Trại Lúa giống Khánh Lâm I, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau hình thành năm 2008, đến năm 2010 đi vào hoạt động, sau 5 năm đơn vị đã thực hiện được 3 chức năng cơ bản đó là: khảo nghiệm, sản xuất thử và khuyến cáo nông dân đưa vào sản xuất. Nói ngắn gọn như thế nhưng để làm đúng 3 chức năng trên nhằm tiến đến mục tiêu thay đổi tập quán lâu đời của nông dân để chấp nhận giống lúa mới là chuyện không đơn giản, nhưng Trại Lúa giống Khánh Lâm I đã làm được.
Trại Lúa giống Khánh Lâm I, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau hình thành năm 2008, đến năm 2010 đi vào hoạt động, sau 5 năm đơn vị đã thực hiện được 3 chức năng cơ bản đó là: khảo nghiệm, sản xuất thử và khuyến cáo nông dân đưa vào sản xuất. Nói ngắn gọn như thế nhưng để làm đúng 3 chức năng trên nhằm tiến đến mục tiêu thay đổi tập quán lâu đời của nông dân để chấp nhận giống lúa mới là chuyện không đơn giản, nhưng Trại Lúa giống Khánh Lâm I đã làm được.
Với 140 ha được tỉnh Cà Mau phân bổ, Trại Lúa giống Khánh Lâm I đã chia ra từng tiểu vùng để khai thác tốt tiềm năng của đất, còn lại 100 ha chuyên sản xuất lúa giống. Từ quy trình khảo nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia, trại nhận về khoảng 100 loại giống từ các viện lúa, viện nghiên cứu, các trung tâm sản xuất giống ÐBSCL, các công ty có chức năng sản xuất lúa giống trong nước… Kỹ sư, công nhân nơi đây đưa vào thực nghiệm trên đồng, theo dõi sự tăng trưởng, sức đề kháng, đẻ nhánh, đánh giá định tính nông học, chất lượng gạo… Sau đó chọn khoảng 10 loại có những tính năng tốt nhất sẽ đưa vào sản xuất nhiều nơi trong tỉnh, nếu đạt yêu cầu thì đưa vào bộ giống của tỉnh và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để chính thức đưa vào sản xuất đại trà. Một kiểu “đi tắt đón đầu” thay vì tốn 10 năm mới có được 1 loại giống mới thì nay chỉ chọn lọc từ những bộ giống có sẵn để đưa vào nơi phù hợp mà nhân rộng.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hải giới thiệu tính năng của chiếc máy sàng lọc lúa giống. |
Mỗi năm, Trại Lúa giống Khánh Lâm I sản xuất khoảng 800 tấn lúa giống, một phần làm lúa thương phẩm, còn 500 tấn đạt chuẩn sẽ phân phối cho nông dân làm giống để phục vụ cho diện tích 36.000 ha lúa 2 vụ trong tỉnh.
Ðội ngũ quản lý của trại lúa giống chỉ có 4 người, vừa nghiên cứu, vừa tổ chức sản xuất, năng suất năm sau đều cao hơn năm trước, hiện nay trung bình khoảng 5 tấn/ha. Kết quả này chỉ mới đáp ứng khoảng 5% so với nhu cầu trong dân. Ðể có thêm số lượng lúa giống đạt chuẩn, trại đã hợp đồng với những nông dân sản xuất giỏi để họ nhận đất của trại sản xuất tại chỗ, trại sẽ bao tiêu sản phẩm và quản lý chất lượng lúa giống chặt chẽ, tạo công ăn việc làm cho bà con.
Kỹ sư Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau, đánh giá: Trại Lúa giống Khánh Lâm I là một trong những đơn vị làm ăn rất hiệu quả, giữ được uy tín với nông dân, vừa làm tốt nhiệm vụ đối với Nhà nước nhờ vào sự cần mẫn, quyết tâm và không ngừng sáng tạo của anh em trong đơn vị.
Trại giống thường xuyên đưa kỹ sư về địa phương tập huấn kỹ thuật, cung cấp thông tin về quá trình phát triển của cây lúa, chống sâu bệnh, chịu hạn, phèn ở mức độ nào, dinh dưỡng của hạt gạo và giá trị xuất khẩu nên nông dân tin tưởng và phấn khởi làm giàu trên đồng ruộng của mình. Theo Kỹ sư Nguyễn Văn Hải, Trưởng Trại Lúa giống Khánh Lâm I, hiện nay trình độ nhận thức của bà con đã khác xưa nên rất thuận lợi cho việc chuyển giao khoa học - công nghệ, cộng với nhiệt tình của đội ngũ cán bộ khuyến nông, kỹ sư nông nghiệp nên triển vọng hạt gạo Cà Mau đứng ngang tầm với các nước trong khu vực là rất khả thi. Một tín hiệu vui nữa đó là nhiều vùng chuyên canh lúa trong tỉnh đã “kéo” người lao động bỏ quê đi làm ăn xa trở về giữ đất sản xuất.
Ðể bà con được mùa, giảm chi phí sản xuất và an toàn cho sức khoẻ, hầu hết anh em ở trại giống không rập khuôn hành chính mà biết linh hoạt cho phù hợp với công việc nhà nông, từ đó tạo được sự thống nhất cao, vượt qua khó khăn cùng hoàn thành nhiệm vụ và được khách hàng tín nhiệm, bằng chứng là không riêng gì nông dân Cà Mau mà nông dân các tỉnh, thành phố khác: Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh… sử dụng lúa giống của trại ngày càng tăng./.
Bài và ảnh: Ngọc Diễm