói tiếc nuối. Ngoài sông, con nước chớm lớn. Mấy con cá thòi lòi ngoi lên khỏi hang nhảy tanh tách trên mặt nước. Dòng sông Mương Ðiều bình yên lắng nghe biền dừa nước trỗi khúc nhạc quê. Lòng tôi thật sự cầu chúc em hạnh phúc.

Ðám cưới quê thật vui. Cánh thanh niên chuẩn bị cà bắp, trái đủng đỉnh, chặt chuối cây, bẻ đọt dừa non làm rạp. Nhà gái huy động xoong, nồi, ván, lẩu giáp xóm về đãi khách. Cái quan trọng nhất là thiết kế sân khấu đờn ca để khuya anh em tụ họp lại đờn ca tới lúc đưa dâu. Bé Hai làm cô dâu thật đẹp, tôi cũng rất mừng vì dự được đám cưới này. Lúc làm lễ, tôi để ý thấy Bé Hai rưng rưng nước mắt, ba Bé Hai thì ngồi lưng thẳng đứng, nét mặt nghiêm nghị nhưng cũng đượm buồn. Mà có xa xôi gì đâu, cũng lòng vòng trong xóm, ấy vậy mà có cảm giác như sau lễ này, Bé Hai đi đâu xa lắm. Ba tôi lại giúp công mấy ngày, đưa dâu xong ông ngồi lại với ba Bé Hai nói chuyện. Ba Bé Hai cảm thấy không phải khi lời hứa ngày xưa chẳng thành hiện thực. Ba tôi nói cười, ờ thì được cũng tốt, không được cũng tại duyên số hai đứa. Hai ông già ngồi bên nhau uống rượu, vui, buồn lẫn lộn nhưng đậm sâu tình nghĩa.

Rồi tôi cũng có gia đình nhỏ của riêng mình. Tết trở về thăm quê sau chuỗi ngày mải miết. Thắp nhang cho bà nội, tôi vẫn thấy bà cười thật tươi, nụ cười đã nâng cánh tuổi thơ tôi, giúp tôi không lạc lối và đi đâu cũng biết trở về nguồn cội. Cu Tí của tôi đã lên bốn, môi hồng chúm chím, được ông bà nội rất mực thương yêu. Má tôi nói, vợ chồng Bé Hai về phụng dưỡng ông ngoại, nhắn tôi lúc nào về thì qua bển chơi. Con sông Mương Ðiều sau bao năm đã lở nhiều, biền dừa nước cũng thưa mỏng hơn. Gặp lại, Bé Hai chào:

- Anh Hai mới về…

Trời đất, hồi đó giờ có gọi nhau kiểu này đâu. Thêm thằng Toàn, chồng Bé Hai cũng chào y chang vậy, thôi kệ. Tôi nói vui:

- Làm anh khó đấy…

Ngoài mé sân, đứa con gái nhỏ xíu, đen nhẻm cạy đất lên chơi. Nó quay lại ngó vô, thì trời ơi, cặp mắt to tròn, mái tóc ngắn ngủn. Bé Hai chỉ nói:

- Con tụi em đó anh Hai…

Tôi buột miệng:

- Sau này hổng ấy mình làm sui đi…

Cả nhà bật cười. Ngoài kia, phía con sông Mương Ðiều gió Tết về rộn rã…

Phạm Quốc Rin

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.