Tồn tại trong giai đoạn 1967-1973, lúc cuộc chiến đương hồi quyết liệt nhất, Nhà tù Phú Quốc là nhà tù trung ương của Mỹ - nguỵ và là “địa ngục trần gian”. Ở đó, cuộc chiến được khắc hoạ với sự ám ảnh mà thời gian không cách nào xoá được.
Tồn tại trong giai đoạn 1967-1973, lúc cuộc chiến đương hồi quyết liệt nhất, Nhà tù Phú Quốc là nhà tù trung ương của Mỹ - nguỵ và là “địa ngục trần gian”. Ở đó, cuộc chiến được khắc hoạ với sự ám ảnh mà thời gian không cách nào xoá được.
Ông Trần Văn Kiêm, nguyên cựu tù binh Phú Quốc, nhận định: “Thông qua các nguồn tư liệu của cả 2 phía và nhiều nhân chứng, nơi đây có khoảng 30.000 tù binh bị giam giữ”.
Những thủ đoạn tàn độc
Với quy mô 400 ha, nhà tù được chia làm 12 khu, mỗi khu có 4 phân khu và mỗi phân khu bao gồm 11 phòng. Ông Kiêm cho biết: “Bọn giám thị, an ninh, cảnh vệ đều ít nhiều căm thù anh em cộng sản. Chúng nó tra tấn anh em của mình không vì mục đích điều tra, khai thác, chúng dùng nhục hình là để trả thù, tiêu khiển”. Nhà tù được chia ra làm các khu theo phân loại: quê miền Nam, miền Bắc; sĩ quan, hạ sĩ quan; những phần tử bị mua chuộc và những người bị coi là “đầu sỏ”.
Ông Kiêm miêu tả: “Nhà tù được kết cấu bằng bùng nhùng và dây thép gai, nơi giam làm bằng tôn, không hề có tường. Xung quanh giặc dùng thuốc hoá học diệt cây cỏ trống hoang, nhằm đề phòng anh em vượt ngục”. Ở đây, tù binh chủ yếu ăn gạo mốc và cá ươn. Y tế của nhà tù nhiều lần cố tình cho anh em uống thuốc không đúng bệnh, có trường hợp chết người. Ông Kiêm kể: “Anh Chiến quê Bình Định bị bệnh thận nhưng tên y tá Cẩn cho uống liều thuốc ngủ mạnh. Khi anh Chiến mê, nó tiêm cho mũi thuốc gì không rõ. Anh Chiến không bao giờ tỉnh lại”.
Ông Lê Văn Minh, người cựu tù Phú Quốc bên gia đình. Sức khoẻ của ông suy giảm vì những đòn tra tấn năm xưa. |
Nhà tù Phú Quốc giờ đã tái hiện lại một phần các nhục hình đã được sử dụng với các tù binh. Chuồng cọp kẽm gai là một trong những hình thức sử dụng phổ biến tại Nhà tù Phú Quốc. Tù binh chỉ mặc quần cụt, tuỳ theo cách nhốt mà mỗi chuồng cọp dùng cho một hay vài người, ngồi lom khom hay đứng lom khom. Mỗi ngày, tù binh ăn 1 lần cơm với chút muối. Tiêu tiểu tại chỗ, phơi nắng, phơi mưa. Đêm lạnh bị dội nước, trời nắng bị dội nước muối. Muốn ngồi, hoặc nằm thì phơi da thịt trên kẽm gai. Ông Kiêm nói: “Ở lâu ngày đều bị lột da, rồi lên da non lại bị lột tiếp. Lâu ngày chỉ còn trơ xương và da lở loét”.
Ăn chay, niệm Phật, tra tấn tù binh mà giọng không thay đổi, mặt không biến sắc, Thượng sĩ Nhứt Nhu còn có nhiều “bí kíp” hành hạ tù binh: lộn vỉ sắt, đánh bằng chày vồ, bằng gậy, bằng roi cá đuối. Nhứt Nhu có những cái gậy gọi là “gậy bỏ cháo”, nghĩa là đánh xong thì cháo cũng ăn không nổi. Cũng tên ác ôn này đục lấy răng và đục móng tay, móng chân của biết bao anh em đồng đội trong tù. Khi đục răng, ông Kiêm dẫn lời nhiều người: “Tên Nhu kêu người bị đục đặt đoạn cây nhỏ vào cái răng hắn chỉ, nó nói nếu đặt chệch đi, cây khác rụng lây thì không chịu trách nhiệm”. Móng tay, móng chân cũng vậy, đặt một đoạn cây lên ngón theo hướng hơi chếch, Nhứt Nhu dùng chày vồ gõ “tốc” là xong.
Cũng ở Phú Quốc, những hình thức như đốt hạ bộ, ném người vào chảo nước sôi, đục lấy xương bánh chè, chiếu đèn cao áp vào mắt tù binh, đóng đinh lên người... đều được ông Trần Văn Kiêm tường thuật lại. 3 anh em tù binh của ta là Nguyễn Văn Hoàng, Lê Minh Long và Võ Ngọc Đảnh bị trói nằm ngửa, đầu cột chặt xuống bàn, mắt bịt băng keo, đèn công suất lớn chiếu vào mắt. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, anh Hoàng bị nổ mắt, hy sinh mà không kịp kêu một tiếng. Các anh còn lại đều lạnh người nhưng chúng thoa dầu cù là, chưa đến mức chết.
Tiếng nói của lịch sử
Đồng chí Lê Văn Minh (Bảy Minh), hiện ngụ phường 9, TP Cà Mau, nguyên Bí thư Đảng uỷ Phân khu B Nhà tù Phú Quốc, dù sức khoẻ khá yếu vẫn cố gắng tái hiện những ký ức về “địa ngục trần gian”, nơi ông đã sống từ năm 1968 đến thời điểm trao trả tù binh. Ông Minh cho biết: “Vô đó tụi giặc chủ yếu là đàn áp và trả thù cách mạng, tra khảo để thoả cơn khát máu của nó chớ khai thác được gì đâu. Tôi bị đánh gần như chết 4 lần, Nhứt Nhu đánh 1 trận. Nó cầm chày đánh vô ngực, đến cây thứ 4 thì tôi không còn biết gì”. Ông Bảy Minh cùng Đảng uỷ Phân khu B lúc ấy đã mạnh bạo đề ra kế hoạch tiêu diệt tên quân cảnh Trần Văn Tây ở khu B4.
Ông Bảy Minh kể tường tận thêm: “Ăn uống trong tù kham khổ lắm. Toàn trại giam đa phần bị suy dinh dưỡng. Giặc tra khảo, khủng bố, sát hại tính ra hy sinh cũng gần 4.000 anh em, đồng chí”. Trong trí nhớ của ông, tụi giặc với cây gậy trên tay có thể đánh vô tội vạ bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Có những anh em đồng chí ra đi hết sức đột ngột vì trúng đòn bất ngờ vào chỗ nghiệt. Ông Bảy Minh chia sẻ thêm: “Nhất là vô khu biệt giam, anh em ít người trở về, nếu về được cũng tàn phế. Chúng nó coi chúng tôi không phải là người nữa”. Cũng trong môi trường phi nhân tính này, các hình thức đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, khát vọng tự do thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của những người chiến sĩ cách mạng đã làm kẻ thù nao núng.
Cả ông Kiêm và ông Bảy Minh đều nêu ra dẫn chứng về hình thức tuyệt thực - hình thức đấu tranh phổ biến và ôn hoà nhất trong tù. Quyết liệt hơn, anh em có thể tổ chức thủ tiêu quân cảnh như ở khu B4 hoặc “bắt con tin” như việc Đại uý Lê bị anh em bắt giữ ở khu A7. Cũng trong tình cảnh đó, nhiều đồng chí, anh em đã tự nguyện “mổ bụng tự sát” để ra yêu sách với giặc. Ông Bảy Minh phân tích: “Anh em tự nguyện là để đấu tranh, nhưng cũng là cách để căn dặn bản thân, đồng đội không được phản bội lý tưởng, phản bội Đảng và Bác Hồ. Trước nhiều sự hy sinh quả cảm của các chiến sĩ cách mạng, lũ giặc run sợ và kính nể”.
Ở Phú Quốc, giai thoại về những người tù dùng tay không, dụng cụ tự chế đào hầm vượt ngục đã khiến cả thế giới cúi đầu ngưỡng phục. Vượt lên trên tất cả, mỗi một đồng chí đều mong muốn tự do, tiếp tục sát cánh chiến đấu giành độc lập dân tộc với đồng đội ở bên ngoài.
Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, anh em tù binh Phú Quốc dù bị bọn giặc bưng bít thông tin vẫn biết và thầm chuẩn bị cho cuộc trở về. Ông Bảy Minh cho biết: “Anh em có tổ chức buổi nói chuyện với giặc, tố cáo tội ác của chúng và về kết cục thất bại mà Mỹ - nguỵ sẽ nhất định chuốc lấy”. Khí thế của đoàn quân dù bị cùm gông, tù tội lấn át hẳn những tên nguỵ mặc đồ rằn ri, súng ống dữ tợn, cả những tên ác ôn cũng bắt đầu run sợ. Trước ngày toàn thắng 30/4/1975 của dân tộc, đầu năm 1974, Nhà tù Phú Quốc lui vào “hậu trường” lịch sử. Anh em trở về tiếp tục bổ sung lực lượng để giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong hành trang của các tù binh Phú Quốc có máu, nước mắt, có hương hồn của những đồng chí, đồng đội đã mãi mãi ra đi. Tiếng nói của lịch sử đã khẳng định mạnh mẽ chiến thắng chính nghĩa của dân tộc, của Đảng, của Nhân dân ta trước những kẻ thù thâm độc./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên