Sau khi hợp nhất, trên cơ sở tính toán tiềm năng và năng lực hiện có, Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8,5%.
- Tỉnh Cà Mau sau hợp nhất sẽ không ngừng lớn mạnh, phát triển nhanh và bền vững (*)
- Cà Mau: Đoàn kết phát triển - vững bước tương lai
- Quyết tâm tăng tốc, hướng đến phát triển toàn diện và bền vững
Dù nhiệm vụ đặt ra không hề nhẹ, nhưng với cái nhìn tổng thể, mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Nếu tỉnh tập trung nguồn lực, quyết liệt tháo gỡ khó khăn và triển khai hiệu quả các giải pháp, Cà Mau có thể đạt được kết quả tích cực, toàn diện.
Tháo gỡ điểm nghẽn để tăng trưởng
Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sau hợp nhất tỉnh, dựa trên hiện trạng các dự án đã hoàn thành và dư địa phát triển, lĩnh vực điện gió đã trở thành một trong những động lực quan trọng, góp phần đưa Cà Mau trở thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu cả nước. Hiện tổng công suất các dự án điện gió đã đưa vào vận hành trên địa bàn đạt 649MW.
Sau hợp nhất với Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm và cực phát triển năng lượng tái tạo dẫn đầu cả nước, hướng đến xuất khẩu điện gió sang các nước trong khu vực.
Cụ thể, khu vực Bạc Liêu (cũ) hiện đang duy trì hoạt động ổn định của 8 nhà máy điện gió, với tổng công suất 469,2MW; trong khi đó, Cà Mau (cũ) có 6 dự án đã đi vào vận hành thương mại, đạt tổng công suất 225MW. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 8 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó 3 dự án với tổng công suất 276MW đang triển khai thi công.
Tuy nhiên, theo ông Thiện, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng điện gió hòa vào lưới điện quốc gia vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến nguồn thu của các nhà máy. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Đơn cử như tuyến đường dây 110kV Năm Căn đang thi công chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khiến nguồn điện từ các nhà máy trên địa bàn chưa thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Chí Thiện kỳ vọng, nếu sớm tháo gỡ điểm nghẽn truyền tải, giải phóng được nguồn điện, Cà Mau sẽ trở thành cực phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Tại Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, nơi được ví như "trái tim công nghiệp" của địa phương, sản lượng huy động từ hai nhà máy nhiệt điện trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt trong mùa khô, đã giảm so với cùng kỳ. Tổng sản lượng điện huy động trên địa bàn chỉ đạt 3.338 triệu kWh, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trước thực trạng này, tỉnh cần có những giải pháp chủ động và mang tính đột phá. Đặc biệt, cần kiến nghị Bộ Công Thương và Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện quốc gia (NSMO) cam kết huy động ổn định nguồn tải từ hai nhà máy nhiệt điện Cà Mau, đồng thời bảo đảm nguồn cung khí đầu vào. Việc duy trì công suất hoạt động hiệu quả không chỉ giúp nâng chỉ số sản xuất công nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Thủy sản – trụ đỡ tăng trưởng truyền thống
Một lĩnh vực quan trọng khác có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh là xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là con tôm, ngành hàng chủ lực gắn liền với đời sống, việc làm và sinh kế của phần lớn người dân địa phương. Với vị thế dẫn đầu cả nước về nuôi và chế biến tôm, Cà Mau (cũ) tiếp tục ghi dấu ấn trong xuất khẩu thủy sản, bất chấp những bất ổn, biến động khó lường của thị trường thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 551,8 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sản phẩm phân đạm của Nhà máy Đạm Cà Mau cũng đạt kết quả ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 82,5 triệu USD, tương đương gần 60% kế hoạch năm và tăng 20,8% so với cùng kỳ. |
Trước mức áp thuế mới của Hoa Kỳ đang được lần lượt công bố từ ngày 08/7 đối với các nước, tuy chỉ chiếm khoảng 7% tổng giá trị xuất khẩu, nhưng đây là thị trường lớn thứ 2, khi mà Cà Mau (cũ) đã mở rộng tiêu thụ tại trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc Hoa Kỳ áp mức thuế mới, có 2 vấn đề cần nhìn nhận là nếu cao hơn so với bình thường thì giá bán sẽ cao, theo đó giá tôm nguyên liệu đầu vào cũng sẽ cao. Song song đó, tùy vào mức thuế Hoa Kỳ áp đối với các “đối thủ” cạnh tranh với mặt hàng thủy sản, sẽ có thuận lợi và khó khăn, tùy vào thực tế mà đối phó phù hợp.
Hạ tầng - đòn bẩy mở rộng không gian phát triển
Sau hợp nhất, Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên 7.942,39km2 (xếp thứ 21/34 tỉnh, thành); quy mô dân số 2.606,672 người (xếp thứ 20/34 tỉnh, thành). Diện tích, quy mô dân số, kinh tế lớn hơn sẽ có mức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trên bản đồ kinh tế - chính trị và nâng cao vị thế của tỉnh mới trong chiến lược phát triển đất nước, đặc nền móng trở thành cực tăng trưởng lớn của vùng ĐBSCL.
Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh (là Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũ) từng chia sẻ, khi chưa hợp nhất, tỉnh Bạc Liêu (cũ) có 4 cái không: đường sắt, đường cao tốc, sân bay, cảng biển. Nhưng nay, khi về chung một mái nhà với Cà Mau, địa phương đã có đủ cả ba yếu tố quan trọng: cao tốc, sân bay và cảng biển – những "chìa khóa vàng" để mở cánh cửa phát triển.
Trục cao tốc Cà Mau - Đất Mũi sẽ được khởi công vào tháng 8 năm nay theo cơ chế khẩn cấp, quyết tâm hoàn thành trong năm 2028, mở đường kết nối, hướng ra biển, làm giàu từ biển.
Cảng hàng không Cà Mau hiện đang được nâng cấp, mở rộng với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Cùng với đó, tuyến cao tốc TP. Cần Thơ – Cà Mau dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Đặc biệt, trong tháng 8 tới, dự án cao tốc nối dài đến Đất Mũi sẽ chính thức khởi công. Công trình này có chiều dài khoảng 81km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, mặt đường rộng 24,75m, tổng mức đầu tư gần 59 ngàn tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo cơ chế khẩn cấp và dự kiến hoàn thành trong năm 2028.
Song song đó, tuyến đường giao thông vượt biển nối Đất Mũi đến Cảng Hòn Khoai cũng đang được xúc tiến đầu tư, với chiều dài khoảng 17,55km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng vốn dự kiến 17 ngàn tỷ đồng. Đồng thời sẽ xây dựng Cảng tổng hợp lưỡng dụng Hòn Khoai phía Nam giữa 2 đảo Hòn Khoai và Hòn Sao với tổng diện tích gần 629 ha.
Hình thành cảng tổng hợp lưỡng dụng Hòn Khoai sẽ tạo bệ phóng cho Cà Mau và khu vực vươn mình ra biển lớn.
Ngoài ra, tuyến cao tốc trục dọc từ Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (cũ) đang được quy hoạch hoàn chỉnh, kết hợp với tuyến hành lang ven biển phía Nam, góp phần khai thác tối đa tiềm năng của các trung tâm kinh tế ven biển như: Khánh Hội, Sông Đốc, Gành Hào, Cái Đôi Vàm…
Khi mà không gian phát triển được mở rộng sẽ tạo điều kiện cho quy hoạch và đầu tư đồng bộ hơn; tăng cường năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư tốt hơn, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển, như: kinh tế hội tụ đầy đủ các ngành, lĩnh vực trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Điều kiện tự nhiên Cà Mau dù còn nhiều khó khăn do yếu tố vị trí địa lý, song với quyết tâm chính trị cao nhất, khai thác lợi thế khác biệt, cùng với sự tập trung đầu tư hạ tầng, sẽ tạo thành “bệ phóng” cho Cà Mau hướng đến trở thành địa đầu cực Nam của Tổ quốc, điểm kết nối trung tâm, hướng ra biển lớn trong hội nhập và phát triển của khu vực, cực phát triển quan trọng phía Nam đất nước.
Trần Nguyên