ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 09:23:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hai nông dân kể chuyện nuôi heo rừng

Báo Cà Mau Đầu năm 2010, ông Lê Dũng ở phường 8, ông Nguyễn Việt Hùng ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau “thử sức” nuôi heo rừng. Động cơ khiến 2 ông thử sức nuôi heo rừng rất đơn giản: heo rừng là “của hiếm”, giá trị kinh tế cao. Và trong quá trình nuôi, 2 ông trải qua không ít chuyện cười đau cả bụng và chảy cả nước mắt.

Đầu năm 2010, ông Lê Dũng ở phường 8, ông Nguyễn Việt Hùng ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau “thử sức” nuôi heo rừng. Động cơ khiến 2 ông thử sức nuôi heo rừng rất đơn giản: heo rừng là “của hiếm”, giá trị kinh tế cao. Và trong quá trình nuôi, 2 ông trải qua không ít chuyện cười đau cả bụng và chảy cả nước mắt. 

Nhà có 800 mét vuông vườn tạp bên bờ kinh Rạch Rập, cây lức, ráng, mui, ô-rô, dây cám, dây trái giác âm u như rừng nên ông Dũng đau đầu chuyện cải tạo vườn tạp làm kinh tế, vì chân đất nhiễm mặn và phèn, chỉ có cây dừa sống được mà cũng èo ọt. Tình cờ coi ti-vi, thấy nhiều nông dân ở miền Ðông Nam Bộ, Trung Nam Bộ, Tây Nguyên nuôi được heo rừng trong chỉ vài trăm mét vuông của vườn cây bạch đàn, tù túng đâu có “ngon” bằng mảnh đất vườn tạp như rừng của ông. Ông Dũng nghĩ, nếu mấy con heo rừng ở đó sống được trong mảnh đất vườn của ông, chắc chắn là chúng sướng “cha đời” luôn còn gì! Ông vui như mở cờ trong bụng, thấy có lối ra rồi, mau mau đi Bình Dương mua heo rừng.

Cách nuôi heo rừng thả lan thành công của ông Dũng.         Ảnh: ÁI NHƯ

Sau khi hỏi sơ qua cách nuôi, cách cho heo rừng ăn, giá cả thịt, đầu ra, ông Dũng mang về 64 con heo rừng giống, mỗi con có trọng lượng khoảng 10 kg, giá 200.000 đồng/kg. Con nào con nấy mõm dài sọc, nhọn hoắc, lưng dài sõng sượt, bộ gió hung hăng, lông vàng khè, dân xóm thấy giật mình.

Ðúng như ông Dũng nghĩ, mấy con heo rừng khoái ngay mảnh đất vườn của ông, chúng ăn mạnh, ủi nhừ tử mấy bụi ráng, bụi lức, dầm mình xuống mấy vũng sình trong vườn. Ông Dũng kêu thợ đến cặm cột xi-măng, làm hàng rào lưới B40, bao quanh khu vườn như mấy chỗ nuôi heo rừng ở Bình Dương. Heo rừng năng động. Mảnh đất vườn 800 m2 đối với chúng có ăn thua gì đâu. Sau vài ngày ủi nát khu vườn, chúng dòm ngó qua những khu vườn cạnh bên và lân la đến đám lưới hàng rào B40.

Ðất ở Bình Dương là chân đất sét, đám heo rừng đụng lưới hàng rào B40 còn dội lại. Ðất ở kinh Rạch Rập là chân đất bùn, đám heo rừng không dội, chúng ủi hang chui qua lưới hàng rào B40. Bữa đó đi ăn giỗ ở xóm, đang uống rượu ngon lành với mấy ông bạn, thấy đám heo rừng lội ngời ngời trên lộ, ông Dũng xanh cả mặt, dân xóm cười đau bụng. Mọi người bỏ cả ăn nhậu, hè nhau lùa bầy heo trở lại khu vườn. Ông Dũng tốn không ít cho việc làm lại hàng rào chắc chắn.

Sau cái vụ hàng rào là tới cái kẻng. Heo rừng nuôi thả lan trong khu vườn, mỗi lần cho ăn có dễ đâu, ông Dũng đổ cám, rau muống trên sân và cầm cái thau xúc cám gõ mỏi tay. Cái thau xúc cám bị gõ riết không còn ra hình dạng cái thau, ông Dũng đi xin cái niềng xe hơi bỏ về thay cho cái thau xúc cám. Vừa nghe tiếng “kẻng” của cái niềng xe hơi, đám heo rừng giật mình, chúng biến mất vào mấy bụi rậm, không còn lấy 1 con. Ông Dũng đứng cả tim, sợ heo hoảng quá phá rào chạy ra xóm nữa là chết. Suốt ngày hôm đó, ông cứ nghe ngóng đám heo rừng, coi chúng như thế nào. Tới xế chiều, đám heo rừng mới trở lại sân và ăn, ông hú cả hồn vía.

Vậy mà qua ngày hôm sau, quen tay, ông lại đánh kẻng cái keng và đứng tim nhìn đám heo rừng. Nhưng không hiểu sao, đám heo rừng không bỏ chạy, chúng hướng về ông và chạy vào sân. Ông ngồi bệt xuống sân, khóc và cười như con nít.

Chưa dừng lại, ông Dũng còn phát hiện ra nguồn thức ăn khổng lồ cho heo rừng ở chợ đầu mối rau củ quả phường 7, tính đâu là vô mánh, ai dè dở khóc dở cười. Tối nào ông cũng có mặt ở chợ đầu mối rau củ quả phường 7, thu gom hơn 300 kg “rau củ quả dạt”. Ðây lại là những thứ khoái khẩu của heo rừng, chúng lớn nhanh như thổi, nhìn phát ham. Ông Dũng nuôi trong vòng 4 tháng, mỗi con từ 10 kg tăng lên hơn 30 kg, đủ điều kiện bán heo thịt. Ông Dũng hí hửng kêu thương lái đến thu mua. Thương lái đến coi đám heo rừng của ông và hỏi một câu muốn chết người: “Phải heo rừng hông?”. Lý do thương lái hỏi như vậy vì heo rừng của ông nuôi cho ăn nhiều quá, mập quá, không còn giống heo rừng, chất lượng bị đánh thấp xuống, mỗi ký bị ép mất 30.000 đồng. Ông Dũng không chịu ép giá như vậy, để heo lại nuôi cho “ốm bớt” rồi bán đúng giá, thương lái đồng ý.

Nhưng đâu có dễ như vậy. Ông cho chúng ăn nhiều quen rồi, giờ cắt bớt khẩu phần ăn, chúng đâu có chịu yên, quậy phá muốn banh hàng rào. Ông Dũng hoảng hồn, mau mau kêu thương lái lại bán, chấp nhận thua thiệt, rút kinh nghiệm cho những lứa sau. Mỗi năm, ông thu lợi nhuận từ heo rừng thịt không dưới 250 triệu đồng.

Cũng như ông Dũng, ông Hùng coi ti-vi, thấy nhiều nông dân nuôi được heo rừng trong vườn, bụng khoái lắm. Nhà có 4 công đất vườn, đất lại manh mún bởi ao, đìa, không còn diện tích cho nuôi heo rừng thả lan, ông mạo hiểm làm chuồng trại nuôi heo rừng như nuôi heo nhà và bị đám heo rừng hành không phải ít.

Mới đầu, ông Hùng xây chuồng trại thành một dãy dài, ngăn làm nhiều ngăn như dãy nhà trọ. Nền tráng xi-măng một nửa sạch sẽ, nửa còn lại đổ cát cho có môi trường tự nhiên. Mái lợp thiếc che mưa nắng, tường xây cao ngang ngực cho heo rừng đừng phóng ra ngoài. Chuồng trại được coi là đẹp và chắc chắn. Ông Hùng đâu có ngờ, mấy con heo rừng đâu có khoái vụ chuồng trại đẹp. Không thấy gió, cây cỏ, hơn 50 con heo rừng trong chuồng quậy tưng, kêu la điếc tai, bỏ ăn, chồm chồm lên vách tường nhìn ra ngoài. Ông Hùng rớt mồ hôi hột, mau mau đập bớt tường cho thấp xuống còn ngang bụng, làm cửa song sắt rộng mỗi ngăn cho có gió lùa vào. Ðám heo rừng chịu ăn, nhưng chỉ được vài bữa, chúng lại kêu la điếc tai, bỏ ăn, đâm cái mỏ nhọn qua song sắt, chồm lên vách tường nhìn cái mái chuồng che kín. Ông Hùng lại toát mồ hôi hột, mau mau tháo bỏ một bên mái chuồng. Chuồng trại làm đẹp chưa ráo nước sơn trở nên tan hoang, tường đập nham nhở, nóc chỉ còn một bên mái che nhìn hổng ra cái chuồng. Ấy vậy mà mấy con heo rừng lại khoái, chúng bớt kêu la, chịu ăn lại.

Ông Hùng chưa kịp hết mừng, đám heo rừng lại trở chứng. Chúng ủi banh một bên nền đổ cát lấp. Cứ mỗi sáng thức dậy, ông Hùng lại thấy trong mỗi ngăn chuồng có 1 "hố bom", ông lấp lại. Lấp riết, chịu hết nổi, ông thay nửa cái nền cát lấp thành nền đất. Ðám heo rừng bớt hung hăng, tính đâu yên chuyện, nhưng cũng chỉ vài bữa, chúng lại biến mấy cái nền đất thành những "hố bom" khổng lồ. Cát lấp còn dễ xử lý, đất sình dẻo quẹo dơ quá trời, chuồng trại nhìn thấy mà phát ớn. Ông Hùng bó tay, bỏ mặc đám heo rừng muốn ủi gì thì ủi. Chúng ủi tới đụng sình mới chịu thôi, tạo thành những cái hố sâu như giếng và mắc kẹt dưới đó, ông Hùng muốn phát điên. Ông lấy hết đất trong chuồng ra ngoài, bơm đầy sình vào mấy cái hố, khỏi mất công lôi mấy con heo rừng mắc kẹt dưới hố. Ông Hùng đâu có dè, cái chuyện bơm sình vào hố là đúng ý mấy con heo rừng, chúng chịu chung sống hoà bình với ông kể từ đó. Ông thấy mình trẻ lại hơn chục tuổi.

Sau cái vụ chuồng trại là chuyện “tắm” cho heo. Heo rừng tuyệt đối không được tắm, ông Hùng biết được chuyện này trong một dịp tình cờ. Ðó là vào một hôm, có mấy tay phóng viên ở thành phố, ngỏ ý muốn chụp hình heo rừng của ông giới thiệu lên báo. Ông Hùng chọn ra 1 con đẹp đẹp trong đàn heo đen xì, tắm rửa sạch sẽ, nhốt riêng, chờ phóng viên đến chụp hình. Nhưng phóng viên chưa đến chụp hình, con heo rừng đã lăn đùng ra chết. Ông Hùng mới biết, heo rừng dầm mình xuống sình tối ngày, khi lên khô, chúng có một lớp sình dày ngoài da, đó là lớp bảo vệ.

Ông Hùng nuôi heo rừng bằng bã đậu nành và cám. Một năm, ông thu lợi từ heo rừng giống hơn 200 triệu đồng, heo rừng thịt hơn 100 triệu đồng. Cách nuôi heo rừng của ông Hùng được coi là lợi hại. Ông nuôi được heo rừng trong chuồng như nuôi heo nhà. Diện tích nuôi không đòi hỏi phải lớn lắm. Dễ quản lý, dễ chăm sóc, dễ cho ăn, dễ phối giống, chi phí đầu tư chuồng trại không phải nhiều.

Chuyện nuôi heo rừng của ông Hùng, ông Dũng, về lâu về dài vẫn chưa biết ra sao, nhưng trước mắt, hai ông đã làm cho kinh tế chăn nuôi của nông dân ở TP Cà Mau thêm đa dạng, phong phú, độc đáo hơn./.

Ký sự của Ái Như

Tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh

Phát biểu khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản và các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024, tổ chức ngày 15/11, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định: Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh nông, thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau khám phá tiềm năng và dư địa của các nước trong khu vực và trên thế giới, là dịp để các doanh nghiệp, nắm bắt thông tin về các tiêu chuẩn, quy định thị trường nhập khẩu, từ đó tìm ra giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh”.

Chia sẻ mô hình tôm sú - lúa đạt chứng nhận ASC GROUP

Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), chiều 12/11, UBND huyện Thới Bình phối hợp với Công ty TNHH Xã hội Tôm chứng nhận Minh Phú tổ chức Hội nghị tổng kết và chia sẻ mô hình tôm - lúa gắn với Lễ công bố trao chứng nhận ASC GROUP và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thới Bình.

Sẽ đóng mới 2 tàu kiểm ngư

“Khu bảo tồn biển rộng và trải dài từ Đông sang Tây trên vùng ngư trường trọng điểm của quốc gia, theo đó cần trang bị phương tiện hiện đại phục vụ công tác tuần tra, quản lý. Theo đó, trong kế hoạch sẽ đóng mới 2 tàu kiểm ngư thực hiện công tác thực thi pháp luật trên biển với mỗi tàu có chiều dài 26 m, rộng 6,25 m, vận tốc lớn nhất (đầy tải) đạt 25 hải lý/giờ”, ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm ngư tỉnh, thông tin về Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025-2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Ðề án 1 triệu héc-ta lúa hiệu quả tích cực bước đầu

Theo kế hoạch thực hiện Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Ðề án), trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp khoảng 25.000 ha. Các vùng chuyên canh này được tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Giữ nghề truyền thống

Nghề làm lờ, lọp ở huyện Trần Văn Thời được hình thành từ rất lâu. Theo thời gian, số hộ làm nghề ngày một ít đi và đang đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, hiện tại một số người vẫn quyết tâm duy trì, với mong muốn giữ nghề truyền thống ông cha đã để lại và tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ con cháu sau này.

Ðừng để hoang phí đất

Giảm nghèo là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là mục tiêu được hướng đến. Thế nhưng, thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân tư duy sản xuất, cách sống chậm chuyển biến, dẫn đến không thể thoát khỏi cái nghèo. Trong nhiều trường hợp khó khăn ấy, qua khảo sát thực tế, có trường hợp vẫn sở hữu tư liệu sản xuất (dù ít), có đất vườn (khu vực nông thôn), nhưng quỹ đất này chưa phát huy hiệu quả.

Vào vụ màu Tết

Chưa đầy 3 tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2025, ngay từ đầu tháng 11, nông dân trên địa bàn các xã Khánh Bình Tây, Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã tích cực làm đất, ươm hạt, chăm sóc vụ rau màu, đặc biệt tập trung vào sản xuất các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết.

Tập trung sản xuất lúa đông xuân

Những ngày này, nông dân trong tỉnh đang tập trung sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025. Ðây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, bởi ngoài thời tiết thuận lợi, lúa đạt năng suất thì giá lúa cũng cao hơn so với vụ hè thu.

Hỗ trợ nông dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử

Chiều 1/11, Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Felix tổ chức lễ ký kết hợp tác hỗ trợ hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nông dân lên sàn Thương mại điện tử Nông sản B2B (Felix.store), kết nối giao thương, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ để tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các viện, trường, nhà khoa học; các sở, ngành, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp; người trực tiếp sản xuất để xác định được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn địa phương. Đồng thời, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp về nhân lực, khoa học và công nghệ, tín dụng và các ngành phụ trợ để giải quyết các vấn đề sản xuất mà Cà Mau đang gặp phải. Đây là mục tiêu đặt ra của Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống”, do Sở KH&CN tổ chức sáng 1/11.