ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:38:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hiểu nhầm

Báo Cà Mau Ngồi trên Viễn là Tính, anh chàng có mái tóc chải keo sắc lẻm, nặc nước hoa loại đắt, áo bó người, chừa một hai nút không cài như là mốt. Chốc chốc Tính quay xuống nhoẻn cười ý “ta quen nhau” hoặc “sẽ quen nhau” và gặng hỏi đôi câu xã giao vẻ trịch thượng, hơn người.

Ngồi trên Viễn là Tính, anh chàng có mái tóc chải keo sắc lẻm, nặc nước hoa loại đắt, áo bó người, chừa một hai nút không cài như là mốt. Chốc chốc Tính quay xuống nhoẻn cười ý “ta quen nhau” hoặc “sẽ quen nhau” và gặng hỏi đôi câu xã giao vẻ trịch thượng, hơn người.

Viễn và Tính cùng đậu vào một trường trung cấp. Cả hai cùng học chung lớp, ở chung phòng, ăn chung bếp ăn tập thể nhà trường. Cách phô trương của Tính cho thấy đây là quý tử của một gia đình giàu nứt đố đổ vách. Phải, mẹ đề huề doanh nhân thành đạt, cha quan to ăn cánh đầu bảng huyện mà.

Vào học được mấy ngày đầu, Tính bắt đầu thưa dần đến lớp. Huênh hoang lắm, Tính có xem những đứa học chung là gì đâu, cả Viễn lớn hơn con giáp. Ðôi lần mời nhậu, biết phận mình còn lắm cái lo, Viễn luôn từ chối. Lần gần nhất, không rõ ói chơi hay thật nhưng chính từ miệng Tính khạc ra, cả phòng nghe rợn, riêng Viễn đau lắm, đêm ép hoài mắt thao láo: “Sống như ông, thà chết mẹ hồi nhỏ cho rộng chỗ thiên hạ”.

Minh hoạ: M.T

Tính chơi thân, la cà thâu đêm với mấy tay đại gia lớn hơn mười, hai mươi tuổi và cánh choai choai chịu chơi trong thị xã sầm uất này. Chưa hết kỳ hai, Tính bị nhà trường cấm thi, Hội đồng kỷ luật quyết buộc thôi học. Hay tin, Tính tức tốc về phòng gặp hết mọi người, chủ tâm là Viễn, lời buồn pha tiếng ngọt, không còn thô kệch, tanh tưởi mọi khi. Có ai ưa kiểu ấy nhưng nói hoài cũng lọt tai với câu: “Em hứa sửa chữa…”. Anh em trong phòng, mỗi người một lời đôn đốc Viễn. Viễn có tính thương người, không để bụng, lớp trưởng xông xáo không ngại nhọc nhằn chạy tới, chạy lui xin thầy, cô nhà trường giảm kỷ luật, có cam kết bảo lãnh… Cuối cùng Tính cũng được học lại.

Ngày ra trường đến, anh em nhận lời Tính về nhà chơi nhân đám giỗ ông nội. Thấy Tính khá hơn trước, nhiệt tình mời gọi, từ ngày học chung đến bây giờ, Viễn chưa một lần đi cùng, cả lần dụng ý trả ơn của Tính. Nhà Tính nằm trên trục đường về nhà Viễn, Viễn cũng muốn biết thêm chỗ doanh nghiệp nổi tiếng của mẹ Tính để mai kia có khi cần thì đến xin việc.

Một bàn nhậu được bày ra sau nhà, bạn bè rôm rả vui cười. Bỗng bà xồn xồn đoan chắc là mẹ Tính, trông khoẻ, gân lực, bề thế, đuôi mắt sắc dài ngoách lên, tóc búi xược cao, từ phía trước bước vào, tay giơ cao chém gió đến lặc lìa, miệng oang oang:

- Nhậu hai năm chưa đã sao. Gấp quá trời quá đất vậy con?

Nghe lạ, cả bàn đều ngưng đũa, ngừng ly, nghễnh tai. Tính liền đứng lên trịnh trọng giới thiệu:

- Ðây là mẹ tao.

Tuy rượu vào, người phấp phới, chuếnh choáng nhưng tất cả cúi đầu, miệng lập bập chào dì, chào cô…

Bà nhìn trân trân bàn nhậu, muốn xả thêm cho hả nhưng Tính kịp nhìn ngoáy lên với ánh mắt đỏ ngầu vẻ hậm hực, bà bắt qua số khác nhẹ nhàng hơn:

- Biết trước mất thời gian, tốn tiền tốn bạc nhiều như vầy, ai cho nó đi học làm gì. Ông nhà này bổ túc có mấy đợt, lãnh đạo cả huyện ngon trơn…

Không ai trả lời, bà định nói thêm nhưng có khách gọi, tất bật những bước dài ra nhà trước. Chút sau bà trở lại, nhìn lướt từ đầu xuống chân rồi từ chân lên đầu, dừng lại chọc sâu gương mặt Viễn:

- Cậu này thấy quen, con nhà ai?

- Dạ, cháu ở huyện H, nhà ngay ngã ba Lộ Tẻ - Viễn lễ phép và nói tiếp - Dì có quen ai ở đó không?

 Bà đốp chát:

- Chỗ nào tui không biết. Nói gì cái xóm cỏn con ấy. Tui biết tường tận cả những người tốt, người xấu, người ích kỷ nữa là khác.

Bàn nhậu im phắc, thêm vài ly nhợt nhạt cho đủ đô theo lời của Tính. Cuộc nhậu chóng tàn, trời nhá nhem tối. Ðã dự tính trước rồi, anh em ngủ lại hôm sau về coi như chia tay lớp học. Không khí ngột ngạt mùi khẩu khí hoà mùi rượu bia của số đông, Viễn rủ hết anh em ra vườn nơi có nhà mồ, ở đó gió mát, có mùi hoa cỏ dại của không gian nửa chợ, nửa đồng. Gần chục đứa nằm trên gạch chuyện trò. Tới khuya, đứa đã "xay lúa", đứa còn bâng quơ đôi câu, có bước chân chạy ra, hối hả:

- Bà chủ cho gọi anh tên Viễn vào gặp bà ngay.

Viễn bước chậm, lo âu rồi cúi đầu chào. Nhận được cái hất hàm ngồi xuống giữa phòng khách. Mẹ Tính hằn học:

- Thì ra, hai năm nay bao nhiêu tiền bạc của con tui, cậu đã dụ dỗ nhậu nhẹt, gái gú rồi bày mưu lấy sạch?

Quá bất ngờ, Viễn chỉ đáp được câu gọn lỏn:

- Dạ, cháu không biết gì hết.

Mẹ Tính nã tiếp:

- Tôi biết tỏng tong mà. Trước đây nhà cậu cháy không còn cơm cháo để ăn, cậu lính nghĩa vụ mới về, hai bộ đồ không lành, cha chết cháy, mẹ liệt giường, anh trai ôm cục nợ to đùng, tài cán gì mà quay qua quay lại cơi cất được nhà cửa, chữa trị bệnh, giải quyết nợ, còn khấm khá nữa chớ. Cậu trả lời tui?…

Biết mẹ Tính đã nhầm, Viễn cố thanh minh cầu mong bà nhận ra và hạ nhiệt:

- Thưa dì, sự việc ấy nhắc lại càng đau. Thực sự một phần nhờ bà con chòm xóm thương tình giúp đỡ. Thêm nữa, một người trước đây thiếu ba cháu kha khá rồi bỏ xứ đi biệt khi ba cháu mất, họ làm ăn được hay tin trở về trả lại, mẹ cháu dần khỏi bệnh. Chỉ vậy thôi, cháu không gần gũi em Tính nên không biết gì cả. Dì cho cháu là người như vậy thì oan cháu lắm. Còn về lý, thẳng thừng mà nói thì dì dùng lời xúc xiểm, nhục mạ cháu, dựa trên chứng cứ nào, dì có thể cho cháu biết?

Tuy đuối lý với câu hỏi của Viễn nhưng bà nghĩ việc quy chụp là không sai. Chính là thằng này bởi bà đã nghe kể rành rọt, Tính bị một thằng lớn hơn, mày rậm mặt xương chơi chung bòn rút. Thêm nữa, thằng này đích thực con của bà Ba Vĩnh, một gia đình xấu xa từng thù ghét mình. Nhiều người làm công nghe lớn tiếng trong đêm vội vén mùng dòm. Bà lại ra oai, quát thẳng vào mặt Viễn:

- Khôn lắm thì cỡi cổ được thằng Tính chứ còn tui, ruồi bay ngang biết ráo, mẹ con cậu đừng hòng.

Quá bị xúc phạm, Viễn cố bình tĩnh:

- Xin thưa với dì và cũng là lời khẳng định cuối cùng, việc mất tiền, mất của hay ăn chơi gì đó của Tính cháu hoàn toàn không can dự, không hay biết.

Mẹ Tính bẽ mặt lắm vì chưa từng có ai cỡ tuổi này dám trả lời chứ đừng nói cự cãi lớn tiếng lại. Bà đứng phắt dậy môi run đập bàn:

- Không nói nhiều, cậu cút xéo khỏi nhà tui ngay lập tức.

Dưới màn đêm đen kịt cuối tháng, từng bước chân nặng trịch dò dẫm. Vài mươi cây số vượt suối, băng rừng trong đêm năm nào hiện về. Họng súng quân thù luôn rình rập, chỉ sơ suất nhỏ là vĩnh viễn chia lìa người thân, xóm giềng, kỷ niệm. Ấy vậy mà nó dễ chịu, không một chút nao núng, do dự, ngược lại rất tự tin, vinh dự với quê hương đất nước, nhất là ngày trở về. Ðêm nay, trên mảnh đất yêu dấu của mình, không đạn bom, không chết chóc nhưng sao tình người đến khó hiểu vậy. Dường như còn uẩn khúc ẩn hiện trong lòng người. Bên đường, hàng cây nối dài dằng dặc như vệt đen khổng lồ bao phủ cả chân trời, chốc chốc lập loè đom đóm gợi cảm giác ê chề xấu hổ đến gai người như muốn chặn bước chân của Viễn. Dù gì đi nữa cũng không phải trút căm giận bằng muôn ngàn dơ bẩn chụp vào lòng người, vào chút non xanh vừa hé sau cơn nóng bức đến mức nghiệt ngã, tả tơi vậy.

***

Ba mươi năm về trước, cũng đêm trời tối mịt mùng, hai bên vừa đánh nhau dữ tợn. Cặp vợ chồng trẻ trong căn nhà nhỏ mua bán tạp hoá bên bờ sông, sau khi xuống hầm trốn đạn, lên giường trằn trọc chờ trời sáng. Bỗng có tiếng nói khẽ từ dưới sàn nhà. Một phụ nữ có nước da ngăm, mạnh dạn, vai đeo khẩu súng trường báng xếp, lỉnh kỉnh nào ba lô, đạn dược vừa nói, vừa vọt lên sàn nhà:

- Tôi quân giải phóng bị truy đuổi, anh chị hãy giúp tôi…

Có tiếng chó sủa inh ỏi đầu xóm, rồi tiếng giày lính nện thình thịch ngoài đường. Ba Vĩnh, trong nháy mắt kịp hoàn hồn, nhanh nhẹn rời khỏi giường, nắm tay người chiến sĩ kéo vào buồng, mắt đảo nhanh qua vợ. Vợ liền nói nhỏ vừa đủ nghe:

- Thay quần áo giả làm em tôi ở Ðại Ngãi xuống thăm từ chiều hôm qua nghe…

Vợ Ba Vĩnh miệng nói tay chộp bộ đồ mới ủi hồi chiều chuẩn bị đi đám còn treo lủng lẳng trên sào. Hai người lau khô nước, mặc đồ xong, Ba Vĩnh nói nhỏ qua tai vợ:

- Xịt dầu thơm, sơn móng tay móng chân liền nghe em.

Qua mấy ngày lính chủ lực rút dần. Lính đồn bót, phòng vệ, dân sự ngày đêm tiếp tục lùng sục, cả xăm hầm từ vườn tược vào nhà dân tìm kiếm Việt cộng chém vè.

Vợ chồng Ba Vĩnh thay nhau bán hàng, cô Hai Toán ở trong buồng, kẹt lắm mới ra. Khi ra chạm mặt với khách hàng, vợ Ba Vĩnh luôn chủ động:

- Em đừng làm, tập trung coi lại bài vở để kỳ thi tới cho ngon em à!

Quay qua khách:

- Nhỏ em ruột năm nay thi tú tài, hè ở trên nhà ngay chợ ồn quá về đây, xem ra cũng không hơn gì.

- Cổ đẹp quá ta, chị em bà giống nhau y chang.

Ba ngày đêm sống trong phập phồng lo sợ. Ðêm, vợ chồng Ba Vĩnh ngủ trên giường, Cô Hai Toán trải chiếu ngủ dưới gạch. Chiều nay, bên ngoài bắt đầu yên ắng, không còn cảnh nhốn nháo, tiếng giày rầm rập truy lùng của lính, Ba Vĩnh châm bình trà nhả khói xa xăm, mây trắng từng sợi khắn khít vờn bay. Một cơn gió bất chợt liu riu thốc vào lưng, kéo anh trở lại. Dưới sàn nhà, dòng sông này muôn thuở lững lờ trôi, từng giề lục bình sậm nhạt lắc lư ngang qua đây rồi xuôi về biển cả có bao giờ trở lại.

Hình ảnh những ngày qua tuy hồi hộp thế mà dễ chịu, đáng yêu, làm sao quên được và đêm nay, đêm cuối cùng theo dự định, mình đưa cô Hai ra khỏi xóm này hướng về vùng căn cứ. Ðưa ra là việc khó nhưng cũng dễ bởi kinh mương, nhà cửa, ruộng vườn nhắm mắt Ba Vĩnh cũng rành rọt như lòng bàn tay, chỉ khó là lúc chia tay… Ba Vĩnh nghĩ đến đó cảm thấy nuối tiếc quá, tiếc đến giật thót tim khi vợ bất thình lình vỗ vai. Dường như suy nghĩ của Ba Vĩnh không lọt qua hai người phụ nữ đang thời mơn mởn pha chút tinh tường này. Thương chồng, quý Hai Toán lắm, để cảnh tỉnh chồng, không thừa và có lời động viên Hai Toán, vợ Ba Vĩnh thủ thỉ khi cùng ngồi vào mâm cơm chiều tối:

- Với cách mạng, gia đình mình còn nợ nhiều lắm anh. Ðã giúp đỡ thì phải hết mình bằng nghĩa cử cao đẹp góp phần nhỏ cho cái chung lớn lao, không hơn thiệt, không cơ hội.

Quay qua Hai Toán, giọng chị ân cần, nhỏ nhẹ:

- Em là nữ mà dám xông vào hiểm nguy gian khổ vì sự nghiệp cao cả này là đáng phục. Hãy cố gắng giữ vững ý chí đó trong mọi hoàn cảnh nghe em!

Ba Vĩnh bị chỉnh sửa hơi buồn, riêng Hai Toán nghe người có gì đó chạm vào lòng tự trọng, bởi mình là cán bộ, vào đây tá túc trong cơn biến mà bị một thường dân làm công tác tư tưởng như là huấn thị. Bực bội lắm nhưng thôi, Hai Toán ừ, dạ cho qua. Vợ Ba Vĩnh nhìn Hai Toán, nói tiếp:

- Ðêm nay, theo chị thì em không nên ra, mặc dù tình hình có êm nhưng khả năng tụi nó giả vờ, sẽ kích lại, đón lỏng. Tối ngày mai, ngày kia khi nào chắc chắn mới ra. Khi ra, em đi một mình không cần anh dẫn dắt, cho nó gọn và phòng bất trắc thì đánh trả và định trước hướng thoát. Anh Vĩnh xem, có xuồng đậu ở các ụ sau vườn không và chỉ thật kỹ từng lối ra.

Ba Vĩnh không được đưa, đỡ lo sợ nhưng cũng nghe người rười rượi như luồn khí lạnh chạy nhão các mạch, định bẻ lại nhưng tính toán của vợ quá phù hợp. Hai Toán nghe vợ Ba Vĩnh nói cũng có lý và có chút suy nghĩ ở chỗ tại sao hôm trước là đưa ra hôm nay lại tự ra, người đàn bà này có khi nào ghen tuông nổi khùng không đây?

Ba hôm sau, đúng như dự tính, Hai Toán men theo đường đã được chỉ dẫn trót lọt. Xuồng qua hơn nửa sông, bỗng tiếng bước chân nện dồn dập, bất thình lình cùng lúc, ánh đèn pin quét xẹt ngang vào mặt, vào người tiếng roạch roạch lên đạn và nạt to:

- Quay lại, không tao bắn nát óc.

Phản xạ, Hai Toán đã ngã người xuống dòng nước. Súng nổ chát chúa, đạn găm pằng pặc vào be xuồng, cô Hai biến mất hay trúng đạn cả nhà Ba Vĩnh thấp thỏm, không tài nào ngủ được trông trời sáng.

Sau giải phóng, Hai Toán tình cờ đi công tác cơ sở có gặp lại vợ chồng Ba Vĩnh. Vợ Ba Vĩnh luýnh quýnh mừng ra mặt ôm chầm, hỏi thăm, nơi công tác, khoe khoang mọi người về Hai Toán và định thuật lại chuyện xưa cho bà con nghe nhưng Hai Toán đưa tay ngăn lại vẻ bức bối đến lạnh lùng:

- Hay ho gì mà kể, mạng tui lớn chứ không thì thây phơi làm trò cười cho xóm này rồi.

Thì ra, Hai Toán thoát về vùng giải phóng sau sự cố đêm đó nhưng lòng rất căm phẫn. Hai Toán chắc rằng vợ Ba Vĩnh ghen bóng gió với cái tâm quỷ quyệt đã đổi kế hoạch đặng hòng giết Hai Toán. Mấy lần định vác súng giáp mặt cho ra ngô ra khoai, cần thiết trị tội cho chừa cái đầu Tào Tháo, máu Hoạn Thư mà bên ngoài làm như người tốt.

Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán. Câu ấy có đúng có sai. Sai trong trường hợp hiểu nhầm của Hai Toán từ sự duy lý, chứ Hai Toán chắc không phải là người bội ơn đến vậy…

Vợ Ba Vĩnh không hay không biết. Lần cháy nhà, chồng chết, túng quẫn, nghĩ nát nước hết lối ra, chợt nhớ lại nghĩa cử xưa bạo gan lần mò lên nhà Hai Toán định mở miệng vay mượn một ít xoay xở thì bị mắng cho một trận không chút tình người, rồi lủi thủi ra về, tay không, đầm đìa nước mắt, ngày đêm suy nghĩ đến bạo bệnh.

***

Không biết có phải mặt trái của kinh tế thị trường hay nghiệp chướng từ tiền kiếp gieo rắc hay còn điều gì khác nữa, không đầy một năm sau khi thằng con tốt  nghiệp, xui rủi từ đâu bỗng lao thẳng xuống hoành hành nhà Hai Toán đến mức tan tác, tù tội, bệnh tật, bán hết gia sản vẫn còn nợ.

Ðể rồi, hai mươi năm sau, người ta nhìn thấy tại trại dưỡng lão nằm trên trục lộ chính có bà cụ cao tuổi đầu bạc, lụm cụm, mắt mũi tèm lem, tự mò vào trại. Không như các cụ khác, cuối tuần người ta được con cháu đến rước về, riêng cụ nằm co rúm một mình không còn nước mắt để tuôn.

Và may thay, chỉ vài tháng sau đó, cho đến tận bây giờ, cứ ngày nghỉ, ngày lễ có chiếc xe bóng loáng của vị đứng đầu tỉnh ở tuyến trên, đi ngang qua, ghé lại rước bà về ngã ba Lộ Tẻ cho ăn uống, chăm sóc và cùng trò chuyện với bà Ba Vĩnh

Truyện ngắn của Trịnh Công Văn

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.