Khi nói đến Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, mọi người thường nghĩ đến địa phương có nghề đan lờ truyền thống. Không thể nhớ chính xác ai là người sáng tạo ra dụng cụ hữu ích này và nghề đan lờ xuất hiện vào năm nào, những lão nông sống lâu đời ở vùng đất còn nghèo khó chỉ biết rằng, nghề đan lờ đã xuất hiện lâu lắm rồi, cách đây ít nhất cũng 40 năm.
Khi nói đến Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, mọi người thường nghĩ đến địa phương có nghề đan lờ truyền thống. Không thể nhớ chính xác ai là người sáng tạo ra dụng cụ hữu ích này và nghề đan lờ xuất hiện vào năm nào, những lão nông sống lâu đời ở vùng đất còn nghèo khó chỉ biết rằng, nghề đan lờ đã xuất hiện lâu lắm rồi, cách đây ít nhất cũng 40 năm.
Lúc đầu, nông dân tạo ra những cái lờ chỉ nhằm phục vụ cho việc khai thác cá đồng được thuận lợi rồi dần dà, những chiếc lờ tìm được chỗ đứng trên thị trường, đem lại khoản thu nhập đáng kể cho nông dân. Trải qua nhiều thăng trầm, người dân Ấp 7 hôm nay vẫn còn giữ gìn nghề truyền thống này, như một nét đặc trưng cuộc sống thôn quê.
Là một trong những gia đình nhiều thế hệ gắn bó với nghề đan lờ, giống như những đứa trẻ trong vùng, từ nhỏ anh Hồ Thanh Nhàn (Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) đã sớm thành thục các khâu đơn giản như: luồn hom, nứt vành giữa, luồn bửng.
Lớn lên, lập gia đình, anh Nhàn lại chọn nghề đan lờ làm kế sinh nhai. Không đem lại thu nhập cao nhưng với 2 triệu đồng tiền lời mỗi tháng, nghề này đã giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định, ít ra cũng đủ trang trải chi phí học hành của các con.
Chị Nguyễn Thị Ái, vợ anh Nhàn, phấn khởi cho biết: “Nếu bổ đồng thì 1 tuần, vợ chồng tôi làm được 200 cái lờ. Có những khi người ta cần hàng gấp, 1 ngày làm 50 cái cũng có”.
Nông dân Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, có thêm thu nhập đáng kể từ nghề đan lờ truyền thống. |
So với những nghề khác như phụ hồ, công nhân, thu nhập từ nghề đan lờ chẳng là bao, nhưng anh Nhàn chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Bởi, gia đình anh chẳng có lấy một công đất ruộng, nghề đan lờ là “nồi cơm” của anh. Mấy năm nay, giá cả lờ thương lái thu mua cao hơn so với trước đây nhiều. Hiện tại, lờ thưa đếm cho thương lái được 9.000 đồng/cái, còn lờ dày cao hơn, tới 15.000 đồng/cái.
Hơn nữa, suy nghĩ kỹ lưỡng thì nghề đan lờ vẫn còn nhiều cái được: được gần nhà chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái, khi rảnh có thể làm thêm những công việc khác để cải thiện thu nhập; được bao tiêu sản phẩm; được ứng trước dụng cụ để làm nên không có vốn vẫn làm được và cái được nhất là thu nhập khá ổn định và gần như quanh năm.
Chị Nguyễn Thị Ái cho biết: “Cứ qua Tết âm lịch là bắt đầu làm kéo dài cho đến tháng 10. Có những năm 25 Tết vẫn còn làm vì thương lái cần hàng”.
75 tuổi, ông Trần Văn Phước (Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) gắn bó với nghề đan lờ hơn nửa cuộc đời. Ðến thế hệ con cái cũng tiếp tục nhờ những chiếc lờ mà sống. Trong số 9 người con của ông đã có 4 người tiếp tục giữ gìn nghề đan lờ, thậm chí còn đưa nghề phát triển hơn. Như gia đình anh Trần Văn Chơn, ngoài đan lờ, mấy năm nay, anh còn thu gom sản phẩm của bà con trong vùng, rồi bỏ mối cho các tiệm ở địa phương, xã Khánh Bình và Trần Hợi.
Chị Trần Thị Vũ (vợ anh Trần Văn Chơn) cho biết: “Mấy chục năm nay, vợ chồng tôi đan lờ rồi bán lại cho người ta. Sau khi có được chút vốn, gia đình sắm chiếc xuồng, rồi tự đi bán và đếm lại của bà con để kiếm đồng lời nhiều hơn. Hôm nay, chồng tôi đi bán lờ nên không có nhà. Cách 2 ngày là gom, bỏ cho các tiệm. Mỗi chuyến đi khoảng 200 cái”.
Trước đây, gần phân nửa số hộ trong ấp làm nghề đan lờ nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 50 hộ. Nguyên nhân là vì tre, trúc không có sẵn phải mua lại của người khác, đồng lời không được bao nhiêu nên có những hộ không còn mặn mà; còn thanh niên thì đa phần tìm kiếm việc làm ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, bởi, cơ hội tìm việc không khó, mức lương khá cao, 5-6 triệu đồng/tháng.
Những lão nông như ông Quách Hồng Quai quyết không từ bỏ cái nghề của cha ông. Ông tâm sự: “Mấy đứa trẻ còn khoẻ mạnh nên không chịu ở nhà làm nghề này, nó thích đi làm ở công ty, lương cao hơn. Còn vợ chồng tôi thì cứ gắn bó với nghề đan lờ hoài, bởi lẽ, mình cũng không đủ sức khoẻ để làm việc khác, nhưng chủ yếu là vì mấy mươi năm làm nghề này, tôi thấy rằng, nghề đan lờ tuy tiền ít nhưng bền. Hơn nữa, nghề này làm gần quanh năm, cứ qua Tết là làm dài dài cho đến tháng 10 âm lịch. Khi nào còn cá là còn làm”.
Tuy nghề đan lờ dễ học và cũng dễ làm nhưng để tạo ra được những cái lờ đẹp mắt, đạt hiệu quả trong việc khai thác cá đồng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh, mấy ai biết rằng người làm nghề phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo. Và để có được thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng, họ phải ngồi hàng giờ đồng hồ, có khi đến tận đêm khuya.
Cũng từ cái nghề đan lờ cha truyền con nối mà ở Ấp 7 có không ít những đứa trẻ được cắp sách đến trường, được khôn lớn thành tài, góp sức xây dựng quê hương xứ sở./.
Bài và ảnh: Ngọc Minh